Những nữ trung hào kiệt của Điện ảnh thế giới

Họ là những nữ nhân tài năng, những nữ đạo diễn vô cùng xuất sắc, những cá tính sáng tạo nghệ thuật tiêu biểu của bộ môn nghệ thuật thứ 7. Họ đã đi vào lịch sử điện ảnh thế giới khi trở thành những nữ đạo diễn đầu tiên đoạt những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh như Liên hoan phim Cannes và giải Oscar.

Kathryn Bigelow là nữ đạo diễn đầu tiên có giải Oscar 2009.

Kathryn Bigelow - người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Oscar

Một trong những "nữ tướng" đầu tiên phải kể đến là nữ đạo diễn Kathryn Ann Bigelow. Bà là người phụ nữ đầu tiên nhận được giải Oscar cho "Đạo diễn xuất sắc nhất" tác phẩm điện ảnh "The Hurt Locker" năm 2009. Tên của bà đã vang lên tại thảm đỏ Oscar danh giá bậc nhất của điện ảnh thế giới, xóa tan định kiến tượng vàng vốn dĩ thuộc về những nam đạo diễn xuất sắc mà phụ nữ ít có cơ may. Bà đã làm thay đổi lịch sử 82 năm giải Oscar khi trang trọng viết tên mình dưới tượng vàng.

Bà có tên đầy đủ là Kathryn Ann Bigelow, đạo diễn và biên kịch người Mỹ nổi tiếng với những bộ phim hành động. Đặc trưng của những nhân vật chính trong những bộ phim của bà là sự thể hiện nội tâm sâu sắc. "The Hurt Locker" - bộ phim mang lại vinh quang lớn nhất cho bà khi đoạt giải Oscar và BAFTA năm 2009 cho phim xuất sắc nhất, được đề cử giải Quả cầu Vàng cho phim kịch nghệ xuất sắc nhất và nhiều giải khác của BAFTA.

Bigelow học hội họa tại Học viện Nghệ thuật San Francisco. Vào đầu những năm 1970, bà chuyển đến thành phố New York để tham gia vào chương trình nghiên cứu độc lập của Bảo tàng Whitney. Bà nhanh chóng bắt đầu có sự quan tâm đến việc làm phim và cuối cùng đã giành được học bổng vào trường điện ảnh tại Đại học Columbia. Ở đó, bà đã thực hiện bộ phim ngắn "The Setup" (1978). Sau khi tốt nghiệp Trường Columbia vào năm 1979, Bigelow bắt đầu thực hiện bộ phim điện ảnh dài đầu tiên của mình là "The Loveless".

Năm 1987, Bigelow trở lại màn ảnh rộng với "Near Dark", một bộ phim về chủ đề ma cà rồng và đã trở thành tác phẩm kinh điển đình đám. Hai năm sau bà kết hôn với đạo diễn James Cameron. Dự án đạo diễn tiếp theo của Bigelow là "Chiến tranh Iraq". Bộ phim kinh phí thấp kể về một đội chuyên kích nổ bom tinh nhuệ làm việc ở Iraq. Ngoài chiến thắng giải Oscar cho đạo diễn của Bigelow, bộ phim còn giành được 5 giải Oscar khác, trong đó có giải Phim hay nhất.

Jane Campion - Cành cọ vàng của Cannes và Tượng vàng Oscar

Với "nữ tướng" Jane Campion, bà là người phụ nữ đầu tiên đi vào lịch sử Cannes khi chiến thắng giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1993 với phim "The piano". Đây là sản phẩm hợp tác giữa New Zealand, Úc và Pháp, nói về niềm đam mê âm nhạc của một người phụ nữ bị câm ở giữa thế kỷ 19. Kiệt tác này cũng đã được trao 3 giải Oscar của năm 1994, trong đó có hạng mục "Kịch bản gốc xuất sắc nhất" về con người và xã hội, Diễn viên xuất sắc nhất. Ở bộ phim từng đoạt 54 giải thưởng trong đó có 3 giải Oscar bà chỉ đạt được Giải đạo diễn xuất sắc nhất của Cannes. Phải đến năm 2022 vinh quang mới chạm tay khi bà khi bộ phim "The Power of the Dog" bà dành giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Giải thưởng điện ảnh quyền lực nhất hành tinh này đã giúp bà xuất sắc trở thành một trong ba nữ đạo diễn giành giải Oscar hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất tại Oscar 2022, sau Chloe Zhao với "Nomadland" năm 2021 và Kathryn Bigelow với "The Hurt Locker" năm 2009. Nhưng Jane Campion là trường hợp đặc biệt, bởi bà có tới hai lần được đề cử cho giải thưởng này.

Jane Campion - Oscar 2022.

Jane Campion sinh năm 1954 tại New Zealand, là đạo diễn, nhà biên kịch và nhà sản xuất. Bà được thừa hưởng truyền thống nghệ thuật từ gia đình, với mẹ là một diễn viên, nhà biên kịch, cha làm giáo viên và cũng là một đạo diễn opera ở nhà hát. Năm 1976, bà ghi danh vào Trường Nghệ thuật Chelsea ở London (Anh) và đi khắp châu Âu. Bà cũng tốt nghiệp về nghệ thuật thị giác (hội họa) tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Sydney (Đại học Sydney, Australia) vào năm 1981. Các tác phẩm điện ảnh về sau của bà chịu ảnh hưởng từ những giáo dục nghệ thuật trong thời gian này.

Bốn năm sau, sự nghiệp bà khởi sắc khi bộ phim "Peel" (1982) đoạt giải cao nhất cho phim ngắn tại Liên hoan phim Cannes. Nữ đạo diễn người New Zealand có vô số dấu ấn tại liên hoan phim danh giá này. Hai phim ngắn sau đó là "Passionless moments" (1983) và "A girl's own story" (1984) cũng được trình chiếu tại hạng mục Un Certain Regard. Tuy nhiên, phải đến năm 1993, hào quang mới soi rọi vào Jane Campion rực rỡ trọn vẹn khi bà thắng Cành cọ vàng với "The piano". Như vậy, nữ đạo diễn, nhà viết kịch bản kiêm nhà làm phim cự phách Jane Campion đã được trao 97 giải thưởng trong tổng số 172 đề cử. Bộ phim gần đây nhất mà nữ đạo diễn thực hiện - "The power of the dog" đã mang lại cho bà tượng vàng Oscar cho giải Đạo diễn xuất sắc nhất (2022)

Phong cách làm phim của Jane Campion có thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, bà luôn dành nhiều tâm tư để kể câu chuyện của những nhân vật có tính cách phức tạp, có nhiều khát khao kìm nén và hành xử trái với chuẩn mực thông thường. Thế giới điện ảnh của Jane Campion luôn đặt ra sự khiêu khích, thách thức về mặt đạo đức. Song, nó lại phản ánh rất rõ bản chất của con người, luôn nêu cao khát khao sống, soi rọi vào những điều đẹp đẽ lấp lánh trong tâm hồn, thân phận con người đằng sau "lớp vỏ" kỳ dị, thô ráp. Chủ nhân Cành cọ vàng Cannes 1993 được xem như một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất thuộc thế hệ của bà.

Chlóe Zhao - Dấu ấn đặc biệt của Oscar 2021.

Ngày 25/4/2021, bộ phim "Nomadland" của nữ đạo diễn gốc Hoa Chlóe Zhao đã được trao giải thưởng điện ảnh Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất. Zhao là nữ đạo diễn châu Á đầu tiên và là nữ đạo diễn thứ ba nhận được phần thưởng cao quý này trong lịch sử Oscar.

Chloe Zhao- Oscar 2021.

Chlóe Zhao - 39 tuổi, đạo diễn xuất sắc Oscar 2021 với "Nomadland". Bà làm "khuynh đảo" thế giới khi để mặt mộc, tóc thắt bím, mặc trang phục áo dài Trung Hoa cổ điển mạnh mẽ và tự tin bước lên sân khấu để tham dự sự kiện điện ảnh danh giá và nhận bức tượng vàng trong sự ngạc nhiên tột cùng của giới "màn ảnh bạc" vốn ưa sự xa hoa lộng lẫy. Chlóe Zhao chia sẻ: Thời bé, sống ở Trung Quốc, cô chơi trò đọc cổ văn với cha. Sáu chữ "Nhân chi sơ, tính bản thiện" trong Tam Tự Kinh ảnh hướng tới cô. Cô nói: "Giải thưởng này tặng cho những ai giữ lòng tốt, sự lương thiện dù hoàn cảnh khó khăn thế nào, tặng cho người tin vào sự lương thiện".

Chlóe Zhao sinh ở Bắc Kinh, cha cô là Triệu Ngọc Cát, giữ chức Chủ tịch một công ty lĩnh vực quản lý, đầu tư bất động sản. Cha mẹ cô ly hôn. Mẹ kế của Zhao là diễn viên hài nổi tiếng Tống Đan Đan. Gia đình Chlóe Zhao từng không kỳ vọng vào cô. Khi Chlóe Zhao đoạt "Đạo diễn xuất sắc" và "Phim xuất sắc" tại Quả Cầu Vàng, Tống Đan Đan mẹ kế của cô viết trên Weibo: "Cô gái Trung Quốc không biết tiếng Anh, 16 tuổi mới ra nước ngoài học tập và chọn con đường mà chúng tôi không tin là sẽ có tương lai. Nhưng chúng tôi chỉ có thể tôn trọng quyết định của con".

Trước khi thành danh, Chlóe Zhao canh cánh nỗi lo tiền bạc. Năm 16 tuổi, cô một mình sang Anh du học với vốn ngoại ngữ nghèo nàn. Ý chí mạnh mẽ giúp cô dần hòa nhập cuộc sống ở châu Âu. 18 tuổi, Chlóe Zhao tự chọn trường cấp ba ở Los Angeles, sang Mỹ học tiếp. Cô học đại học ngành Chính trị, sau đó nghiên cứu điện ảnh ở Trường Nghệ thuật Tisch của Đại học New York. Để tiết kiệm tiền đi lại, thời sinh viên, Chlóe Zhao dùng ván trượt đi học. Cô làm nhân viên phục vụ quán bar, bán quần áo, rửa bát ở nhà hàng để trang trải cuộc sống.

Thời gian làm ở bar ảnh hưởng lớn tới tính cách, suy nghĩ của Chlóe Zhao. Cô cho biết thường trò chuyện với khách, từ đó hiểu cuộc sống của con người ở nhiều tầng lớp trong xã hội. Từ người mang cái tôi lớn, cô khiêm nhường, xuề xòa hơn. Chlóe Zhao học được cách lắng nghe, đồng cảm và hợp tác với người khác từ những cuộc trò chuyện. "Thu nhập của tôi phụ thuộc vào tiền boa của khách. Để khách thấy thoải mái, bạn buộc phải trò chuyện với họ. Khi làm phim cũng vậy, làm thế nào để hợp tác thành công với diễn viên không chuyên? Cần nghe câu chuyện của họ".

Chlóe Zhao thường được khán giả so sánh với Lý An vì các điểm chung: người Hoa, tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Tisch của Đại học New York, từng đoạt giải Sư Tử Vàng, có năng lực làm phim thương mại lẫn nghệ thuật. Về giải thưởng, hiện Chlóe Zhao vượt Lý An khi có giải Phim hay nhất Oscar. Trên nhiều diễn đàn, không ít phụ nữ gốc Á cho biết "vui đến rơi nước mắt" về thành công của Zhao, bởi con đường của cô không dễ dàng. Một số người nhận xét câu chuyện của Zhao là sự cổ vũ đối với những phụ nữ trẻ sống ở châu Âu, Mỹ, trong bối cảnh người gốc Á bị kỳ thị. Trên GQ, Chlóe Zhao nói lập nghiệp ở Mỹ, cô xem việc "không từ bỏ" con đường bản thân đã chọn là một trách nhiệm.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhung-nu-trung-hao-kiet-cua-dien-anh-the-gioi-i696931/