Những pha xử lý kỹ xảo thô vụng, giả tạo trong phim Hàn

'Backstreet Rookie', 'Moorim School'… là những bộ phim để lọt một vài phân cảnh vô lý, giả tạo do xử lý kỹ xảo kém.

Tập đầu tiên Backstreet Rookie vừa ra mắt vào cuối tuần trước khiến khán giả bất ngờ bởi siêu năng lực của nhân vật Saet Byul (Kim Yoo Jung). Trong một phân cảnh, Saet Byul bỗng chạy lấy đà, bay lên không trung, rồi mới hạ cánh và khóa môi cùng nam chính Dae Hyun (Ji Chang Wook). Cảnh quay vừa gây khó hiểu, vừa tạo cảm giác lố khi lạm dụng kỹ xảo.

Ở một cảnh khác, Saet Byul lại có siêu năng lực đánh đấm, một mình “xử” gọn cả đám học sinh. Màn đụng độ này cũng bị nhận xét là lố, hiệu ứng kỹ xảo được thêm thắt một cách vụng về.

Các diễn viên của Mama Fairy And The Woodcutter đã phải vất vả tự biên tự diễn vì ê-kíp sản xuất không dùng mèo thật mà sử dụng kỹ xảo để "vẽ" mèo. Hình ảnh chú mèo ghép vào khung hình bị nhận xét giả tạo.

Bride of the Water God (Cô dâu thủy thần) là bộ phim gặp nhiều vấn đề về nội dung, diễn xuất và đặc biệt là kỹ xảo. Phân đoạn Ha Baek (Nam Joo Hyuk) cứu nữ chính So Ah (Shin Se Kyung) thoát chết trong gang tấc do rơi tự do từ tầng thượng của một tòa nhà bị đánh giá là ngô nghê.

Từ tư thế rơi của nhân vật So Ah cho tới hiệu ứng nước bao quanh chàng thủy thần Ha Baek lúc anh lao ra cứu người đẹp đều mang đến cảm giác vô lý và giả tạo.

Trong một cuộc bình chọn do tờ Ohmynews tổ chức, bộ phim Moorim School đứng đầu danh sách phim dở nhất năm 2016. Tác phẩm sở hữu cốt truyện nhạt nhẽo, tạo hình nhân vật như trẻ con và kỹ xảo thiếu chỉn chu. Trong hình là phân cảnh nhà bếp hỗn loạn, đồ ăn và các dụng cụ nấu nướng bay tung tóe, còn các nhân vật thì đang bận đánh đấm cùng các vật thể đang lao về phía mình.

Bộ phim Hi! School - Love On khiến người xem ngao ngán vì lạm dụng kỹ xảo trong pha đập bóng của nhân vật, khiến cảnh quay nhìn như hoạt hình.

My Love from the Star (Vì sao đưa anh tới) - siêu phẩm truyền hình năm 2014 đôi khi để lọt một số phân đoạn xử lý kỹ xảo thô vụng. Chẳng hạn như cảnh chiếc kiệu suýt rơi xuống vực như trong hình, hiệu ứng khói bụi mịt mù xung quanh, cùng hình ảnh chiếc kiệu chênh vênh ở mép vực cho cảm giác gượng gạo.

Một pha ghép hình khó có thể được đánh giá cao khác là cảnh nữ chính Geum Jan Di (Goo Hye Sun) của Boys Over Flowers bắt gặp một đàn vịt đang tung tăng bơi lội trong hồ bơi tại trường học. Thực tế, chỉ có hai chú vịt thật trong hình, còn lại đều là sản phẩm từ kỹ xảo.

Bộ phim cổ trang The Iron Empress khiến khán giả bật cười vì một pha xử lý kỹ xảo dở tệ. Người hâm mộ có thể nhìn rõ mũi tên không hề găm vào cơ thể nhân vật, mà chỉ được ghép vào khung hình một cách sơ sài, lộ liễu.

Nguyên Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-pha-xu-ly-ky-xao-tho-vung-gia-tao-trong-phim-han-post1099240.html