Những người mẹ đặc biệt

Các nữ tu ở Mái ấm Nhân ái xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh) đã dùng tình mẫu tử để nuôi dưỡng, chở che cho hàng chục trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Họ chính là những người mẹ đặc biệt.

Ngôi nhà của trẻ bị bỏ rơi

Đi qua cánh đồng lúa đang làm đòng xanh mướt, chúng tôi đến với Mái ấm Nhân ái, nơi các sơ thuộc Hội Dòng mến Thánh giá Nha Trang đang nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi. Do giữa buổi sáng nên phần lớn các em trong mái ấm đang đi học, chỉ một số em nhỏ ở độ tuổi mầm non chơi đùa trong sân với các sơ. Thấy người lạ, một bé gái 9 tháng tuổi nép vào người sơ Nguyễn Thị Quỳnh Giang, thỉnh thoảng đưa ánh nhìn tò mò về phía chúng tôi. Đó là em Phạm Hồng Ánh Dương, tên gọi ở nhà là bé Mèo, nhỏ tuổi nhất ở mái ấm. Nhớ lại hoàn cảnh của bé Mèo, sơ Quỳnh Giang chia sẻ, vào một chiều cuối tháng 6 năm ngoái, nhận được tin có trẻ bị bỏ rơi tại cửa một bệnh viện, các sơ đã gác lại chén cơm đang ăn dở để tức tốc lên đường. Tới nơi, nhìn đứa bé mới mấy ngày tuổi còn đỏ hỏn, được quấn trong một chiếc khăn, đầu to bất thường khiến những người chứng kiến đều ngậm ngùi. Ngay sau đó, các sơ nhanh chóng làm thủ tục pháp lý, đón em về mái ấm nuôi dưỡng. Những ngày đầu, em hay quấy khóc nên các sơ thay nhau đêm hôm chăm sóc, phân công sơ phụ trách y tế theo dõi từng giai đoạn phát triển của bé. May mắn, bé hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển bình thường như những đứa trẻ khác nên các sơ cũng phần nào thở phào nhẹ nhõm.

Bé Mèo (bên trái) hạnh phúc trong vòng tay của các sơ và bảo mẫu.

Chưa kịp dứt câu chuyện về bé Mèo, một bé gái khác chừng 4 tuổi chạy lại, kéo tay sơ Giang về phía mình như một đứa trẻ giành mẹ. Đưa tay vuốt nhẹ khuôn mặt của bé, nơi có vết sẹo chạy dài từ gò má phải đến môi, giọng sơ Giang nghẹn lại: “Con bé bị bố hành hung gây thương tích nặng nên mới có vết sẹo này. Mẹ cháu vì không chịu được cảnh bạo hành của chồng nên bỏ lại 2 anh em đi đâu không ai biết. Thương các con, mái ấm đã đón 2 anh em Cao Văn Khanh và Cao Khánh An về nuôi dưỡng hơn 1 năm nay…”. Hay như hoàn cảnh của bé Nguyễn Thị Quỳnh Ngân (5 tuổi), vào một buổi tối mấy năm trước, khi các sơ đang dọn dẹp bỗng nghe tiếng trẻ khóc ngoài cổng mái ấm. Các sơ chạy ra xem thì phát hiện một trẻ sơ sinh, kèm tờ giấy với dòng chữ xiêu vẹo: “Do hoàn cảnh không có khả năng nuôi dưỡng, mong mái ấm nhận nuôi giùm”. Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng từ khi về mái ấm, các em đều nhận được tình yêu thương trong ngôi nhà chung.

Hai anh em Cao Văn Khanh và Cao Khánh An tại mái ấm.

Bà NGUYỄN THỊ THU HÀ - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh: Tuy hoàn cảnh kém may mắn nhưng khi các em về với Mái ấm Nhân ái được các sơ yêu thương chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy bảo rất tận tình và chu đáo; điều kiện sống ngày càng tốt hơn. Bằng tình thương và sự chăm sóc của các sơ ở mái ấm, các em đã trưởng thành, có việc làm ổn định và trở thành công dân có ích cho xã hội. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho các cháu, phối hợp với mái ấm tổ chức những hoạt động vui chơi nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu… Đặc biệt, địa phương kịp thời hỗ trợ mái ấm làm các thủ tục nhận trợ cấp xã hội cho các cháu đủ điều kiện; các thủ tục pháp lý khi có trẻ vào mái ấm và cho nhận con nuôi…

Nâng bước vào đời

Lớp học đặc biệt dành cho các em ở mái ấm từ lớp 1 đến lớp 5 do sơ Trần Thị Quỳnh Trâm phụ trách bắt đầu từ 19 giờ hàng ngày. Tuy là lớp học thêm ở nhà nhưng tinh thần học tập của các em rất nghiêm túc và nền nếp. Lớp có 21 em ở nhiều độ tuổi khác nhau và được sắp xếp ngồi theo độ tuổi. Trước khi học bài chính thức, sơ Trâm dành 30 phút để nắm tình hình học tập ở trường, có em nào thiếu dụng cụ học tập cần bổ sung hay không... Một mình sơ Trâm quay cuồng với đủ các môn học, vừa chỉ cho các em lớp 5 làm toán sơ vừa quay sang bàn bên cạnh nắm tay tập viết chữ cho em lớp 1, rồi hướng dẫn làm bài tập tiếng Anh cho em lớp 4… Cứ như vậy, sơ hết chạy lên đầu lớp lại xuống cuối lớp và không ngừng động viên “các con tập trung, hoàn thành bài tập nhanh nhé”.

Sơ Trần Thị Quỳnh Trâm dạy học cho các em ở mái ấm.

Do phần lớn các em đều bị tác động tâm lý từ nhỏ nên ảnh hưởng đến khả năng học tập. Để giúp các em theo kịp bài học trên lớp, sơ Trâm phải mua thêm sách của các lớp về nghiên cứu, tìm hiểu, trao đổi với các thầy, cô giáo ở trường để nắm về khả năng học tập của từng em và có cách dạy phù hợp với kiến thức ở trường… Ngoài dạy kiến thức, sơ Trâm còn dạy các em về kỹ năng giao tiếp với bạn bè, đặc biệt luôn giáo dục về tình yêu thương, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Mỗi khi bắt đầu năm học mới, các sơ rất áp lực vì số lượng quần áo, sách vở, giày dép cần thiết để các em đến trường rất lớn. Những lúc đó, các sơ phải nhờ đến những tấm lòng thơm thảo của các nhà hảo tâm hỗ trợ. Từ mái ấm đã có 30 em trưởng thành, học các trường cao đẳng, đại học, trong đó nhiều em đã có công việc ổn định. Như trường hợp của em Ngô Nữ Kim Thanh, sống ở mái ấm 13 năm, được các sơ nuôi dưỡng, cho đi học Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang. Hiện nay, Thanh làm giáo viên mầm non và đã lập gia đình, có cuộc sống ổn định ở TP. Nha Trang. “Nếu không có các sơ ở mái ấm, em không có được cuộc sống như hiện nay. Đối với em, các sơ là mẹ, mái ấm là nhà đã mang lại cho em tình yêu thương như người thân ruột thịt”, Thanh chia sẻ.

Không chỉ tiếp nhận và chăm sóc, nuôi dạy trẻ từ khi sơ sinh đến lúc trưởng thành, các nữ tu ở đây còn kiêm luôn đại diện gia đình nhà gái, hay nhà trai để dựng vợ, gả chồng cho các em. “Con nhỏ mình lo một, con lớn mình phải lo mười. Không chỉ lo cho các con có cái ăn, cái mặc mà còn chuyện học hành, cách ứng xử trong cuộc sống để các con tự tin bước vào đời, có tương lai tốt đẹp hơn” - sơ Phạm Thị Định, người phụ trách mái ấm tâm sự.

Các sơ và trẻ em mái ấm chung vui cùng em Ngô Nữ Kim Thanh trong ngày cưới. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Điều kiện sống ngày càng tốt hơn

Mái ấm Nhân ái có cơ sở vật chất rất khang trang, rộng rãi. Trên khuôn viên rộng hàng nghìn mét vuông, các dãy nhà chính nối thành hình chữ U, được chia thành nhiều khu vực chức năng, như: Nhà bếp, nhà ăn; phòng ngủ nam, nữ; phòng trẻ sơ sinh; phòng học, y tế, giải trí… Nhớ lại những ngày đầu khi về mái ấm vào năm 2006, sơ Định cho biết, con đường sỏi đất thấp trũng trước mái ấm thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa nên rất khó di chuyển. Các sơ phải đưa xe qua chở từng tốp học sinh mỗi lần tan trường. Năm 2019, từ sự hỗ trợ của thủy thủ đoàn Tàu Hải quân Hoàng gia Regina (Hải quân Canada), con đường dài 45m, rộng 3,5m và cây cầu được hoàn thành với kinh phí 616 triệu đồng. Nhờ có con đường và cây cầu này, các em đi lại, đến trường thuận tiện hơn.

Khu vực nhà ăn của Mái ấm Nhân ái.

Khu vui chơi của các em tại Mái ấm Nhân ái.

Rời mái ấm khi mặt trời đã tắt, chúng tôi có nhiều cảm xúc đan xen, phần thương cảm cho các em bị bỏ rơi khi còn quá nhỏ, phần lại thấy ấm lòng vì vẫn có một nơi yêu thương để cho các em có điều kiện sống tốt hơn. Ở nơi đó, có những người mẹ đã thầm lặng nâng bước cho các trẻ em kém may mắn có thêm sự tự tin khi bước vào đời.

Từ một lớp tình thương có từ năm 1995, Mái ấm Nhân Ái được Nhà nước chính thức công nhận là cơ sở bảo trợ xã hội vào năm 2008. Hiện nay, mái ấm có 9 sơ chăm sóc hơn 70 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 4 cụ già không nơi nương tựa. Nguồn kinh phí do hoạt động tự cung tự cấp của mái ấm (trồng rau, nuôi heo, bán đồ lưu niệm…); tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ; sự hỗ trợ từ Hội Dòng mến Thánh giá Nha Trang.

VÂN DUNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202403/nhung-nguoi-me-dac-biet-a463813/