Những người thầy 'bảo mẫu' thôi thúc chúng tôi lên đỉnh Háng Tày...

Với Nhà báo Bùi Thị Thùy Trang, câu chuyện về những người thầy làm 'bảo mẫu' tuy không mới, song luôn thôi thúc chị và đồng nghiệp kiếm tìm.

Nhà báo Thùy Trang.

Càng đi sâu, càng thêm cảm phục các thầy...

Tại Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2023, nhóm tác giả: Bùi Thị Thùy Trang, Phạm Ngọc Sơn, Nguyễn Tuấn Anh công tác tại Đài PT&TH tỉnh Yên Bái mang đến với phóng sự truyền hình: “Những thầy “bảo mẫu” trên đỉnh Háng Tày”. Tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh với Ban tổ chức, Ban giám khảo và khán giả.

Theo Nhà báo Bùi Thị Thùy Trang, câu chuyện của những người thầy công tác tại trường Mầm non cứ thôi thúc chị cùng đồng nghiệp mãi không thôi.

Nhà báo Thùy Trang.

“Đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn thì việc các thầy cô giáo phải cắm bản, dạy học trong điều kiện thiếu thốn không phải là điều lạ. Nhưng giáo viên mầm non là các thầy giáo, đặc biệt lại dạy ở điểm trường xa nhất của huyện Mù Cang Chải khiến ekip của chúng tôi rất tò mò. Câu chuyện cứ thôi thúc chúng tôi phải lên đường để tìm hiểu”, nhà báo Thùy Trang chia sẻ.

Dù sống ở miền núi đã lâu, công tác với nghề báo cũng vậy, chị Trang và các đồng nghiệp cũng không lạ lẫm gì với những khó khăn mang tính đặc thù ở mảnh đất này, nhất là với các thầy cô và học sinh vùng khó. Dẫu vậy, với chị thì mỗi lần đi là một trải nghiệm mới.

Nhà báo Thùy Trang trước giờ làm chương trình tại trường quay.

“Càng đi sâu tìm hiểu thì cảm thêm yêu mến, cảm phục các thầy giáo nơi đây. Mỗi người có một lý do đến với nghề nhưng tình yêu trẻ thơ đặc biệt là muốn gắn bó với quê hương, bản làng, muốn giúp các em nhỏ được đến trường học tập như bao trẻ em khác là lý do khiến các thầy gắn bó với công việc này”, nhà báo Thùy Trang bộc bạch.

Để xã hội quan tâm nhiều hơn đến giáo dục...

Theo nhà báo Thùy Trang, Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam là sân chơi bổ ích, đầy lý thú. Giải thi sẽ là cơ hội để các nhà báo thể hiện tài năng bản thân. Không những thế, qua những bài viết được các cơ quan báo chí phản ánh sẽ góp phần tác động để các cấp, ngành và xã hội quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục, nhất là giáo dục vùng cao như Yên Bái.

“Đây là giải báo chí rất có ý nghĩa và là sân chơi để các nhà báo thể hiện khả năng của mình bởi giáo dục là lĩnh vực quan trọng và là đề tài chiếm số lượng lớn trong các tác phẩm báo chí. Đối với một tỉnh miền núi như ở Yên Bái, giáo dục vùng cao là vấn đề được quan tâm hàng đầu”, nhà báo Thùy Trang chia sẻ.

Ekip làm phim của Đài PT-TH Yên Bái tác nghiệp tại cơ sở.

Nhà báo Thùy Trang nói thêm: “Thông qua giải báo chí này, tôi cũng như các đồng nghiệp khác đều mong muốn sẽ lột tả được những khó khăn vất vả của các thầy cô giáo vùng cao, về điều kiện học tập, giảng dạy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn ở vùng dân tộc thiểu số. Nhưng trên tất cả là lòng yêu nghề, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ nhà giáo. Và cũng từ đó tạo ra những tác động xã hội để các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm nhiều hơn tới giáo dục vùng khó”.

Nói về dự định ở giải lần tới, nhà báo Thùy Trang cho rằng sẽ tích cực tìm tòi các đề tài độc, lạ, lột tả chân thực đời sống cùng với những khó khăn của nghề giáo mà ít người biết đến.

“Trong thời gian tới, tham gia giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”, Đài PTTH Yên Bái sẽ tiếp tục tìm tòi, phát hiện những đề tài mới, chân thực về lĩnh vực giáo dục. Không chỉ là những khó khăn mà có thể là cách làm mới, sáng tạo để Yên Bái vượt qua những hạn chế của tỉnh miền núi đạt được những kết quả trong công tác giáo dục tại địa phương. Trong đó, có thể kể đến như việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” - Mô hình đang có sức lan tỏa tại tất cả các trường trên địa bàn tỉnh”, nhà báo Thùy Trang thổ lộ.

Minh Thịnh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-nguoi-thay-bao-mau-thoi-thuc-chung-toi-len-dinh-hang-tay-post661053.html