Những người hùng bám biển

Chiều muộn, chúng tôi tìm đến xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) để gặp các ngư dân vừa thoát nạn từ vùng biển Hoàng Sa trở về. Tình cảnh của những ngư phủ này bị người phía Trung Quốc đánh đập, cướp phá, đâm chìm... như những thước phim chiếu chậm, thật chông chênh khó tả.

Cảnh đoàn tụ đầy nước mắt của gia đình ông Võ Văn Lựu. Ảnh: T.H

Thế nhưng, với ý chí kiên cường bám biển của các ngư dân, họ nhất định không chịu lùi bước dù phải nhận lãnh kết cục xấu nhất!

Vận “đen” đến lần thứ 3

Ông Võ Văn Lựu - thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá QNg 90479 TS bị tàu TQ đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa ngày 9.7 - chầm chậm đến cạnh tủ lục lọi ra một đống giấy tờ, từ giấy vay vốn, đơn xin hỗ trợ, báo cáo… để minh chứng cho những khó khăn hiện tại của gia đình.

Theo như ông Lựu kể lại, trước đó, ngày 9.2.2014, tàu cá QNg 90479 TS (công suất 430CV) do ông làm thuyền trưởng kiêm chủ tàu cùng 15 thuyền viên xuất bến tại cảng Sa Kỳ đi hành nghề lặn đêm tại quần đảo Hoàng Sa. “Sau gần 1 tháng vất vả, sản lượng hải sản chúng tôi đánh bắt lúc đó gồm 1 hầm tôm hùm nuôi sống, 1 phi hải sâm, 1 hầm mực 3 tấn. Niềm vui vừa đến thì vào lúc 15h ngày 1.3.2014, tại 16,34 độ vĩ Bắc, 112,44 độ kinh Đông, 1 tàu sắt màu trắng của Trung Quốc (TQ) lao đến rượt đuổi. Khoảng 30 phút sau, chúng thả 1 chiếc canô (có 8 người) trên tàu xuống biển, cùng 30 người trên tàu sắt TQ vây bắt tàu cá của chúng tôi. Khi chiếc canô áp sát mạn tàu, chúng liền cho người leo lên tàu cá QNg 90479 TS dùng roi điện châm vào người và đánh tôi rồi dồn tất cả 15 thuyền viên trên tàu lên trước mũi”.

Chưa thỏa mãn, chúng trực tiếp cầm lái cho tàu chạy về hướng đảo Linh Côn, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Chạy được 30 phút thì tàu hỏng máy, thả trôi. Biết tàu không thể chạy được nữa, 1 tàu sắt TQ cập vào mạn phải và chiếc canô cập mạn trái, rồi khoảng hơn 10 người leo lên tàu lấy hết số hải sản ngư dân đánh bắt được cùng một số trang thiết bị trên tàu, với tổng trị giá 354 triệu đồng.

Trở về với hai bàn tay trắng, ông tiếp tục vay mượn mua lại toàn bộ ngư cụ đã bị cướp cùng 8 thuyền viên tiếp tục ra khơi bám biển. Đến khoảng 8h ngày 13.6.2015, tàu ông đang khai thác tại tọa độ 16,02 độ vĩ Bắc, 111,00 độ kinh Đông thì lại bị 1 tàu TQ màu trắng, mang số hiệu 35101 đâm vào mũi tàu và rượt đuổi đến 14h cùng ngày thì tàu của ông chết máy. Ông nhanh chóng liên lạc với tàu cá ông Phạm Trung Kiên (QNg 95193 TS) nhờ kéo tàu đến gần đảo Bông Bay neo để sửa chữa nhưng không được. 3 ngày sau, vào lúc 9h ngày 16.6, 2 tàu TQ mang số hiệu 33101 và 37102 chạy đến cách tàu ông khoảng 100m rồi thả 2 chiếc canô chạy áp sát mạn tàu ông. Lập tức gần 20 người mặc quân phục lính có mang theo súng AK, dùi cui điện, tiến hành lục soát và tiếp tục lấy hết số hải sản ngư dân đánh bắt được trị giá 170 triệu đồng.

Ngoài ra, chúng còn trút hết lương thực xuống biển, hút dầu vào phi nước ngọt dự trữ, chỉ chừa lại một ít vừa đủ để ngư dân trở về đất liền. “Mục đích hành động đó của họ nhằm không cho ngư dân chúng tôi bám trụ thêm, phải nhanh chóng quay trở về. Họ tưởng làm như thế là ngư dân sợ hãi, chán nản không quay trở lại bám biển nữa, nhưng dù có đuổi, cướp, đâm miết chúng tôi cũng mặc kệ” - ông Lựu nói.

Hành trình “ôm”… nợ!

Khi nguồn lợi thủy sản gần bờ trở nên cạn kiệt, ngư cụ, phương tiện đánh bắt thô sơ không còn hiệu quả nữa, ngư dân buộc phải vay mượn, đóng mới những con tàu có công suất lớn hơn, hiện đại hơn để có thể vươn khơi bám biển dài ngày. Đã hơn một tuần nay, từ khi tàu cá của mình gặp nạn, bà Nguyễn Thị Năng (vợ ông Lựu) đứng ngồi không yên, bụng lúc nào cũng cồn cào lo lắng, bởi theo bà, trải qua 3 lần gặp nạn, số nợ để đầu tư đóng tàu từ trước đến nay hơn 1 tỉ đồng.

Ngồi cạnh chồng, bà Năng cố kìm nén những giọt nước mắt, kể: “Trước đây, vào năm 2008, vợ chồng tôi tích góp, vay mượn bà con hàng xóm mua lại 1 chiếc tàu có công suất 190CV, đi được vài năm thì bị chìm do bão, nhưng rồi cũng trục vớt lại được. Hành nghề đến năm 2013, thấy chiếc tàu cũ đã xuống cấp, chúng tôi quyết định bán với giá rất thấp, đóng chiếc mới có công suất lớn hơn là 430CV. Để có tiền đóng mới chiếc tàu 430CV, chúng tôi phải chạy ngược xuôi vay mượn thêm từ các đầu nậu, ngân hàng, bà con hơn cả tỉ đồng, cộng với số tiền ít ỏi của vợ chồng tôi có được”.

Ra khơi chưa được một năm thì bị tàu TQ cướp hết tài sản ở vùng biển Hoàng Sa năm 2014, nợ cũ chưa trả hết lại tiếp tục vay mượn gần 400 triệu để mua mới lại toàn bộ ngư cụ. “Cứ nghĩ xong đợt này sẽ hết, ai ngờ năm 2015 bị cướp thêm 1 lần nữa, chúng tôi gắng gượng vay thêm gần 200 triệu đồng sửa cốt máy cùng một số ngư cụ. Và lần này, không biết còn ai dám cho mình vay nữa” - nói đến đây, nước mắt bà Năng tuôn trào.

Đối với trường hợp tàu cá của ông Nguyễn Tuấn (trú thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) khi số tiền sửa chữa được lấy từ vốn liếng vợ chồng tích góp dành dụm lâu nay để sang năm đóng mới chiếc tàu công suất trên 700CV. “Vẫn biết đóng tàu mới là phải vay mượn, nợ nần chồng chất, nhưng phải biết “đặt cược” mạng sống mình với biển để giành lấy miếng cơm khi có cơ hội” - ông Tuấn nói.

Trước đó khoảng 9h sáng 16.6, ông Tuấn cùng 7 thuyền viên đang cho tàu đánh bắt cá ở vị trí 16,11 độ vĩ Bắc, 112,30 độ kinh Đông cách đảo Cô Lin - Phú Lâm 30 hải lý thì bị tàu mang số hiệu 31102 China rượt đuổi 1-2 giờ. Đến gần 12h, chiếc tàu trên đâm vào tàu ngư dân. Cú đâm mạnh đã làm mạn phải và một phần vách ngăn của cabin tàu bị vỡ.

Ông Tuấn cho biết, trước khi bị tàu mang số hiệu 31102 China đâm thì buổi sáng đó đã có 2 tàu mang số hiệu 44044 China và 37102 China rượt đuổi.

“Sẽ tiếp nối nghề của bố mình”

Có lẽ, trong ký ức hàng trăm ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) không bao giờ quên được cái hình ảnh rũ rượi đầy máu me của ông Trương Đình Bảy (bị bắn chết ở vùng biển Trường Sa năm 2015) khi được đưa vào đất liền. Không khí lạnh lẽo tang tóc xen lẫn nỗi sợ hãi cứ ám ảnh những ngư dân xóm chài những ngày sau đó.

Gần 7 tháng trôi qua, sau cái chết của ông Bảy, chúng tôi trở lại thăm xóm chài nghèo nàn ấy, hình ảnh thân quen các cụ già, bà mẹ, trẻ nhỏ chiều chiều vẫn đứng dọc các bờ biển để đón người thân ra khơi trở về.

Trở về sau chuyến đi biển, anh Trương Đình Huynh (25 tuổi) - con trai đầu của ông Bảy - lặng lẽ đến trước bàn thờ bố mình thắp một nén nhang rồi quay lại nói: “Chuyến ra khơi lần này thuyền em trúng lắm anh ạ, mỗi người được sáu triệu đồng”.

Trước đây, bố anh Huynh thường đi làm thuê cho các chủ tàu ở trong xã, với công việc phục vụ nấu nướng dọn dẹp ở trên tàu, còn em anh là Trương Đình Đệ (22 tuổi) bỏ học từ năm lớp 10 theo bố ra khơi làm nghề lặn biển. Từ khi bố anh mất, nhằm làm chỗ dựa cho em mình, anh Huynh quyết định bỏ công việc nhẹ nhàng (quấn môtơ điện) tiếp tục làm công việc của bố trước đây là phục vụ nấu ăn cho các thuyền viên ở trên tàu. “Vẫn biết ra khơi mùa này đầy khó khăn và nguy hiểm, nhưng khi được làm công việc mà bố mình lăn lộn gắn bó bao nhiêu năm để nuôi sống gia đình thì em cảm thấy hạnh phúc lắm” - anh Huynh nói.

“Đã có lần em bảo thằng Đệ ở nhà làm việc gì đó để một mình anh đi thôi. Lỡ có chuyện gì không may còn có người chăm sóc lo lắng cho mẹ và em gái, nhưng nó nằng nặc không chịu, quyết tâm đi biển cho bằng được” - anh Huynh chia sẻ thêm.

Ban đầu, khi Huynh quyết định đổi nghề thì mọi người trong gia đình ai cũng ngăn cản, nhất là chú anh. Bởi vì một lý do đơn giản rằng, bố mất, phải có một đứa ở nhà để chăm sóc người nhà. Nhưng rồi, bằng sự quyết tâm nối nghiệp của bố nên cuối cùng gia đình cũng thông cảm, đồng ý cho hai anh em tiếp tục bám biển cho đến bây giờ.

Mặc dù toàn bộ tài sản gần 3 tỉ đồng nằm lại giữa lòng biển khơi, nhưng khi được hỏi có tiếp tục ra khơi bám biển nữa không, ông Lựu nói: “Có chứ, sắp tới tôi sẽ đóng chiếc mới, nhất định bám biển, nếu thủ tục suôn sẻ thì 4-5 tháng nữa tôi sẽ tiếp tục vươn khơi”. Tuy nhiên, ông Lựu tha thiết cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm, tạo điều kiện hết sức cho gia đình.

Sau gần nửa tháng sửa chữa phần cabin và mạn thuyền do bị tàu TQ đâm ở quần đảo Hoàng Sa hồi tháng trước, ông Tuấn vui vẻ cho biết: “Chúng tôi sẽ vươn khơi trong vài ngày tới nếu thời tiết đẹp, mọi thứ đã sẵn sàng. Lúc trước, khi bị rượt đuổi, đâm vỡ cabin và mạn thuyền, tôi cảm thấy tuyệt vọng lắm, có dự định bán thuyền, không muốn bám biển nữa, nhưng nghĩ đã là ngư dân thì phải bám biển mà sống thôi, động lực để tôi bám biển cho đến bây giờ là nhờ sự động viên, quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, chúng tôi mới vững tin tiếp tục vươn khơi”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/nhung-nguoi-hung-bam-bien-575721.bld