Những nhân vật lịch sử tuổi Thìn

Trong số 12 con giáp, rồng là con vật được hình tượng hóa với những điều tốt đẹp nhất. Do đó, người sinh năm rồng theo quan niệm của người Việt là những người thông minh, có khả năng và khát vọng vươn lên. Trong lịch sử dân tộc có không ít nhân vật nổi tiếng tuổi Thìn.

Mạc Đĩnh Chi (1280-1350)

Ông tên tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Mạc Đĩnh Chi thông minh hơn người, nhưng tướng mạo xấu xí. Ông đỗ trạng nguyên dưới thời vua Trần Anh Tông, nhưng do tướng mạo xấu xí không được vua coi trọng. Ông liền làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Hoa sen trong giếng ngọc) để tự ví mình, vua đọc thấy hay rồi cất nhắc lên làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia.

Về ông có một sự tích, đó là khi đi sứ nhà Nguyên, trong phủ có một bức trướng vẽ chim sẻ đậu trên cành trúc, ông chạy tới xem thì bị mọi người cười là quê mùa, ông liền xé rách bức trướng. Mọi người lấy làm lạ hỏi tại sao thì ông đáp: “Tôi nghe người xưa chỉ vẽ cây mai chim sẻ thôi, vì trúc là quân tử, sẻ là tiểu nhân. Nay tể tướng lấy trúc với sẻ thêu vào bức trướng thế là lấy tiểu nhân ở trên quân tử. Tôi sợ đạo tiểu nhân lớn lên, đạo quân tử mòn đi, nên vì thánh triều từ bỏ”. Nghe xong, mọi người ai cũng khen ông nhanh trí, người Nguyên thêm khâm phục.

Thời Trần Minh Tông, Mạc Đĩnh Chi càng được tin dùng hậu đãi, ông làm quan rất thanh liêm.

Chu Văn An (1292-1370)

Ông là người làng Thanh Liệt, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội). Ông đỗ thái học sinh (tiến sĩ) rồi về nhà mở trường dạy học và đã có rất nhiều học sinh thành đạt, giữ những trọng trách quan trọng ở triều đình, như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát.

Đền thờ thầy giáo Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng

Đời vua Trần Minh Tông, ông được mời ra giữ chức Tư nghiệp Trường Quốc Tử Giám. Đời vua Trần Dụ Tông, ông dâng sớ xin chém 7 tên gian thần (gọi là thất trảm sớ) nhưng không được chấp nhận. Sau đó, ông cáo quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng thuộc làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trong thời gian về ở ẩn, ông có những tác phẩm thơ bằng chữ Hán như: Tiều ẩn thi tập, thơ bằng chữ Nôm như Quốc ngữ thi tập. Ngoài ra, ông còn soạn bộ Tứ thư thuyết ước gồm 10 tập trình bày những điểm cơ bản về 4 bộ sách Nho giáo.

Khi mất, ông được triều đình truy tặng chức danh Văn Trinh Công ban tên hiệu là Khanh Tiết và được thờ ở Văn Miếu. Ông là một nhà nho tiết tháo, cương trực, đấu tranh cho chính nghĩa. Một ẩn sĩ thanh cao, gương mẫu, một thi sĩ của thiên nhiên, ngoài ra, ông còn được biết đến với tư cách là thầy thuốc đông y.

Phan Đình Phùng (1844-1895)

Ông là anh hùng chống Pháp, con cụ Phó bảng Phan Đình Tuyển, quê ở Đông Thái, La Sơn, Hà Tĩnh.

Ông là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở cuối thế kỷ XIX trong lịch sử Việt Nam.

Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926)

Ông là sĩ phu yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX; tự là Mạnh Hiếu, người làng Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Ông đỗ cử nhân năm 1867, rồi làm quan tỉnh Hải Dương. Năm 1885, ông lãnh đạo khởi nghĩa Bãi Sậy. Ông đã áp dụng chiến thuật đánh du kích tiêu hao lực lượng địch trên các tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Hưng Yên. Năm 1888, Pháp dồn lực lượng đàn áp cuộc khởi nghĩa, ông giao quyền chỉ huy cho em trai là Nguyễn Thiện Khê và tùy tướng là Đốc Tít (Nguyễn Đức Hiệu), rồi sang Trung Quốc tìm gặp Tôn Thất Thuyết tăng viện nhưng không thành. Sau đó, ông mất tại Trung Quốc.

Năm 2005, tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với địa phương và dòng họ của lãnh tụ khởi nghĩa Bãi Sậy Nguyễn Thiện Thuật, đưa hài cốt của ông về an táng tại quê hương Xuân Dục. Cũng trong năm 2005, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng nhà bia tưởng niệm Nguyễn Thiện Thuật trong khu di tích lăng mộ của ông gần với cây đề cổ thụ, vọng gác tiền tiêu của nghĩa quân Bãi Sậy năm xưa.

Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925)

Nguyễn Thượng Hiền tên tự Đình Nam, hiệu Mai Sơn. Ông là chí sĩ yêu nước, quê Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là TP. Hà Nội).

Năm 1885, ông đỗ cử nhân khi mới 17 tuổi, thi hội đỗ đầu, đang chờ xướng danh thì kinh thành Huế thất thủ. Đến năm 1892, ông thi lại và đỗ Hoàng Giáp khi mới 24 tuổi. Tuy đỗ cao nhưng ông không ra làm quan mà về ẩn cư ở vùng núi Nưa, Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông giữ chức Toản tu Quốc sử, rồi làm Đốc học tỉnh Ninh Bình.

Nguyễn Thái Học (1904-1930)

Ông quê ở làng Tổng Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Lúc nhỏ, ông học chữ Hán ở nhà, rồi học trường Pháp - Việt tỉnh Vĩnh Yên. Năm 1926, khi đang học trường cao đẳng thương mại, ông đã nhiều lần gửi yêu cầu của mình lên chính quyền Pháp nhưng đều không được chấp nhận. Năm 1927, ông lập ra tổ chức cách mạng Việt Nam Quốc dân Đảng với mục đích “liên lạc tất cả anh em đồng chí không phân biệt giai cấp tôn giáo, dùng võ lực để lấy lại quyền độc lập cho nước Việt Nam”, lập một chính phủ cộng hòa theo chủ nghĩa dân chủ xã hội. Năm 1930, tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Bái nhưng thất bại, ông bị thực dân Pháp xử tử cùng 12 đồng chí vào ngày 17-6-1930. Trước lúc hy sinh, ông đã tuyên bố “không thành công thì cũng thành nhân”. Quả thực như vậy, mặc dù cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng đã có tiếng vang rất lớn, tên tuổi của ông đã được ghi danh sử sách.

Trần Phú (1904-1931)

Ông sinh năm Giáp Thìn (1904), tại xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông đỗ đầu trường cao đẳng tiểu học (1922), rồi về dạy tại Trường tiểu học Cao Xuân Dục. Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của ông là được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Tại đây, Trần Phú đã gặp Nguyễn Ái Quốc và được dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy, sau đó kết nạp vào Cộng sản Đoàn và học tập tại Trường đại học Phương Đông ở Matxcơva (Nga).

Tháng 4-1930, ông về nước hoạt động, sau một thời gian ngắn được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được giao trọng trách dự thảo Luận cương Chính trị và đã được Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 thông qua. Luận cương Chính trị của Trần Phú cùng với Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được Hội nghị tháng 10 thông qua, đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Cũng trong hội nghị này, ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Trên cương vị là Tổng Bí thư, ông đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Ông bị bắt khi đang làm nhiệm vụ vào tháng 4-1931 tại Sài Gòn và hy sinh vào tháng 9-1931 tại nhà thương Chợ Quán khi mới 27 tuổi.

Trần Phú - một người cộng sản kiên trung, một người con ưu tú của Đảng. Ý chí và phẩm chất cách mạng của ông là tấm gương sáng cho những thế hệ mai sau.

S.T

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/153627/nhung-nhan-vat-lich-su-tuoi-thin