Những nội dung cơ bản của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

Một buổi tư vấn pháp luật về "An toàn giao thông trong thanh thiếu niên" cho học sinh Trường THPT Thủ Thiêm (quận 2, TP Hồ Chí Minh).

Luật PBGDPL có năm chương, 41 điều quy định về quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức PBGDPL; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL.

Công tác PBGDPL là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác PBGDPL, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này. Trong rất nhiều văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều đề cập đến công tác PBGDPL.

Tuy nhiên, kết quả của công tác PBGDPL vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong xã hội chưa cao, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó nhận thức của một số bộ, ngành, đoàn thể, địa phương về công tác PBGDPL chưa thật sự đầy đủ và chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này; tổ chức, cán bộ làm công tác PBGDPL còn bất cập; kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác này còn rất hạn hẹp. Một nguyên nhân rất quan trọng là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PBGDPL còn tản mạn, chưa đồng bộ, hiệu lực pháp lý chưa cao, chủ yếu mới chỉ dừng ở các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện PBGDPL, chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao.

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, yêu cầu tăng cường, phát huy vai trò, hiệu lực của pháp luật theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đòi hỏi công tác PBGDPL phải thật sự có chuyển biến căn bản, toàn diện. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật PBGDPL là rất cần thiết.

Nội dung cơ bản đầu tiên của Luật PBGDPL phải kể đến là Quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân. Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật, Luật khẳng định công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Đồng thời, Luật xác định trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật. Quyền này của công dân được cụ thể hóa tại khoản 2 Điều 11 (Hình thức PBGDPL), Điều 15 (Tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật); khoản 2 Điều 17 (PBGDPL cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân).

Nội dung cơ bản thứ hai là chính sách của Nhà nước về PBGDPL và xã hội hóa công tác PBGDPL. Thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Chỉ thị số 32-CT/T.Ư, Luật quy định PBGDPL là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Luật xác định chính sách xã hội hóa công tác PBGDPL và có một điều riêng quy định về xã hội hóa công tác này tại Điều 4, trong đó giao Chính phủ căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của từng thời kỳ quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL. Bên cạnh đó, Luật đã thể hiện chính sách này tại các quy định về hình thức PBGDPL như: hòa giải ở cơ sở, khai thác tủ sách pháp luật, lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và đoàn thể, câu lạc bộ và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở; quy định khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL; trách nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật, cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, trách nhiệm của gia đình, tuyên truyền viên pháp luật và những người được mời tham gia PBGDPL ở cơ sở.

Luật khẳng định chính sách chung là Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác PBGDPL, đồng thời quan tâm, tập trung nguồn lực PBGDPL cho một số đối tượng đặc thù tại mục 2, Chương II của Luật.

Nội dung cơ bản thứ ba là Quản lý nhà nước về PBGDPL. Luật đã quy định cụ thể các nội dung quản lý nhà nước về PBGDPL, đồng thời xác định cơ quan quản lý nhà nước về PBGDPL, theo đó Chính phủ được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về PBGDPL; Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PBGDPL. Luật hóa một nhiệm vụ quan trọng đã và đang thực hiện có hiệu quả, Luật giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn về PBGDPL; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Bên cạnh đó, Luật đã giao các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quản lý nhà nước về PBGDPL.

Về Hội đồng phối hợp PBGDPL, Luật quy định Hội đồng được thành lập ở ba cấp là: trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Chức năng của Hội đồng là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện về công tác PBGDPL và huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL. Riêng đối với cấp xã, do đây là cấp tổ chức thực hiện công tác PBGDPL nên không thành lập Hội đồng.

Luật quy định Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL của Chính phủ là Bộ Tư pháp, của UBND cấp tỉnh là Sở Tư pháp, của UBND cấp huyện là Phòng Tư pháp. Luật giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL.

Đáng chú ý là Luật đã quy định Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Điều 8. Theo đó, Luật lấy ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân. Đây là ngày ban hành Hiến pháp năm 1946, đạo luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước ta.

Về Nội dung PBGDPL cho công dân (Điều 10), Luật quy định phải bảo đảm bao quát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Trên cơ sở đó, Luật PBGDPL quy định nội dung PBGDPL là quy định của Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức; các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế.

Bên cạnh các quy định của pháp luật, nội dung PBGDPL còn bao gồm ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật nhằm góp phần tạo niềm tin vào pháp luật, xây dựng con người mới vừa có hiểu biết pháp luật, vừa có ý thức chấp hành pháp luật.

Về hình thức PBGDPL chung cho công dân Luật quy định các hình thức PBGDPL hiện đang được áp dụng nhiều, có hiệu quả trên thực tế như họp báo, thông cáo báo chí; Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật...

Ngoài ra, Luật còn quy định PBGDPL cho một số đối tượng đặc thù là các đối tượng còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật, đó là: người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo.

Đối với mỗi đối tượng, Luật quy định những nội dung pháp luật thiết thực, liên quan trực tiếp đến đối tượng được phổ biến, giáo dục; các hình thức PBGDPL phù hợp với từng đối tượng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp PBGDPL; những chính sách về PBGDPL cho các đối tượng đặc thù và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong xã hội đầu tư, hỗ trợ công tác PBGDPL cho các đối tượng này.

Luật cũng quy định về Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân (Điều 23 và Điều 24); về Trách nhiệm PBGDPL của cơ quan, tổ chức (mục 1 Chương III); về báo cáo viên pháp luật (Điều 35, Điều 36), tuyên truyền viên pháp luật và những người được mời tham gia PBGDPL ở cơ sở (Điều 37); về Các biện pháp bảo đảm cho công tác PBGDPL (Điều 40 và Điều 41).

VŨ HOÀNG LONG
(Biên soạn)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/phap-luat/gi-i-ap/nh-ng-n-i-dung-c-b-n-c-a-lu-t-ph-bi-n-giao-d-c-phap-lu-t-1.389122