Những 'người mẹ' đặc biệt tại Làng Hữu Nghị Việt Nam

Có một nghề đặc biệt, làm việc 365 ngày trong 1 năm. Lương thưởng không đo bằng vật chất mà đo bằng sự khôn lớn và trưởng thành của những người con. Đó là công việc của những người mẹ tại Làng Hữu Nghị Việt Nam.

Nằm ở xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), Làng Hữu Nghị Việt Nam được những tình nguyện viên dành cho cái tên yêu mến là Làng Canh. Nơi đây giống một ngôi nhà bởi ở đó có bóng dáng những người phụ nữ tình nguyện trở thành mẹ, bù đắp tình cảm, chăm sóc và nuôi dưỡng hàng trăm em nhỏ nhiễm chất độc da cam.

Chị Thành dành nhiều thời gian để tận tâm làm mẹ của những người con dù không máu mủ ruột rà.

10 năm qua, chị Bùi Thị Thành đã đồng hành cùng các em tại Làng Hữu nghị Việt Nam vững bước trên con đường gập ghềnh khó khăn. Nhờ đó, các em đã nỗ lực vượt lên số phận, từng bước xoa dịu nỗi đau do di chứng của chất độc da cam/dioxin để lại.

“Ngày mới về tôi bối rối vì mỗi đứa một tính nết và đứa nào cũng có khiếm khuyết về thể trạng, nhận thức nên mọi việc từ hướng dẫn, giúp các con vệ sinh cá nhân, lo cơm nước, đưa đi học, đến dọn dẹp nhà cửa mình phải làm tỉ mỉ và cẩn thận hơn”, chị Thành chia sẻ.

365 ngày, chị Thành chỉ được nghỉ đúng 12 ngày phép và chia đều vào 1 ngày/tháng. Do đó, toàn bộ thời gian của chị Thành đều ở làng và dành trọn vẹn cho các em bất kể ngày hay đêm. Hàng ngày chị vẫn kiên nhẫn với lòng tin công sức mình bỏ ra rồi sẽ mang lại cho các em thành quả.

Mỗi một việc từ chăm sóc đến nuôi dạy đều được chị Thành tận tâm làm.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai? Các con cứ mạnh khỏe là các mẹ vui rồi. Và hơn cả, tôi luôn nghĩ mình có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay thì cũng phải cảm ơn bố mẹ, ông bà của các bạn. Làng Hữu Nghị Việt Nam và các em cũng là tấm gương để chúng ta nhìn thấy sự yêu chuộng hòa bình. Đây là công việc để mình tri ân và biết ơn các thế hệ đi trước đã hy sinh thân mình ngoài chiến trường để mình có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay” – chị Thành tâm sự.

Không chỉ được giáo dục cả về thể chất, tinh thần, các em ở Làng Hữu nghị Việt Nam còn được từng bước phát triển học tập kỹ năng sống và cả công việc hướng nghiệp, để có thể hòa nhập với cộng đồng.

Các em tại Làng trẻ Hữu nghị Việt Nam còn các “mẹ” đào tạo nghề và dạy kỹ năng sống để hòa nhập cộng đồng.

Cũng giống như chị Thành, ngày mới vào Làng Hữu nghị Việt Nam, nhìn những đứa trẻ sống trong đau đớn, vật vã, liên tục xé quần, xé áo, đập đầu vào tường, chị Nguyễn Thị Hồng Hải - Giáo viên lớp học cắt may đã khóc rất nhiều.

“Tôi khóc vì thương, vì đau đớn trước nỗi bất hạnh quá lớn của các con, khóc vì sợ mình sẽ chẳng kham nổi công việc này. Nhưng rồi, khi nhìn ánh mắt ngơ ngác của các con, chị lại tự nhủ mình phải cố gắng. Có lẽ, nụ cười hồn nhiên của các con chính là động lực để tôi cố gắng”, chị Hải trải lòng.

Cũng theo chị Hải, ở Làng Hữu nghị Việt Nam có 5 lớp học nghề. Tùy thuộc vào tình trạng khuyết tật trí tuệ hay khuyết tật vận động, các em được bố trí vào các lớp học nghề khác nhau. Việc đào tạo nghề không chỉ giúp các em nạn nhân chất độc da cam hòa nhập với cộng đồng mà còn thực hiện khát vọng tự lo cho mình, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Để có “sợi dây” gắn kết, chị Thành, chị Hải và những người mẹ ở đây đã xóa bỏ nhiều rào cản về khoảng cách, coi trẻ như con đẻ, luôn gần gũi, quan tâm để nắm bắt tâm lý và hiểu được tính nết của từng em. Có lẽ vì vậy, mà các em đây cảm nhận được tình thương, tấm lòng nhân ái của những người mẹ “đặc biệt” này.

Các em không ngừng cố gắng rèn luyện, học tập và làm việc với mong muốn hòa nhập với cộng đồng, đóng góp và sống có ích cho cuộc đời.

Trong số hơn 50 cán bộ, nhân viên của Làng Hữu nghị Việt Nam có hơn 2/3 là phụ nữ. Dù đảm nhiệm những vị trí công việc khác nhau, nhưng điểm chung của họ là có tấm lòng nhân ái, luôn hết lòng chăm lo cho những đứa trẻ khuyết tật nhiễm chất độc da cam/dioxin, dù không phải do mình sinh ra.

Sự hy sinh thầm lặng của họ rất đáng được trân trọng, tôn vinh. Họ là những ngọn lửa thắp sáng ngọn lửa xoa dịu nỗi đau da cam, điểm tô cho cuộc đời vốn chịu nhiều bất hạnh của các em những gam màu tươi sáng, những thanh âm của hạnh phúc để các em và gia đình có thêm nghị lực bước vào tương lai.

Làng Hữu nghị Việt Nam trực thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam, có nhiệm vụ chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong là nạn nhân chất độc da cam/dioxin; nuôi dưỡng, giáo dục, điều trị bệnh tật, phục hồi chức năng cho trẻ em bị di chứng chất độc da cam/dioxin từ bố, mẹ, ông, bà.

Phúc Ân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-nguoi-me-dac-biet-tai-lang-huu-nghi-viet-nam-post286991.html