Những phụ nữ vá lưới lưu động

Họ xuất thân là vợ của những ngư phủ nơi miền chân sóng, biết vá lưới khi còn rất trẻ. Vài năm trở lại đây, nhu cầu công việc tăng cao, nhiều phụ nữ ở thôn Bắc Sơn và Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh tập hợp thành các đội vá lưới lưu động cho các chủ tàu vỏ thép, vỏ gỗ trong và ngoài tỉnh để có thêm thu nhập…

Đội phụ nữ vá lưới miệt mài làm việc. Ảnh: TT

Giữa khoảng sân rộng trong ngôi nhà khang trang của anh Bùi Đình Mười, một chủ tàu đánh bắt xa bờ ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, 4 người phụ nữ, mỗi người một góc miệt mài, tỉ mẩn từng đường kim, mũi chỉ để vá tấm lưới bùng nhùng bị rách. Anh Mười cho biết vừa trở về từ chuyến đánh bắt cá thu, cá ngừ ở ngư trường vịnh Bắc Bộ nên vàng lưới bị rách khá nhiều trong quá trình đánh bắt. Vì vậy, anh thuê các chị về vá lại cho kịp chuyến ra khơi tiếp theo.

Ngồi ở một góc sân, với đôi tay khéo léo, thoăn thoắt khâu dợ, cắt dây, chị Nguyễn Thị Nhung (46 tuổi) ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang kể, từ bao đời nay, ở làng biển quê chị, con trai lớn lên ai không đi học là theo nghiệp biển, còn con gái, khi lên mười đã được các bà, các mẹ truyền cho nghề đan lưới. “Sau mỗi chuyến biển, những tấm lưới của gia đình thường bị rách, hư hỏng. Vì thế, những phụ nữ trong gia đình phải phụ chồng, cha vá lưới để kịp chuyến ra khơi tiếp theo”, chị Nhung nói. Theo chị Nhung, chị biết vá từ khi mười bốn, mười lăm tuổi. Ở nhà thì vá lưới cho cha. Sau khi lập gia đình thì tiếp tục vá lưới cho chồng. Từ năm 2013 đến nay, số lượng tàu vỏ gỗ, vỏ thép công suất lớn đánh bắt xa bờ dọc dải đất miền Trung ngày càng nhiều. Vì thế, nhu cầu vá lưới rê bùng nhùng, lưới mực, lưới vây, lưới rũ… cũng tăng cao. “Ở làng tôi cũng có vài người đóng tàu to, mua lưới rộng. Sau mỗi chuyến đi, các bạn thuyền của họ cần có thời gian nghỉ ngơi và họ biết chị em phụ nữ chúng tôi vá lưới giỏi nên thuê về vá. Ban đầu chỉ một vài người là chị em trong gia đình đi. Dần dần, nhiều chủ tàu biết đến chúng tôi, họ gọi điện thuê vá lưới nhiều hơn nên chúng tôi gọi thêm các chị em khác. Đến nay, cả 2 thôn Nam Sơn và Bắc Sơn có 2 đội vá lưới lưu động, mỗi đội có 10 người, đều là phụ nữ, hầu hết là chị em bà con họ hàng, gần nhà nhau”, chị Nhung cho hay.

So với các nghề khác thì nghề vá lưới lưu động không khó khăn, vất vả. Nhưng để có nhiều “đơn đặt hàng” thì đòi hỏi các chị phải có tay nghề cao, sức khỏe tốt và làm việc uy tín, trách nhiệm. “Mỗi chuyến đi của chúng tôi phụ thuộc vào tấm lưới lớn, bé. Cứ hoàn thành lưới là trở về nhà, rồi có việc lại lên đường. Nghề này phải đi xa liên tục và ngồi một chỗ nhiều trong lúc vá lưới. Vì thế, ai có bệnh về đau lưng, xương khớp thì không làm được”, chị Nhung chia sẻ.

Ngồi cạnh chị Nhung, chị Nguyễn Thị Hà (em ruột của chị Nhung) kể rằng, hầu hết các chị trong đội đều đi vá lưới thuê hơn 5 năm nay. Các chị có thể vá được tất cả các loại lưới, từ lưới rê bùng nhùng, lưới ba, lưới rủ, lưới mực nang, lưới đằn... Mỗi loại lưới có một kỹ thuật vá khác nhau. Ai có nhu cầu vá lưới thì chỉ cần liên lạc qua điện thoại đặt lịch hẹn. Nếu làm địa bàn trong tỉnh thì các chị sáng đi tối về. Còn nếu nhận đơn hàng xa như ở Huế thì các chị ở lại vá cho khách đến khi nào hoàn thành công việc. “Mỗi ngày, chúng tôi làm việc 8 tiếng và được trả công 200 ngàn đồng/ người/ngày. Nếu làm xa, chủ tàu cần gấp hoặc việc nhiều thì “tăng ca” vá xuyên trưa, đến đêm, lúc này tiền công tăng lên 300- 400 ngàn đồng/người/ ngày. Nếu vá lưới mới thì nhận khoán, thu nhập cao hơn, nhưng chủ yếu là làm công. Mình làm phải cẩn thận, có uy tín, siêng năng thì họ thuê nhiều. Kim và sợi dợ, lưới đều của các chủ tàu. Chúng tôi chỉ mang theo mỗi người một con dao nhỏ sắc cắt dây” chị Hà bộc bạch.

Đội chị Nhung có 10 người, đều là chị em bạn bè thân thích, hàng xóm làng giềng. Nếu công việc nhiều thì 10 người cùng làm một nhà. Nhưng khi có nhiều chủ tàu thuê một lúc thì các chị chia ra thành nhiều nhóm, mỗi nhà khoảng 4- 5 người. Hầu hết chồng của các chị là ngư dân đi biển gần hoặc xa bờ. Mỗi ngày như vậy, chồng đi biển, vợ đi vá lưới, còn các con gửi nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc.

Chị Nhung cho hay, công việc của các chị hầu như làm quanh năm, mưa bão vẫn đi vì chủ yếu ngồi vá lưới trong nhà. Cả vùng Gio Linh và Vĩnh Linh chỉ có 2 đội vá lưới lưu động của phụ nữ Trung Giang. Nay đội vá lưới lưu động của các chị đã có uy tín, được nhiều chủ tàu biết đến nên công việc khá đều đặn. “Thu nhập mỗi tháng của chúng tôi khoảng 5 triệu đồng/người. Nếu tăng ca thì nhiều hơn một chút. Với phụ nữ vùng biển không có công việc ổn định thì đây là khoản tiền đáng kể. Nhờ nghề vá lưới lưu động này mà chúng tôi có thể phụ giúp chồng nuôi các con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình”, chị Nhung nói rồi tiếp tục công việc để kịp giao lưới cho chủ tàu.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146034