Những người nhiệt huyết và yêu nghề kho bạc

Từ Nha Ngân khố quốc gia đến kho bạc điện từ và đang tiến tới mô hình kho bạc số là cả hành trình phát triển lớn mạnh của hệ thống Kho bạc Nhà nước. Trong hành trình ấy, đã và đang có nhiều cán bộ công chức dù ở cương vị nào họ cũng mang trong lòng ngọn lửa yêu nghề và cháy hết mình với đam mê công việc, nỗ lực để xây dựng 'ngôi nhà chung' kho bạc. TBTCVN điểm lại một vài gương mặt tiêu biểu của hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Nha Ngân khố trong kháng chiến đến kho bạc hiện đại

Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 75/SL thành lập Nha Ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính. Nha Ngân khố có nhiệm vụ quản lý các nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), cấp phát kịp thời nhu cầu chi tiêu của cuộc kháng chiến, bảo đảm sức chiến đấu của bộ đội và duy trì sự hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương.

Ngày 4/1/1990, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) tái lập, trực thuộc Bộ Tài chính, với chức năng chính là giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về quỹ NSNN.

Kể từ đó đến nay, KBNN đã có những bước phát triển vượt bậc, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính..., đặc biệt, đã có nhiều tấm gương tiêu biểu, không ngại khó, ngại khổ, “lăn xả” vào công việc để hình thành một kho bạc hiện đại.

Công chức Phòng giao dịch kho bạc nhà nước thực hiện rà soát các số liệu chi ngân sách. Ảnh Hạnh Thảo

Những con người thầm lặng làm nên thành công

Nói về nghề kho quỹ, ai cũng nghĩ rằng đó là một công việc đơn giản, chỉ cần hàng ngày thu đúng và chi đủ là được. Nhưng không phải vậy, sự vất vả của nghề chính ở chỗ hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với một lượng tiền lớn, nhưng vẫn giữ vững bản lĩnh, không có tâm tham.

Với người có thâm niên như chị Đặng Tuyết Mai - cán bộ kho quỹ tại KBNN quận Thanh Xuân, Hà Nội, bí quyết của sự thành công chính là “đánh thắng” sự tham lam, ích kỷ của bản thân. Chính vì thế, trong suốt 25 năm gắn bó với nghề kho quỹ, chị Mai đã rất nhiều lần trả lại tiền thừa cho khách hàng.

Chị Mai nhớ về lần trả tiền thừa cho khách hàng với số tiền 100 triệu đồng cách đây 3 năm. "Năm 2020, trong một buổi giao dịch, có một khách hàng công tác tại một trường học đến nộp tiền vào ngân sách.

Đồng lòng vì “ngôi nhà chung” kho bạc

Từ một Nha Ngân khố đến một kho bạc điện tử ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực của các thế hệ cán bộ KBNN trong quá trình hiện đại hóa. Trong quá trình ấy, có những người nay đã không còn, có những người đang chuẩn bị nghỉ hưu, có những người đang hăng say yêu nghề.

Mỗi người mỗi nhiệm vụ, cương vị khác nhau nhưng tất cả đều đồng lòng vì “ngôi nhà chung” kho bạc để phấn đấu, để công hiến với mong mỏi và tham vọng hơn nữa về một kho bạc số không còn xa.

Khi tôi thực hiện kiểm đếm đã phát hiện thừa ra 1 cọc tiền có giá trị 100 triệu đồng. Lúc đấy, chỉ cần vài động tác đơn giản là số tiền đó sẽ thuộc về tôi, nhưng tôi đã không làm vậy mà quyết định trả lại khách hàng” - chị Mai chia sẻ. Phần thưởng lớn nhất chị Mai mang về cho mình chính là sự cảm kích, nể phục của khách hàng và đồng nghiệp.

Hiện tại, KBNN đã trở thành kho bạc điện tử, việc thu - chi NSNN đã được KBNN phối hợp với các hệ thống ngân hàng thương mại thực hiện, nên việc giao dịch bằng tiền mặt tại các đơn vị KBNN đã giảm. Nhưng với chị Mai, dù chỉ còn thu một đồng của khách hàng cũng phải làm đúng, tỉ mỉ kiểm đếm, có như thế mới không thu thừa của khách hàng và đặc biệt là không để cho những đồng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông và tiền giả lọt vào kho quỹ.

Anh Ngô Quốc Huy - Giám đốc KBNN Cầu Giấy, Hà Nội gia nhập “ngôi nhà chung” kho bạc từ ngày đầu tái thành lập ngành, trải qua nhiều vị trí công việc, anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có thành tích tốt.

Trên cương vị lãnh đạo, anh Huy đã phát huy sự đoàn kết, sức mạnh tập thể, đưa KBNN Cầu Giấy trở thành điểm sáng của hệ thống KBNN Hà Nội nói riêng và toàn hệ thống KBNN nói chung. Đặc biệt, anh Huy đã cùng tập thể cán bộ KBNN Cầu Giấy nghiên cứu, tìm tòi đưa ra nhiều sáng kiến hữu ích đóng góp chung vào sự lớn mạnh của cả hệ thống.

Một sáng kiến hữu ích được anh Huy và các đồng nghiệp dày công nghiên cứu đó là: “Bố trí, sắp xếp cán bộ thu ngân sách tạo điều kiện nâng cao hiệu quả công tác thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) tại KBNN Cầu Giấy".

Sáng kiến này được áp dụng tại KBNN Cầu Giấy từ năm 2018 đến nay đã tạo điều kiện cho khách hàng nộp thuế XNK được nhanh chóng, đặc biệt giúp giảm chi phí lưu kho, bến bãi cho doanh nghiệp.

Anh Lê Trọng Hiệp gia nhập đội ngũ cán bộ KBNN Thái Nguyên từ năm 2003 bắt đầu từ một chuyên viên Phòng Tin học rồi trở thành Trưởng phòng. Là người đam mê tin học, thích khám phá, trinh phục những công nghệ mới, anh đã luôn tìm tòi và đưa ra những sáng kiến, giải pháp thiết thực giúp KBNN Thái Nguyên triển khai thành công các chương trình, ứng dụng theo đúng tiến độ đề ra.

Chương trình đổ số liệu từ kế toán kho bạc (KTKB) sang Tabmis được anh Hiệp nghiên cứu thành công và đưa vào ứng dụng tại KBNN Thái Nguyên đã giảm áp lực công việc cho cán bộ nghiệp vụ và rút ngắn được thời gian trong công tác tổng hợp số liệu báo cáo của đơn vị.

Từ năm 2016 đến nay, với vai trò là Trưởng phòng Kiểm soát chi, anh Hiệp đã có nhiều sáng kiến áp dụng cho lĩnh vực chuyên môn khi KBNN Thái Nguyên triển khai chương trình kiểm soát chi một đầu mối.

Cho đến các năm sau này, mỗi khi KBNN có chương trình ứng dụng mới, để triển khai thuận lợi tại đơn vị, anh Hiệp đều cùng anh em đồng nghiệp phối hợp với Phòng Tin học để đưa ra những cách làm nhanh, thuận tiện, mang lại kết quả cao. Chính vì thế. KBNN Thái Nguyên luôn là 1 trong những đơn vị dẫn đầu của tỉnh Thái Nguyên về áp dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ và anh Hiệp đã trở thành tâm gương tiêu biểu, khơi dậy năng lượng tích cực và cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ cán bộ trẻ KBNN Thái Nguyên...

Anh Nguyễn Phúc Uyên, người đã có hơn 30 năm gắn bó với KBNN Hải Dương. Trở thành Phó Giám đốc KBNN Hải Dương từ năm 2005 đến nay, anh Uyên đảm nhiệm phụ trách hầu hết các mảng nghiệp vụ từ kho quỹ, tin học đến kiểm soát chi. Ở lĩnh vực nào, anh cũng để lại những thành công giúp KBNN Hải Dương luôn là đơn vị dẫn đầu trong toàn hệ thống.

Đóng góp lớn nhất phải kể đến là khi anh được phân công phụ trách kiểm soát chi NSNN vốn đầu tư xây dựng cơ bản và các chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là mảng nghiệp vụ rất lớn, đa dạng, nhạy cảm và có yêu cầu cao.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh Uyên đã tập trung nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, chế độ chính sách để tham mưu kịp thời với lãnh đạo KBNN Hải Dương cũng như lãnh đạo tỉnh những giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, anh Uyên còn tăng cường đi tới từng dự án, công trình để tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục…

Sự nhiệt huyết với công việc của anh Uyên đã tạo động lực cho các cán bộ tại đơn vị noi theo, vì vậy KBNN Hải Dương luôn được đánh giá là đơn vị làm tốt công tác thanh toán vốn đầu tư trong toàn hệ thống, với tỷ lệ giải ngân cao, kịp thời.

Kho bạc Nhà nước tiếp tục chinh phục mục tiêu mới

Bước tiến tiếp theo mà KBNN đang hướng tới chính là kho bạc số vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu này, KBNN tiếp tục cải cách hoạt động nghiệp vụ và tạo nền tảng để hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN.

Đồng thời tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức KBNN có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính chuyên nghiệp cao, có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo, đáp ứng tốt các yêu cầu của quá trình chuyển đổi số...

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhung-nguoi-nhiet-huyet-va-yeu-nghe-kho-bac-134888.html