Những nữ dân quân thầm lặng 'canh trời'

Phiên hiệu 'Đại đội 4 dân quân gái' từ lâu đã không còn xa lạ với người dân tỉnh Thái Bình. Sự nổi tiếng ấy không chỉ từ những chiến công hiển hách mà đơn vị lập được trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược mà còn bởi sự cống hiến, hy sinh thầm lặng ngay trong thời bình của các nữ dân quân đang ngày đêm túc trực trên mâm pháo canh giữ bầu trời quê hương.

Cơn mưa nặng hạt từ sáng sớm khiến nền đất ẩm ướt, nhiều vị trí công sự của trận địa pháo 37mm vẫn còn đang ngập nước, vậy mà trên thao trường, các nữ "sao vuông” thuộc Đại đội 4 dân quân gái vẫn hăng say luyện tập các phương án đánh địch đột nhập đường không. Với khẩu khí to, tác phong nhanh nhẹn, động tác chuẩn xác, các nữ dân quân phối hợp nhịp nhàng điều khiển những khẩu pháo nặng hàng tấn liên tục thay đổi tầm, hướng để bắt, bám mục tiêu. Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Phạm Thị Hương Ly, Đại đội trưởng cho biết: “Huấn luyện trong điều kiện thời tiết xấu tuy vất vả nhưng lại là điều kiện tốt để rèn luyện, nâng cao trình độ, khả năng tác chiến cho các khẩu đội; bảo đảm đơn vị không bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra”.

Tiết trời mát mẻ, thời gian luyện tập cũng không dài nhưng cường độ cao khiến mồ hôi thấm ướt áo; nước da sạm đen, những đôi bàn tay bị chai sần phần nào cho thấy sự vất vả và ý chí rèn luyện của các nữ dân quân “chân yếu tay mềm”. Có 5 năm là pháo thủ số 1 của Đại đội 4 dân quân gái, chị Trần Thị Vân chia sẻ: “Các bài tập như vừa rồi được chúng tôi tổ chức thường xuyên cả ban ngày lẫn ban đêm. Tập nhiều thành quen nên cứ ngồi vào mâm pháo là chúng tôi thực hiện thuần thục động tác. Ngoài làm tốt chức trách của mình, chúng tôi có thể đảm nhiệm vị trí các số khác trong khẩu đội khi cần”.

Được thành lập ngày 22-12-1967, Đại đội 4 dân quân gái xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (tiền thân của Đại đội 4 dân quân gái ngày nay) có nhiệm vụ bảo vệ một số công trình thủy lợi quan trọng tại địa phương. Với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”, cán bộ, chiến sĩ đơn vị bám trụ chiến đấu 129 trận, bắn rơi và phối hợp bắn rơi, bắn bị thương 8 máy bay địch. Đại đội đã được tặng thưởng Huân chương Quân công và 5 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba và đặc biệt là được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1973.

Sau khi đất nước thống nhất, Đại đội 4 dân quân gái được điều chỉnh tổ chức, biên chế và xây dựng, phát triển theo “mô hình dân quân tập trung” do Ban CHQS huyện Tiền Hải quản lý, chỉ huy trực tiếp. Làm nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) nên chị em trong đơn vị phải thay nhau ăn, nghỉ tập trung 24/24 giờ tại trận địa. Trung tá Tô Đình Sơn, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Tiền Hải, cho biết: “Đại đội duy trì một khẩu đội trực SSCĐ thường xuyên. Vào dịp lễ, tết hay các sự kiện quan trọng, đơn vị căn cứ vào tình hình thực tiễn để tăng cường thêm quân số trực. Là người vợ, người mẹ, công việc gia đình nhiều nhưng các chị em luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Nữ dân quân thuộc Đại đội 4 dân quân gái luyện tập phương án đánh địch đột nhập đường không.

Là phái yếu lại thực hiện nhiệm vụ vất vả, cường độ cao càng khiến các nữ dân quân thêm đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau và xem đơn vị như ngôi nhà thứ hai của mình. Mọi khó khăn trong cuộc sống cũng như công việc đều được các chị em chia sẻ để cùng nhau vượt qua. Nữ dân quân Vũ Thị Mến tâm sự: “Nhiều hôm đến phiên trực nhưng nhà có việc bận hoặc chồng, con bị ốm đau, chúng tôi lại đổi trực cho nhau để chăm lo gia đình. Tủi thân nhất là những ngày lễ, tết không được ở bên người thân, bạn bè nhưng tình đồng chí, đồng đội giúp chúng tôi có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao”.

Điều càng trân quý ở các nữ dân quân đó là nhiều chị em hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, trong khi mức trợ cấp khi tham gia huấn luyện, trực SSCĐ thấp, song các chị em không tính toán thiệt hơn mà luôn đoàn kết, vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những năm qua, đơn vị luôn duy trì nghiêm nền nếp, chế độ, bảo đảm đúng, đủ quân số trực SSCĐ; qua các đợt kiểm tra thường xuyên cũng như đột xuất của cấp trên luôn được đánh giá cao. Năm 2022, đơn vị tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắn đạn thật trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Thái Bình, được Bộ tư lệnh Quân khu 3 lựa chọn tham gia diễn tập khu vực phòng thủ Quân khu.

Thượng tá Vũ Anh Chính, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tiền Hải cho biết: “Chúng tôi rất thấu hiểu, sẻ chia khó khăn với các nữ dân quân. Đơn vị thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thăm hỏi, động viên khi chị em bị ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà vào dịp lễ, tết và bảo đảm tốt chế độ, chính sách theo quy định. Ngoài ra, chúng tôi tạo điều kiện để các chị em tận dụng quỹ đất trống trong đơn vị chăn gà, vịt, nuôi lợn, thả cá, trồng rau, cấy lúa; vừa bảo đảm nguồn thực phẩm tại chỗ cho đơn vị, vừa giúp các chị em có thêm thu nhập cho gia đình, qua đó yên tâm công tác".

Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/nhung-nu-dan-quan-tham-lang-canh-troi-733880