Những người mẹ đơn độc trong cuộc chiến ung thư

Những người mẹ trong bài viết này từng gọi điện đến quỹ Tấm lòng vàng của báo Lao động xin hỗ trợ khi tiền điều trị ung thư cho con đã cạn veo, sổ đỏ, giấy tờ nhà đã cắm và…chồng đã ra đi. Họ - thân cò đơn độc giữa mớ hóa đơn tiền triệu, bất lực với nỗi đau của con.

Chị Lan bên giường bệnh của con gái. Ảnh: V.Q

Nỗi đau của mẹ

Chị Nguyễn Thị Thu Trang (hiện đang sống ở ấp giữa, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM) từng gọi đến quỹ Tấm lòng vàng, Báo Lao Động vào đầu năm nay khi mà số tiền hóa trị lần 3 cho con trai chị - bé Nguyễn Tấn Tài (12 tuổi) đã hết veo. Khi chúng tôi gặp chị ở Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, mặt chị đầm đìa mồ hôi sau khi đội nắng đi mua hộp cơm tít trong hẻm về. Vì cơm trong hẻm rẻ hơn trước cổng bệnh viện vài ngàn đồng. Một hộp cơm, hai mẹ con ăn chung. Sáng hôm đó, hai mẹ con chị cũng bắt xe bus từ Củ Chi lên Bệnh viện Ung bướu cho tiết kiệm tiền.
Con trai chị phát hiện bệnh ung thư Lympho vào tháng 11.2015 khi gia đình tình cờ thấy một khối hạch trên cổ em. Bác sĩ cho biết, Tài sẽ phải vào thuốc nhiều lần để điều trị khối u. Mặc dù có bảo hiểm y tế, nhưng mỗi lần hóa trị, số tiền thuốc ngoài danh mục bảo hiểm lên đến 14-15 triệu đồng.
Có đêm, chị Trang gọi điện, nói thằng cu Tài đang bị khó thở. Chị một mình cấp tốc bắt xe ôm đưa con đi cấp cứu. Vô tình hỏi: “Chồng chị đâu? Sao không cùng chị đưa con đi”. Chị khóc thút thít: “Ba sắp nhỏ bỏ đi sau khi biết thằng bé bị ung thư. Lâu lắm rồi ổng có hỏi thăm thằng bé đâu”. Mãi đến lúc đó, chúng tôi mới biết, một năm qua, chị một mình chạy ngược chạy xuôi. Người phụ nữ ấy, từng sống bằng nghề lột hành thuê với giá 1.000 đồng/kg hành tươi: “Ngày nào làm giỏi và có hàng thì lột được 30kg, được 30.000 đồng đủ mua thức ăn. Có bữa không có hàng thì coi như thất nghiệp”. Đồng thu nhập bấp bênh đó, chị phải lo cho hai đứa con.
Sau này, khi con phát hiện ung thư, chồng bỏ đi, chị bỏ nghề lột hành, xin đi bán trái cây cùng một người bà con xa để có đồng ra đồng vào cho con chữa bệnh. Một người trong chợ thấy hoàn cảnh chị đáng thương nên cho chị mượn cái thềm nhà để buôn bán. Chị chăm chỉ dậy sớm, đi lấy giỏ xoài, chuối ở chợ đầu mối về bán, kiên trì ngồi từ sáng đến chiều muộn. Được vài tháng, chị lại bỏ, đi làm công nhân. Chị bảo: “Bán mỗi ngày cũng được 100-150 ngàn đồng. Nhưng mà chợ xa nhà quá, sáng phải đi lấy hàng từ 3 giờ, đến khuya lắc mới về đến nhà, không ai nấu cơm cho hai đứa nhỏ. Thương quá!”.
Chị làm công nhân, lương tháng được hơn 4 triệu đồng. Số tiền đó không đủ một lần cho con đi bệnh viện, chị phải vay nặng lãi 15 triệu đồng với số tiền lời 2,5 triệu đồng/tháng. “Có lúc nghe bác sĩ nói phải vào thuốc nhiều lần nữa, em thấp thỏm, định bế thằng bé về kiếm thuốc nam cho uống nhưng thương con quá, không nỡ”. Sau gần 1 năm phát hiện căn bệnh quái ác, bé Tài ngày càng suy kiệt vì mất máu và ảnh hưởng xương, các khối u vẫn di căn khắp cơ thể của cháu. Lần gần đây nhất, chị lại khóc nghẹn trong điện thoại: “Em phải làm sao bây giờ? Bác sĩ bảo lần hóa trị này, nếu tăng liều thì có khi thằng bé không chịu nổi, có thể chết trên giường bệnh. Nhưng nếu không hóa trị, con em cũng không còn sống được bao nhiêu ngày nữa”.
Mặc dù ở hoàn cảnh chỉ còn biết hi vọng vào phép màu, người phụ nữ 35kg này vẫn mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư của con trai. Chị vẫn đưa con đi bệnh viện, tìm cách bồi dưỡng cho thằng bé: “Có những lúc, thấy con đau bệnh, em gọi điện cho người nọ người kia chỉ để khóc. Bởi em thấy mình đơn độc quá, khóc để ngày mai lại tiếp tục mạnh mẽ cùng con”.

Chị Thu Trang đưa con đi tái khám ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ảnh: V.Q

“Con yên tâm, mẹ còn tiền”

Bế cô con gái 19 tuổi đi từ phòng thủ thuật về phòng bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, suốt đoạn đường hơn 20 mét, chị Hà Thị Bích Lan quay mặt đi, cố gắng không để con nhìn thấy gương mặt đầm đìa nước mắt của mình. Suốt 2 năm qua, một mình chị đã mạnh mẽ đồng hành cùng con để chống lại căn bệnh quái ác – ung thư máu. Chồng chị mất vào năm 2005 sau hơn 7 năm sống với bệnh tâm thần. Chỉ cần nhìn sấp hóa đơn viện phí mà cái nào cũng tiền triệu và sấp vé xe đò Đắk Lắk - TPHCM hàng trăm cái của chị Lan là hiểu suốt 2 năm qua, chị phải khổ sở với tiền ra sao.
Nguyễn Thị Ly – con gái chị, cô nữ sinh xinh xắn và hiếu thảo từng có ước mơ trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Nhưng ước mơ ấy giờ trở nên xa xôi vì căn bệnh quái ác. Em biết mình mắc bệnh chỉ sau 2 ngày khai giảng lớp học 12. Em bỗng bị nổi chấm xuất huyết dưới da. Ly chỉ nghĩ mình bị muỗi đốt. Nhưng sau đó, em đau đầu dữ dội, những vết xuất huyết ngày một dày, bị sốt cao, co giật và liệt nửa người. Lúc này, em mới được đưa đi trạm xá để truyền nước. Truyền nước vài ngày không bớt, em được chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, kết quả xét nghiệm tủy đồ cho thấy Ly bị ung thư máu.
Chị Lan không thể nào quên được cảm giác choáng váng khi nghe bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm của con gái: “Nghe đến ung thư máu, tôi như rụng rời tay chân, không thể nào đứng vững nổi nữa và vẫn luôn hi vọng có sự nhầm lẫn nào đó”. Nhưng dù đau lòng, hai mẹ con cũng phải chấp nhận sự thật đó. Trong khi bạn bè vùi đầu vào ôn luyện Đại học thì Ly phải gác lại ước mơ của mình để bước vào cuộc điều trị, kéo dài sự sống. Em sinh ra trong một gia đình có 5 anh em ở huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, Ly là thứ 2. Từ ngày cha Ly mắc bệnh tâm thần, một mình chị Hà Thị Bích Lan phải chật vật với 3 sào rẫy càphê. Thấy mẹ vất vả, anh trai của Ly nghỉ học, ở nhà phụ mẹ làm vườn. Sau khi Ly phát bệnh, hai đứa em trai kế của Ly cũng phải nghỉ học sớm. Một đứa em 16 tuổi lặn lội xuống Sài Gòn, xin vào bưng bê ở quán nhậu. Mỗi tháng được trả 2,5 triệu đồng, em đưa cho mẹ hết để lo cho chị. Đứa em sau cũng nghỉ học ở nhà phụ anh làm vườn. Nhà chỉ còn thằng em út được đi học.
“Tôi đã biết mình nghèo từ lâu lắm rồi. Nhưng hai năm qua, cái nghèo mới bắt đầu thấm thía thực sự” – chị Lan rớt nước mắt tâm sự. Lúc Ly mới có kết quả xét nghiệm tủy đồ, bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị tốt nhất cho em là ghép tủy. Thế nhưng, phương pháp này có chi phí quá cao (hơn 1 tỷ đồng). Nghe đến số tiền “khổng lồ” đó, chị Hà Thị Bích Lan – mẹ Ly chỉ biết khóc nấc. Chị đành chọn phương pháp hóa trị để kéo dài sự sống cho con. Được bảo hiểm y tế thanh toán một phần, nhưng chi phí mỗi lần hóa trị cho Ly lên đến hơn chục triệu. Lần hóa trị đầu, các thầy cô trong trường cấp 3 của Ly phải đứng ra quyên góp giúp học trò. 2 năm, tiền điều trị ung thư cho con quá cao, chị Lan phải thế chấp sổ đỏ. Số tiền đó đến giờ cũng hết nhẵn. Chị vẫn động viên con gái yên tâm: “Mẹ còn tiền”. Chẳng ai biết, có những đêm hôm khuya khoắt, chị lặng lẽ đi gõ cửa từng nhà, vay mỗi người năm chục một trăm, góp lại để được vài triệu cho con xuống Sài Gòn chữa bệnh.
Từng là cô bé mạnh mẽ, đạt huy chương điền kinh cấp tỉnh, nhưng hiện giờ việc đi lại, sinh hoạt Ly hầu hết trông cậy vào mẹ. Mẹ là nguồn động lực giúp Ly vượt qua nỗi ám ảnh bệnh tật và những lần vô hóa chất đau nhức tận xương tủy: “Chẳng ai vĩ đại bằng mẹ. Em vô hóa chất, xương yếu, đi còn không được. Mẹ bế em đi hết phòng này đến phòng kia, chưa bao giờ rời em nửa bước. Mẹ không nói, nhưng em hiểu mẹ vất vả và chịu tủi nhục như thế nào để chữa bệnh cho em” – Ly run run nói về mẹ.

Vũ Quỳnh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/nhung-nguoi-me-don-doc-trong-cuoc-chien-ung-thu-614016.bld