Những người 'hoàn sinh' cho rác

Rác thải nhựa, phế liệu và đồ dùng cũ nát, hoàn toàn có thể 'cải tử hoàn sinh' để thành những món đồ trang trí, vật dụng hữu ích. Trên hết, là nhận thức về môi trường. Nhiều bạn trẻ Sài Gòn đang làm điều đó ở một quán cà phê đầy những… rác tái chế, hay đem chai nhựa để đổi lấy những đôi vớ dệt kéo sợi từ nhựa phế thải.

Quán café nằm trên con đường nhỏ ở Quận 2. Từ ngày làm dự án, anh chủ quán Nguyễn Văn Thơ có thêm tên là “Thơ đồng nát” vì suốt ngày mày mò với chai lọ nhôm nhựa. Hết súc rửa đến cắt dán, tô màu, ráp nối, sơn phết... Khắp ngóc ngách quán đâu đâu cũng là chai nhựa, thủy tinh, vành xe đạp, giày dép các chất liệu, bánh xe cao su, cánh cửa gỗ, thậm chí có cả…bồn cầu. Chúng được vệ sinh sạch sẽ và “hoán cải cuộc đời” qua bàn tay trang trí, tô màu và sắp xếp thành các đồ nội thất.

Anh Thơ "đồng nát" (ngoài cùng, bên phải) và các bạn tái chế chai nhựa cho Hidden Gem.

“Quê tôi ở Bắc Ninh, tuổi thơ gắn liền với con sông Cầu nhưng từ lâu những đoạn sông quê đã ô nhiễm trầm trọng. Có nơi như làng Mẫn Xá, xã Văn Môn huyện Yên Phong sát cạnh xã tôi, giờ được gọi là làng ung thư vì người dân làm nghề tái chế đồng, chì từ các bình ắc quy, sau đó đổ hết axit, cặn bã xuống sông. Nguồn nước nhiễm độc lại đi vào cơ thể, trời lúc nào cũng xám xịt, đặc quánh khói. Gia đình tôi có nhiều người thân đã qua đời vì ung thư. Một lần thử lấy bánh xe cũ ở tiệm sửa xe gần nhà làm cái bảng tên, tôi thấy nó rất đẹp và nhận ra mọi thứ rác thải đều có thể trở thành các món đồ trang trí. Chúng có giá trị riêng nếu mình biết cách biến đổi, thay vì vứt bỏ và bắt môi trường gánh chịu tác hại”, Nguyễn Văn Thơ kể về hành trình “làm rác” của mình.

Giày dép, chai nhựa trở thành những chậu cây xinh xắn.

Từng làm cho một công ty Mỹ lương cao nhưng bỏ việc để đi…nhặt rác. Đi xin chưa đủ, người ta thấy chàng trai trẻ thuê xe đi khắp nơi, từ quê sang đến Hưng Yên, Thái Nguyên, thi thoảng lại nhảy xuống xe để nhặt thứ gì đó ven đường, chất lên xe đem về.

Quán café đầu tiên của anh Thơ mang tên Hidden Gem khai trương tại Hà Nội vài năm trước và nhanh chóng thu hút giới trẻ, những người quan tâm đến môi trường. Hidden Gem Sài Gòn ra đời chỉ trước Tết Nguyên đán 2021 khi anh Thơ cùng một số bạn bè muốn chung tay đưa thông điệp môi trường đến rộng rãi hơn trong người trẻ.

Giấy báo, chai nhựa, bánh xe cũ, vành xe đạp... đều được "tái sinh" trong không gian quán.

Tất cả vật dụng trong quán đều được làm từ phế liệu, qua bàn tay của những người trẻ, trở thành những đồ nội thất độc đáo. Một mảng tường với những chậu cây mọc ra từ… giày dép cũ. Trần nhà được dán báo cũ, 2000 chai nhựa xanh được cả nhóm tỉ mẩn kết thành mảng đèn. Chai thủy tinh được vẽ màu làm đèn. Ngày khai trương ở Sài Gòn, có gia đình khệ nệ chở đến một bao tải chai nước ngọt bằng nhựa.

Anh Thơ hướng dẫn khách cách trồng cây với giày dép cũ.

Đặc biệt, một góc ngoài trời với nền là những cánh cửa cũ, ghế ngồi là chiếc bồn tắm được cắt làm chỗ ngồi, có cả bồn cầu cũ được vệ sinh sạch sẽ... Bàn cũng được tận dụng từ xe rùa gãy, xe máy cũ, ghế là những xô bằng cao su đã bỏ. Và vô số những bánh xe cũ trang trí góc quán.

Trẻ em thích thú tái chế giày cũ thành chậu cây.

Nhiều bạn trẻ, trẻ em đến đây đều được nhân viên quán hướng dẫn các cách thức để tái chế rác. “90% lợi nhuận của quán từ bán thức uống và đồ tái chế. Quán cũng tổ chức workshop cho bạn trẻ, trẻ em trải nghiệm tái chế rác thải. Những khách mang chai nhựa, vật liệu cũ đến đây sẽ được giảm giá. Mô hình này như một Trash bank – mọi người mang rác đến đây, và đem về những giá trị cộng hưởng. Chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, không chỉ là xu hướng sống mà trở thành thói quen hằng ngày. Điều tôi hướng đến là mỗi bạn trẻ đến đây đều đọng lại gì đó khi ra về. Bằng cách đó chúng ta đã cứu cho hàng ngàn chai nhựa không phải lênh đên ngoài môi trường”, anh Thơ tâm sự.

Bồn cầu, bồn tắm, bánh xe... tất cả đều trở thành vật trang trí đẹp.

“Mình đến đây nhiều lần, vừa chụp hình vừa tham gia làm đồ tái chế và có ý thức hơn về sử dụng đồ vật có tác động với môi trường. Không ngờ rác cũng có đời sống riêng và giá trị của nó nếu biết tái chế” Đông Nghi (trường ĐH Văn hóa TP. HCM) cảm nhận.

Chiếc xe máy cũ được tận dụng thành bàn.

Cũng với hình thức đổi rác lấy quà như vậy, dự án của nhóm Resocks lại gây ấn tượng tốt với việc “tái sinh “ các chai nhựa thành những đôi vớ. Ngày hội “Đổi chai nhựa lấy vớ” của Resocks mới đây đã thu hút hơn 70 bàn trẻ tham dự, thu về gần 800 chai nhựa để có thể tạo ra 267 đôi vớ.

Những đôi vớ được dệt từ sợi nhựa của Resocks.

Theo nhóm, trung bình một phút, thế giới tiêu thụ khoảng 1 triệu chai nhựa. Hậu quả đằng sau lượng tiêu thụ khổng lồ đó khiến Trái dất ngày một ô nhiễm hơn. Mỗi chiếc chai nhựa chỉ có giá trị sử dụng vài phút nhưng tuổi thọ của “các em ấy” kéo dài đến cả mấy trăm năm. Nhựa không phân hủy, sự thật chúng chỉ phân rã thành hạt nhựa rất rất lâu sau đó.

Resocks đã tìm ra giải pháp "tái sinh” cho các chai nhựa bỏ đi thông qua việc thu gom, mang đi kéo sợi và dệt thành những chiếc vớ “bền vững”, tiết kiệm tối đa nguồn nguyên liệu sản xuất.

Nhiều bạn trẻ thích thú khi đổi chai nhựa lấy các đôi vớ thân thiện môi trường.

“Từ 9 chai nhựa bỏ đi, chúng tôi có thể biến chúng thành 3 đôi vớ, những đôi vớ mà bạn sở hữu không chỉ làm từ nguồn nguyên liệu sạch - bền vững mà còn mang sứ mệnh hướng tới nền thời trang bền vững. Những đôi vớ được kéo sợi từ chai nhựa bỏ đi của Resocks đạt các tiêu chuẩn tái chế toàn cầu GRS, có thể xuất khẩu sang Anh”, đại diện nhóm chia sẻ.

Cứ 9 chai nhựa, có thể kéo được 3 đôi vớ, đủ chuẩn xuất khẩu.

Hãy tưởng tượng rằng, mỗi đôi vớ đều mang lại một sự thay đổi tích cực, thì hàng triệu đôi vớ sẽ làm nên sự thay đổi to lớn đến nhường nào? Hiện Re.socks đang hướng tới những vật liệu có thể tái chế và phân hủy được, bên cạnh chai nhựa, các vật liệu khác như cafe, tre, bông… và không chỉ làm vớ, nhóm cũng hướng tới những sản phẩm may mặc khác.

Khoa Tư

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nhung-nguoi-hoan-sinh-cho-rac-post1326188.tpo