Những người trẻ không dễ đi cà phê khi đồng tiền gặp khó

Khi thu nhập ảm đạm, nhiều người trẻ không còn sẵn sàng chi tiêu cho thói quen cà phê, ăn hàng như trước đây. Tự pha cà phê, chọn món giá rẻ... là những giải pháp được áp dụng.

Thói quen đi cà phê, ăn uống của nhiều người trẻ có xu hướng thay đổi trong giai đoạn kinh tế, việc làm ảm đạm. Ảnh: Phương Lâm.

Mỗi tuần, Phạm Gia Khiêm (24 tuổi, sống tại TP.HCM) đi cà phê 3-4 lần. Thậm chí, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, anh ngồi 2-3 quán cà phê khác nhau/ngày để làm việc hoặc hẹn gặp bạn bè, người yêu.

Theo nhân viên văn phòng này, thói quen đi cà phê của anh có thay đổi nhưng không đáng kể mặc cho tình hình việc làm, tài chính năm qua có biến động. Ngược lại, cafein và không gian đẹp của quán lại giúp anh có cảm hứng làm việc, đạt hiệu quả cao hơn.

"Tôi thường chi khoảng 40.000-50.000 đồng cho một lần đi cà phê. Tôi không giảm bớt các khoản phí sinh hoạt khác cho thói quen này. Nếu đủ tài chính, tôi sẽ giữ nguyên tần suất. Một số giai đoạn thu nhập kém hơn, tôi giảm xuống còn 1-2 buổi cà phê/tuần", Khiêm nói với Tri Thức - Znews.

Đồng lương bất ổn, cà phê vẫn thế

Ngày 27/3, Công ty CP iPOS.vn công bố Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực (F&B) tại Việt Nam năm 2023. Đây là dự án nghiên cứu chuyên sâu, do iPOS.vn phối hợp cùng Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam - VIRAC thực hiện trong 4 tháng với gần 4.000 thực khách trên cả nước.

Theo khảo sát, 59,5% đáp viên chi từ 41.000 đồng trở lên cho một lần đi cà phê. Mức chi phổ biến nhất là 41.000-70.000 đồng, chiếm 45,2%. Khi được hỏi về tần suất đi cà phê, 42,6% lựa chọn 1-2 lần/tháng. Trong khi đó, 30,4% đi cà phê 1-2 lần/tuần. Có đến 6,1% đáp viên thừa nhận đi cà phê mỗi ngày. Đây là nhóm khách thường xuyên đến quán nhằm gặp gỡ công việc.

Báo cáo nhận xét đây là một yếu tố bất ngờ khi người Việt tăng chi và tăng tần suất đi cà phê trong trong năm kinh tế khó khăn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng mở rộng hầu bao. Qua một năm tình hình kinh tế và việc làm không mấy thuận lợi, nhiều người trẻ thay đổi đói quen đi cà phê, giảm tần suất hoặc giảm chi phí cho mỗi lần gọi món.

Thói quen đi cà phê của Gia Khiêm không mấy thay đổi trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Ảnh: Nguyễn Gia Khiêm.

Như Trần Đức Long (24 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết luôn ưu tiên chọn Americano đá (một món cà phê pha máy, được thêm một lượng nước nhằm giữ hương vị nhẹ nhàng, dễ uống) cho hầu hết cuộc gặp gỡ. Đồ uống này thường có giá tương đối tiết kiệm trong menu các nhà hàng.

"Cách đây khoảng một năm, tôi đi cà phê 3-4 lần/tuần, tiêu khoảng 1-2 triệu đồng/tháng cho hạng mục này. Nhưng giờ tôi phải cắt giảm chi phí cho cà phê, còn khoảng 50% thôi, chỉ khi có cuộc hẹn với đối tác hoặc bạn bè mới đến quán", anh bộc bạch.

Nhiều ngày, làm việc tại nhà, Long giữ tỉnh táo bằng cà phê gói. Theo anh, thức uống tiện lợi này không ngon bằng ở quán, nhưng tất nhiên tiết kiệm hơn.

Thảo Linh giảm số buổi đến quán cà phê trong tuần để siết hầu bao. Ảnh: Nguyễn Thảo Linh.

Tương tự, Nguyễn Thảo Linh (22 tuổi, sống tại Hà Nội) thường đến quán cà phê 2 lần/tuần thay vì 5 lần như gần một năm trước đây. Cô vẫn ưu tiên chọn quán có không gian hiện đại, đồ uống trang trí đẹp để check-in mạng xã hội.

"Tại những quán đẹp, một ly latte có giá khoảng 60.000 đồng, hơn một bữa ăn trưa của dân văn phòng. Khi còn là sinh viên, không lo nghĩ quá nhiều đến tiền, ai rủ đi cà phê tôi cũng đồng ý. Nhưng giờ tôi đã ra trường, không còn dám chi tiêu quá tay. Tôi không cắt hoàn toàn khoản chi tiêu cho cà phê, chỉ siết số buổi để tiết kiệm hơn", Thảo Linh nói.

Không chỉ là cà phê

Không chỉ giảm tần suất đi cà phê, thói quen ăn ngoài của nhiều người trẻ cũng dần thay đổi. Tự nấu ăn, hạn chế đến nhà hàng, chọn quán ăn bình dân hơn là cách kiểm soát chi tiêu.

Trước dịch Covid-19, Nguyễn Minh Tâm (23 tuổi, sống tại TP.HCM) cùng người yêu thường ăn ngoài vào mỗi chiều do lười bày biện và dọn rửa. Nhưng những năm gần đây, cô chuyển hẳn sang tự nấu ăn tại nhà vì công ty cắt giảm mức lương, việc kinh doanh online cũng không khởi sắc như trước.

Minh Tâm tự làm bánh, nấu các bữa ăn trong ngày tại nhà để chi tiêu không vượt mức. Ảnh: Minh Tâm.

"Lúc kinh tế còn ổn, chúng tôi ăn buffet hoặc nhà hàng Hàn, Nhật ít nhất một lần mỗi tuần. Riêng chi phí ăn hàng gần 5 triệu đồng/tháng. Từ khi tự đi chợ và vào bếp nấu nướng, tôi tiết kiệm được khoảng 2,5 triệu đồng. Dần dà, tôi bỏ thói quen la cà ngoài hàng, dùng khoản dư để chi tiêu vào việc khác", cô nói.

Nếu phải ra ngoài ăn khi có hẹn cùng nhóm bạn, Minh Tâm ưu tiên các quán ăn "nhẹ túi", giá rơi vào 50.000-100.000 đồng/món, thay vì nhà hàng sang trọng.

Cô cho biết: "Không nhất thiết phải đến quán đắt đỏ mới ngon. Nhiều quán bình dân vẫn hợp khẩu vị, bạn bè vẫn vui vẻ khi cùng nhau thích ứng với tình hình hiện tại".

Tần suất đi cà phê lẫn ăn ngoài của Hoài An đều thay đổi. Ảnh: Lê Hoài An.

Giống với Minh Tâm, Lê Hoài An (22 tuổi, sống tại Hà Nội) cũng thay đổi thói quen ăn uống từ đầu năm nay, khi tình hình việc làm trở nên khó khăn.

"Trước đây, ngày nào tôi cũng ra quán ăn, đi nhà hàng 5-6 lần/tháng. Tôi không nhớ đã chi cụ thể bao nhiêu tiền, nhưng tháng nào cũng rỗng túi. Hiện tại, chi phí ăn chơi đã cắt giảm khoảng 30%. Tôi phải tự lập, lo làm ăn nên muốn siết hầu bao hơn", cô tâm sự.

Ngoài giảm tần suất ăn ngoài, Hoài An cũng khắt khe hơn trong việc chọn quán. Ngày trước, cô thích những quán đông đúc, nổi tiếng trên mạng xã hội và trang trí đẹp để check-in. Hiện tại, những quán yên tĩnh, không gian rộng thoáng và giá cả phải chăng là lựa chọn hàng đầu.

"Bây giờ, tôi đi ăn quán đều đặt trước ít nhất một ngày, ưu tiên những quán quen, phục vụ tốt. Tôi nghĩ một phần do mình đã đi làm, không còn là sinh viên nên trân trọng đồng tiền hơn. Tôi không muốn mất tiền vào quán không ưng ý", cô chia sẻ.

Trúc Hồ - Thu Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-nguoi-tre-khong-de-di-ca-phe-khi-dong-tien-gap-kho-post1467960.html