Những người “nặng lòng” với biển, đảo quê hương (Phần 3)

Là một nhà nghiên cứu về Biển Đông lâu năm, dù đã ở tuổi hơn 80 nhưng ông "lão" Dương Danh Dy vẫn kiên trì bền bỉ theo dõi tình hình Biển Đông và động thái của Trung Quốc.

Hơn 80 tuổi vẫn đau đáu chủ quyền biển, đảo quê hương

Ngôi nhà cấp 4 gần đường Bưởi, nhà ông già Dy, luôn có khách đến chơi, nhất là khi Biển Đông có sự kiện nổi sóng. Những khách đến chơi ấy thường là cánh nhà báo viết về Biển Đông. Từ ông già đã về hưu đến hơn 20 năm nay, ẩn dật trong con hẻm nhỏ nay ông đã được nhiều người biết đến hơn. Người dân nhận ra hình ảnh ông lão móm mém nhưng khẩu khí mạnh mẽ, rắn rỏi. Nhất là khi trò chuyện về vấn đề Biển Đông, khuôn mặt ông hồng hào, đầy sức sống, giọng nói trở nên khúc triết rõ ràng hơn. Ông lão ấy là Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (TQ).

Nhà nghiên cứu Trung Quốc, Dương Danh Dy

Năm nay, đã vượt qua tuổi xưa nay hiểm, bước sang tuổi hiếm hơn nữa (hơn 80 tuổi) nhưng ông già Dy vẫn giữ một tác phong làm việc lớp trẻ cũng phải thua. Hàng ngày ngoài giờ đi tập thể dục, đi dạo nâng cao thể lực ông vẫn vào máy tính kỳ cạch đọc các bài bằng tiếng Trung Quốc để tìm hiểu xem Trung Quốc đang nói gì, làm gì?

Mỗi khi cánh phóng viên chúng tôi gọi đến hỏi về các sự kiện trên Biển Đông, ông đều nắm rất rõ và thể hiện quan điểm kịp thời. Ông kể: Sự kiện Trung Quốc in bản đồ hình lưỡi bò lên hộ chiếu, ngay tối hôm đó, một tờ báo đã gọi điện ngay cho ông và sáng hôm sau, trả lời của ông đã được hiển hiện trên tờ báo phát hành cả nước.

Mặc dù sống trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu Biển Đông. Ông vẫn thường phải bỏ tiền túi ra để in tài liệu. Ông rất vui khi kể về tình cảm của người dân đối với những người dám nói về Biển Đông. Ông kể: “Có lần tôi đi sửa máy in, cậu chủ cửa hàng in nhận ra tôi xuất hiện trên báo. Chúng tôi nói chuyện một lúc rồi cậu ấy bảo: ‘Cháu rất bức xúc trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, cảm ơn bác đã nói hộ chúng cháu. Và nói cho người dân hiểu về tình hình Biển Đông. Cháu không lấy tiền của bác’”. Mặc dù số tiền không phải là nhiều, chỉ dưới 100 ngàn nhưng ông rất vui. Niềm vui nhỏ nhoi ấy là một sự động viên đáng kể với những người nghiên cứu Biển Đông như ông.

Công việc nghiên cứu Trung Quốc, nghiên cứu Biển Đông ông làm đã lâu, chẳng ai yêu cầu ông làm, chẳng ai nhờ ông làm và cũng chẳng được hưởng thù lao gì từ công việc này. Ông chỉ tâm niệm còn hơi sức nào, làm được gì cho tổ quốc thì mình làm. Mong muốn lớn nhất của ông là Nhà nước sớm tập hợp những nhà nghiên cứu kỳ cựu, đưa họ vào cơ quan nghiên cứu tầm quốc gia để họ có được những cống hiến nhiều hơn cho tổ quốc.

Văn Cường

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Thoi-su/Nhung-nguoi-nang-long-voi-bien-dao-que-huong-Phan-3/58781.info