Những người 'mẹ' hiền trên lớp học

Ngày 19-11, tại TP.HCM, 33 nhà giáo tiêu biểu đã được trao Giải thưởng Võ Trường Toản do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức. Trong đó, có nhiều thầy cô giáo giảng dạy ở bậc học mầm non, tiểu học và trường chuyên biệt được học trò coi như những người “mẹ” hiền.

Lãnh đạo TP.HCM trao giải thưởng Võ Trường Toản cho đại diện các thầy cô giáo tiêu biểu. Ảnh: T.D

Từ Đà Nẵng vào TP.HCM lập nghiệp và đến với nghề giáo bằng một sự tình cờ, nhưng suốt 15 năm qua bằng tình yêu thương, sự kiên trì tình cô Phạm Thị Nhật Phương (Trường Chuyên biệt Bình Minh, quận Tân Phú) đã gắn bó, chia sẻ khó khăn với nhiều thế hệ học sinh chuyên biệt, giúp các em hòa nhập cộng đồng.

Cô Phượng tâm sự: “Học trò ở trường hầu hết là các em khuyết tật, khả năng nhận thức không đồng đều và đặc tính “lâu nhớ, mau quên” nên đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ giáo viên. Do đó, ngoài chương trình phát triển chung, chúng tôi còn có chương trình riêng về giáo dục cá nhân, rèn kỹ năng sống nhằm giúp các con về ý thức tự phục vụ bản thân, tự chăm sóc hoặc có thể làm được việc nhẹ nhàng ở nhà”.

Với những học sinh chuyên biệt, các em còn có tâm ký bất thường nên người thầy phải có tình cảm quý các con như là con ruột của mình, sự kiên trì, nhẫn lại thì mới có đủ tâm huyết để truyền tải kiến thức, dạy dỗ các em hòa nhập cộng đồng. Cô Phượng nhớ lại: “Đến giờ tôi nhớ như in về một cậu học trò có hành vi bất thường là hay túm tóc cô mỗi lần cô đứng trên bục giảng. Lúc đầu tôi rất khó xử và hoang mang vì không hiểu sao học trò lại có hành vi đó với mình mà không phải là thầy giáo hay người khác. Sau đó, tôi đã tìm đến gia đình để tìm hiểu nguồn cơn thì được biết, mẹ bị mẹ ruột bỏ rơi khi em còn nhỏ trong một lần nhờ mẹ nuôi của em bây giờ bế dùm nhưng rồi không bao giờ quay trở lại. Có lẽ hành vi túm tóc cô giáo xuất phát từ việc muốn níu giữ hình ảnh một người mẹ”. Biết được nguyên nhân, bên cạnh việc khuyên gia đình đưa em đi điều trị tâm lý, cô Phương bằng tình yêu của mình đã giúp em vượt qua rào cản tâm lý ấy, bỏ hẳn hành vi xấu và trở thành một học trò rất ngoan.

Danh sách giáo viên đạt giải Võ Trường Toản năm nay còn thầy Vương Mộng Long, giáo viên Trường Tiểu học Cần Thạnh (huyện Cần Giờ). Thầy Vương Mộng Long có 13 năm công tác tại xã đảo Thạnh An, một trong những xã đảo kinh tế còn khó khăn, giáo viên một buổi đi dạy, buổi còn lại tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn. Nhiều lần học sinh bỏ học, thầy lặn lội đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, động viên các em quay lại lớp.

Có thể nói, lòng yêu nghề đã trở thành sức mạnh, giúp các thầy cô không quản khó nhọc. Họ vừa là người thầy, người bạn, có lúc trong vai trò người cha, người mẹ nuôi dưỡng từng thế hệ học sinh khôn lớn. Đó là câu chuyện mới vào nghề của cô giáo Nguyễn Thị Nhất Liên, Trường Mầm non 19-5 Thành phố (quận 1) lại được học trò gọi bằng. Cô tâm sự: Từng có một cậu học trò bố qua đời vì tai nạn giao thông. Hiểu được khoảng trống tình cảm của em, trưa nào ngủ cô cũng ôm em vào lòng, nhẹ nhàng an ủi, dỗ dành. Gần hết năm học, em xin được gọi cô bằng “bố”. Ở nhà có chuyện vui buồn gì, cậu bé cũng vào “kể cho “bố Liên” nghe. Mãi đến gần đây, cậu bé năm xưa nay đã trưởng thành, cưới vợ vẫn không quên mời “bố Liên” đến tham dự tiệc cưới.

Hay như câu chuyện của cô giáo trẻ Lê Thị Ngọc Phượng, lớp Lá 1, Trường Mầm non Sơn Ca (quận 2), 14 năm gắn bó với nghề cũng là từng ấy năm mỗi ngày phải vượt quãng đường đi về gần 40km để theo đuổi công việc mình yêu thích. Nhà ở quận 8, mỗi ngày cô phải thức dậy để đến trường khi mọi người trong nhà còn đang say ngủ và khi trở về nhà thường đã quá bữa cơm chiều. Nhưng bằng sự tận tâm, cô giáo trẻ luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, từng đạt rất nhiều danh hiệu như Giáo viên dạy giỏi cấp quận liên tục 6 năm liền (2008 - 2015), giấy khen Gương điển hình “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” năm 2014, giấy khen Gương sáng đảng viên năm 2013 - 2014 và giấy khen thành tích tiêu biểu phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” giai đoạn 2010 - 2015 do Liên đoàn Lao động quận 2 trao tặng. Chia sẻ với chúng tôi, cô cho biết chính nhờ tình cảm ấm áp của phụ huynh và học sinh đã tiếp thêm cho cô động lực cống hiến với nghề…

Gian khổ, khó khăn là vậy, nhưng tình yêu thương học trò, tình yêu nghề đã giúp các thầy cô giáo thêm động lực để tiếp tục vai trò “người đưa đò” con thuyền tri thức, những người “mẹ” hiền đối với bao thế hệ học trò.

Trải qua 19 năm, Giải thưởng Võ Trường Toản đã được trao cho hơn 570 nhà giáo tiêu biểu. Đây là những thầy cô giáo hội đủ các tiêu chuẩn như am hiểu nghề nghiệp, nắm bắt tốt các chủ trương, phương hướng của ngành, có uy tín trong tập thể sư phạm nhà trường, được đồng nghiệp tín nhiệm, tin yêu, phụ huynh và học sinh kính trọng…

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhung-nguoi-me-hien-tren-lop-hoc.aspx