Những người lưu giữ giá trị lịch sử

Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc luôn được các cấp chính quyền, ngành, địa phương quan tâm thực hiện; trong đó có sự góp sức không nhỏ của những nghệ nhân...

“Bảo tàng” của cựu chiến binh Bùi Đình Thu trở thành “địa chỉ đỏ” để người dân, học sinh tham quan, tìm hiểu, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc.

(baophutho.vn) - Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc luôn được các cấp chính quyền, ngành, địa phương quan tâm thực hiện; trong đó có sự góp sức không nhỏ của những nghệ nhân, người dân trong việc sưu tầm, thực hành, truyền dạy cho lớp lớp con cháu những bài hát, điệu múa, truyện kể.... từ thủa hồng hoang xây bờ, mở cõi đến lịch sử đấu tranh hào hùng giành lại độc lập, tự do của cha ông.

Được suy tôn là “báu vật nhân văn” sống trong việc gìn giữ và truyền dạy Hát Xoan, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch đã có nhiều đóng góp, nỗ lực trong việc bảo tồn, gìn giữ, thực hành Hát Xoan; góp phần đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận vào năm 2017.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Hát Xoan, ông nội và bố đều là những trùm Xoan nổi tiếng trong vùng, từ nhỏ, Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch đã có cơ hội theo gánh hát của ông nội biểu diễn để rồi đến năm 13 tuổi đã thuộc hết 14 quả cách (làn điệu) và trở thành "đào nương" trẻ tuổi của làng An Thái (thành phố Việt Trì). Tiếp nối ước nguyện của ông nội, bố, Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch vận động mọi người gây dựng lại phường Xoan cổ, thành lập câu lạc bộ (CLB); tích cực học, thực hành, truyền dạy cho con cháu trong gia đình, người dân địa phương.

Để “khúc môn đình” đi sâu vào cuộc sống của người dân, Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch đã khéo léo trong công tác truyền dạy, sân khấu hóa khi thực hành để khán giả đón nhận. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch chia sẻ: Lấy đặc trưng cơ bản của Hát Xoan làm căn cứ, tôi và các thành viên trong CLB đã cải biên, viết lại lời trên nền giai điệu truyền thống để phù hợp với khán giả trẻ. Riêng phần nhạc, trên nền trống là nhạc cụ truyền thống của Hát Xoan phối hợp thêm với các nhạc cụ dân tộc hay nhạc cụ hiện đại khác để làm phong phú, đưa Hát Xoan đến gần hơn với khán giả.

Với những đóng góp của mình, năm 2012, bà Nguyễn Thị Lịch được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan. Năm 2015, bà là một trong 19 người am hiểu về di sản văn hóa của Phú Thọ được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Chung niềm đam mê với văn hóa truyền thống như Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, ông Đinh Văn Thành – Đội trưởng Đội văn nghệ các CLB văn hóa Mường xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn cũng dày công sưu tầm bài hát Ví, hát Rang, điệu múa của dân tộc Mường để thực hành, truyền dạy cho thế hệ sau.

Năm 1981, hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân giao phó, ông Đinh Văn Thành trở về quê hương, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào phát triển kinh tế - xã hội và cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa, đẩy lùi hủ tục lạc hậu. Ông Thành đã đến gặp các vị cao niên trong làng để hỏi, ghi chép lại những lời bài hát, mô tả điệu múa, lấy đó làm cơ sở để biểu diễn cũng như truyền dạy. Hiện ông Thành có thể thực hành thuần thục nhiều điệu múa, bài hát, nhạc cụ của người Mường cổ như: Hát Ví, hát Rang, hát ru, đối đáp giao duyên; đâm ống, múa mỡi, sênh tiền, trống đu, diễn tấu cồng chiêng… đồng thời là một trong những cá nhân tích cực tham gia truyền dạy, thực hành cho các CLB, trường học trên địa bàn huyện. Cá nhân ông cũng vinh dự nhiều lần được tham gia biểu diễn tại Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh, huyện và vùng Đông Bắc.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Sơn đang lưu giữ, bảo tồn được hơn 300 chiếc chiêng, trên 400 bộ trang phục dân tộc Mường, gần 100 nhà sàn truyền thống và nhiều công cụ lao động sản xuất, sinh hoạt được bảo tồn trong các gia đình đồng bào dân tộc Mường. Những đóng góp của ông Thành đã góp phần thực hiện có hiệu quả “Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025" của huyện Thanh Sơn.

Cùng mong muốn gìn giữ, lưu truyền giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc cho thế hệ sau, cựu chiến binh Bùi Đình Thu, khu 9, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba đã sưu tầm, trưng bày trên 3.000 kỷ vật chiến tranh với mong muốn ngôi nhà của mình trở thành một “bảo tàng” nhỏ để các cựu chiến binh, học sinh và người dân quanh vùng đến tham quan, tìm hiểu, học tập truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Xuất phát từ tình cảm với đồng chí, đồng đội cộng với niềm đam mê sưu tầm kỷ vật kháng chiến, từ năm 1995 trở lại đây, cựu chiến binh Bùi Đình Thu rong ruổi khắp các tỉnh, thành để sưu tầm kỷ vật chiến tranh. Có những chuyến ông đi cả tháng từ Bắc vào Nam vừa thăm lại chiến trường xưa, tìm gặp đồng đội cũ, vừa kết hợp sưu tầm kỷ vật đem về trưng bày tại “bảo tàng” của mình. Nhiều năm trở lại đây, “bảo tàng” của ông Thu đã trở thành địa chỉ quen thuộc để nhiều trường học trên địa bàn lựa chọn cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu cũng như giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Cựu chiến binh Bùi Đình Thu bày tỏ: Tôi dành phần đời còn lại để sưu tầm và lưu giữ những kỷ vật đã gắn liền với quá khứ cùng đồng đội trong những năm tháng chiến tranh ác liệt như một cách để tri ân những người đã mãi mãi gửi lại tuổi xuân nơi chiến trường. Ước nguyện lớn nhất của tôi là được cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng đội tiếp tục quan tâm, giúp đỡ sưu tầm, lưu giữ thêm nhiều kỷ vật kháng chiến để phát triển thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau về lòng biết ơn, tự hào dân tộc.

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202108/nhung-nguoi-luu-giu-gia-tri-lich-su-178887