Những người làm báo ở vùng đất mở Kim Sơn

Trong sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông hiện đại, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Kim Sơn vẫn giữ được chỗ đứng trong lòng khán, thính giả. Bằng tình yêu nghề, trách nhiệm qua từng bài viết, những người làm báo của vùng đất mở Kim Sơn đã thực sự trở thành cầu nối giữa 'ý Đảng' và 'lòng dân'.

Thực hiện chương trình phát thanh tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Kim Sơn. Ảnh: Minh Quang

Một ngày làm việc của chị Hồng Chinh, phóng viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Kim Sơn bắt đầu từ sớm. Nhiệm vụ của chị hôm nay là sản xuất bài cho chuyên mục "Bạn của nhà nông". Những câu hỏi mà Hồng Chinh mang đến, nhờ sự tham vấn của cơ quan chuyên môn, xoay quanh vấn đề cách bảo vệ tôm trong mùa nắng nóng.

Phóng viên Hồng Chinh cho biết: "Bạn của nhà nông" là một trong những chuyên mục có từ rất sớm và được Trung tâm duy trì cho đến nay. Chuyên mục nhận được sự quan tâm, ủng hộ và góp ý rất lớn từ khán, thính giả địa phương bởi những thông tin thiết thực, ý nghĩa và gần gũi. Những thông tin hữu ích được gửi đến khán, thính giả quê nhà qua mỗi chuyên mục đã trở thành niềm vui của những người làm báo ở cơ sở như chúng tôi.

Kể về hành trình đến với nghề báo, chị Hồng Chinh nói rằng ngay từ nhỏ, chị đã rất thích đọc báo, nghe đài. Thời ấy, chỉ những gia đình có điều kiện mới đặt mua những tờ báo như Nhi đồng, Thiếu niên Tiền Phong, Hoa học trò… Từ những lần được đọc "ké" báo từ bạn bè, chị Chinh bị hấp dẫn bởi những bài viết sinh động, lý thú và trong chị đã nhen nhóm ước mơ trở thành một người viết báo. Lớn lên, để thực hiện được ước mơ làm báo, chị đã thi đỗ vào Trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình, rồi học tiếp Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia.

"Khi mới đi làm nghề, tôi khá "hốt hoảng" bởi những vất vả phía sau mỗi bài báo. Từ khâu phát hiện, khai thác đề tài, thể hiện tác phẩm sao cho hấp dẫn, biên tập rồi phát sóng… Đó là một loạt những công việc mà nhà báo phải thực hiện để mang tới cho độc giả, khán thính giả những bài viết, tác phẩm chất lượng. Vất vả là vậy, nhưng niềm vui lớn nhất đối với chúng tôi là có sự nhiệt tình phối hợp, cung cấp thông tin từ cơ sở để kịp thời cho ra đời những bài viết phản ánh chân thực cuộc sống của bà con, đồng thời góp phần tuyên truyền, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống...

Sự yêu mến, đồng hành của khán thính giả là động lực để chúng tôi cố gắng mỗi ngày, là cách mà chúng tôi gìn giữ tình yêu, sự nhiệt huyết và cống hiến đối với nghề"- phóng viên Hồng Chinh chia sẻ. Hiện nay, Tổ truyền thanh của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Kim Sơn có 6 cán bộ, phóng viên. Mỗi ngày, Tổ thực hiện phát khoảng 10 tin, bài. Tổ duy trì tốt một số chuyên mục như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Xây dựng nông thôn mới; Bạn của nhà nông; Sức khỏe và đời sống…

Nội dung các chương trình phát thanh không ngừng được đổi mới cả về nội dung và hình thức thể hiện. Trong các chương trình phát thanh, 100% bài viết của phóng viên sản xuất có tiếng động. Đơn vị đã tăng cường việc áp dụng các thể loại báo chí như: Phóng sự, phỏng vấn, ghi nhanh... Qua đó, phản ánh kịp thời những hoạt động của các cấp, các ngành, địa phương, đồng thời làm sinh động nội dung các chương trình phát thanh. Ngoài ra, việc duy trì tiếp phát sóng Đài cấp trên được Trung tâm quan tâm thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định, chất lượng.

Ông Phạm Đăng Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Kim Sơn cho biết: Với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông hiện đại đặt ra yêu cầu phải đổi mới hiệu quả cho các Đài truyền thanh ở cơ sở. Trung tâm đã áp dụng công nghệ phát thanh hiện đại trong sản xuất, biên tập chương trình địa phương.

Cùng với đó, Trung tâm cũng tiếp tục đề ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng nội dung và cách thức thể hiện chương trình phát thanh hàng ngày, tạo sự hấp dẫn người nghe, như: Đổi mới trong xây dựng kết cấu chương trình phát thanh, giao định mức cụ thể tin, bài có tiếng động, phản ánh ở vùng xa trên địa bàn huyện, phỏng vấn qua điện thoại.

Các thể loại phóng sự, bình luận… thường xuyên có trong các chương trình phát thanh. Bên cạnh đó, để đa dạng hóa và làm phong phú thêm chương trình phát thanh địa phương, Trung tâm cũng đã quan tâm xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở hầu hết các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị. Với những hoạt động tích cực, các cộng tác viên đã có những ý tưởng, tin, bài phản ánh sôi động thực tiễn cuộc sống…

Bên cạnh nỗ lực đổi mới toàn diện chất lượng các chương trình, hệ thống truyền thanh ở cơ sở của huyện Kim Sơn cũng ngày càng được hoàn thiện. Đây là điều kiện thuận lợi để việc đưa thông tin đến người dân được thực hiện dễ dàng hơn. Bởi lẽ, hệ thống truyền thanh ở cơ sở chính là "cánh tay nối dài" đến với người dân.

Với quan điểm đó, thời gian qua, Trung tâm cũng có nhiều hoạt động nhằm hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật cho Đài truyền thanh xã, thị trấn trên địa bàn. Trung tâm cũng thực hiện đều đặn việc giao ban với các Đài cơ sở và định hướng tuyên truyền cho các Đài cơ sở và cộng tác viên.

Ngoài các hội nghị giao ban, Trung tâm còn thường xuyên trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ về cách viết tin, bài, bố cục chương trình, sản xuất chương trình trên máy tính và việc khai thác vận hành hiệu quả, an toàn các trang thiết bị…

Do vậy, 100% Đài cơ sở đã thực hiện đúng và đủ về thời gian tiếp, phát sóng Đài cấp trên với thời lượng đạt trung bình 4,5 giờ/ngày; chủ động trong việc chuyển tải kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương đến các tầng lớp nhân dân.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-nguoi-lam-bao-o-vung-dat-mo-kim-son/d20230621074829551.htm