Những phát hiện mới về Văn hóa Hòa Bình

Qua nhiều lần khai quật các hang động và nơi cư trú của người tiền sử trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã có nhiều phát hiện mới về nền Văn hóa Hòa Bình (VHHB). Những lần hội thảo ở các nước trên thế giới, ông đã minh chứng cho các nhà khoa học thấy rằng nền VHHB có niên đại lâu đời, đa dạng và phong phú hơn những gì chúng ta đã biết.

Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á phát hiện nhiều điểm mới về nền Văn hóa Hòa Bình.

Nền VHHB được bà Madeleine Colani nhà khảo cổ học người Pháp bắt đầu phát hiện và quan tâm nghiên cứu từ năm 1925. Theo bà, VHHB là nền văn hóa thời đại đá thuộc thế Toàn Tân, tức sau 10.000 năm. Đó là quan niệm lấy tầng sét vàng có bề mặt phong hóa và quần thể động vật hóa thạch làm đặc trưng cho tuổi.

Năm 1981, cuộc khai quật của Viện Khảo cổ học tại hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn) đã gửi một mẫu ốc được gửi sang Berlin (Đức) cho kết quả đáng kinh động: 18.400 năm +/- 200 năm. Đây là chuyển biến hết sức to lớn về niên đại VHHB. Cùng thời gian đó, Tiến sĩ Chester Gorman sang thăm Việt Nam đã gợi ý Tiến sĩ Nguyễn Việt rung sàng để khai quật hang xóm Trại. Nhờ đó đã phát hiện hàng trăm hạt quả khô héo và cháy các loại bên cạnh hàng trăm mẫu xương răng thú nhỏ và trên 200 công cụ, hạch cuội niên đại trên 17.000 năm. Cuộc khai quật xóm Trại lần thứ 6 và làng Vành lần thứ 2 năm nay (2022) đã đưa đến kết quả có tuổi lên tới 22.000 năm chưa phải đã là tầng sớm nhất. Trong tương lai, những cuộc điều tra mở rộng và đào sâu hơn nữa sẽ giúp chúng ta mở ra nhiều ngăn tầng văn hóa hấp dẫn của tổ tiên.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho biết: Ngoài phát hiện mới về niên đại của VHHB qua các lần khai quật, chúng tôi phát hiện lượng di vật dày đặc đáng kinh ngạc ở hang xóm Trại và mái đá làng Vành. Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới ở niên đại cuối Cánh Tân đầu Toàn Tân những người săn bắt, hái lượm lại để lại nhiều tàn tích như vậy. Đã có một thống kê về lượng vỏ ốc tới 44.000 tại hang xóm Trại so sánh với 9.000 con và 11.000 con trên m3 trầm tích ở các hang VHHB tại Con Moong (Thanh Hóa) và Sũng Sàm (Hà Nội). Số vỏ ốc ở làng Vành cũng tương tự như xóm Trại. Số lượng xương tính theo mảnh khoảng 500/m3. Số công cụ đá hạch cuội ở hai di tích đạt trung bình hơn 70/m3 và hơn 300 mảnh tước/m3 trầm tích. Tại xóm Trại, số lượng đá cuội bàn chế biến thức ăn và chế tác công cụ (nặng trung bình 5-10 kg) lên đến hàng ngàn. Chúng được dùng ở quanh các bếp lửa, nhiều viên còn vết màu đá khoáng hematite sắt, lưu huỳnh. Công cụ mài lưỡi nguyên thủy ở cả hang xóm Trại và mái đá làng Vành đều đã phát hiện hàng trăm chiếc, trong đó chiếc sớm nhất ở tầng 17.000 năm.

"Một trong những phát hiện quan trọng tại hang xóm Trại là bằng chứng sớm nhất về tư duy mỹ thuật của người nguyên thủy Việt Nam là vào năm 1982, chúng tôi đã phát hiện hai viên đá có hình khắc khác thường. Năm 2004, số lượng phát hiện nhiều hơn, trong đó có một viên đá mỏng. Trên đó có rạch thành những nhóm đồ án vạch song song dạng xương cá và băng zigzac răng sói. Năm 2008 phát hiện thêm một vài viên có đường khắc hình zigzac tương tự. Niên đại một viên đá phát hiện năm 2004 ở tầng có tuổi C14 là 17.000 năm trước. Chúng đại diện cho những tác phẩm mỹ thuật đầu tiên của lịch sử con người chiếm cư trên đất nước ta", Tiến sỹ Nguyễn Việt cho hay.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/172337/nhung-phat-hien-moi-ve-van-hoa-hoa-binh.htm