Những người gom rác

Niềm vui mỗi ngày của những người yêu môi trường là lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức của người dân, xây dựng thói quen phân loại rác và góp phần giảm ô nhiễm, bảo vệ môi trường

Cái tên Tagom chắc chắn vẫn còn mới mẻ với nhiều người nhưng đối với những ai yêu môi trường, thích lối sống xanh, sạch, đẹp, cái tên này khá quen thuộc và gần gũi với họ.

Thay đổi nhận thức

Tôi biết một cậu bé tên Gia Hưng, là con trai của một anh bạn thân và đang học lớp 5 Trường Tiểu học Tân Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Bình thường, tôi vẫn nghĩ cậu bé sẽ chỉ quanh quẩn với việc học hành hay chơi điện tử, xem tivi nhưng rồi sau một bữa ăn tại nhà anh bạn, khi thấy tôi định vứt mấy lon bia, nước ngọt vào thùng rác, Gia Hưng ngăn tôi lại.

Cậu bé sau đó ôm đống vỏ lon, chai nước lọc ra ngoài sân, bỏ mỗi loại vào một cái túi ni-lông to. Anh bạn cho tôi biết rằng cậu con trai thích gom vỏ lon, chai nước để bán đồng nát hoặc đi đổi cây. Số tiền bán cho các chỗ thu gom đồng nát chẳng được bao nhiêu nhưng với Gia Hưng, được cầm vài ngàn đồng như vậy cũng vui. Còn không, khi có sự kiện đổi chai nhựa lấy cây ở gần nhà, cậu bé sẽ nhờ bố đưa ra đó đổi và thường nhận về một cây sen đá nhỏ.

Các bé ở trường mầm non tại Hưng Yên bắt đầu quen dần với việc phân loại rác

Chương trình đổi chai nhựa hay quần áo cũ lấy cây là những dự án của tổ chức bảo vệ môi trường Green Life mà nhiều người đã biết đến trong vài năm qua hay gần đây là Tagom. Theo Nguyễn Thị Thùy Linh, người điều phối và quản lý dự án của Tagom, rác thải sinh hoạt có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường bởi đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra và làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường. Với số lượng rác thải thu gom hằng ngày tại Hà Nội là rất lớn, việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác.

Trong khi đó, vấn đề rác thải hiện chưa được các hộ gia đình quan tâm đúng mức khi nhiều người có thói quen cái gì không sử dụng được thì vứt đi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của cộng đồng, vì thế phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp tích cực, góp phần giảm tổng lượng rác thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

Chủ động làm sạch, phân loại rác

Để giúp cộng đồng hiểu hơn, Tagom đưa ra những câu chuyện, góc nhìn về rác thải hay thu gom rác thải rất dễ hiểu và gần gũi. Chẳng hạn như nói về sự cần thiết phải làm sạch vỏ hộp sữa giấy, Tagom dẫn chứng: 75% bột giấy, 21% polymer và 4% nhôm, nếu chúng (vỏ hộp sữa giấy) không được xử lý và chôn lấp, sẽ phải mất tới hơn 5 năm để phân hủy và gây ô nhiễm nguồn đất.

Nhưng nếu chúng được đưa tới nhà máy tái chế, sau quá trình phân tách, vỏ sữa giấy lại trở thành những tấm lợp sinh thái, sách vở, thùng giấy mới… Làm sạch, xếp gọn vỏ hộp sữa giấy là điều cần thiết vì không những bảo đảm về chất lượng của nguyên liệu tái chế (côn trùng sẽ trú ngụ trong vỏ hộp sữa bẩn, làm ảnh hưởng tới thành phần cấu tạo của nó), an toàn cho môi trường thu gom mà còn hình thành sự ngăn nắp trong lối sống và trách nhiệm với các nhóm rác khi chúng ta tích trữ và phân loại. Hơn nữa, điều đó sẽ góp phần tiết kiệm thời gian tái chế cho các nhà máy.

Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết mô hình thu gom và phân loại rác sinh hoạt vô cơ của Tagom luôn hướng tới sự chủ động làm sạch và phân loại rác tái chế của người tham gia. Đó là điều họ luôn tự hào khi khuyến khích được nhiều đối tượng cùng tham gia phân loại rác trực tiếp ở các sự kiện thu gom mà Tagom tổ chức.

Nguyễn Thị Thùy Linh (ngoài cùng bên phải) và các thành viên nhóm Tagom (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Theo chỉ dẫn của Nguyễn Thị Thùy Linh, tôi tìm đến văn phòng của Tagom trong một con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Phải đi qua một, hai nhà nữa cùng lối đi chung, tôi mới thấy tấm biển Tagom trên cổng. Dòng chữ màu xanh tươi mát đó đập vào mắt tôi trước tiên, trước khi tôi phát hiện sau cánh cổng đấy là một không gian thoáng đãng, mát mẻ của cây xanh, chẳng có gì giống với nơi được gọi là thu gom rác thải.

Nguyễn Thị Thùy Linh giải thích, cái tên Tagom có thể là "chúng ta cùng gom", nhưng Tagom cũng có nghĩa là "tái chế" và "thu gom". Hiểu đơn giản thì thế nhưng như cô gái sinh năm 1996 cho biết Tagom là một dự án môi trường được thành lập vào tháng 6-2022 với mục tiêu thúc đẩy hoạt động phân loại rác tại nguồn thông qua thực hành liên tục, qua đó hướng tới xây dựng thói quen tiêu dùng có trách nhiệm và lối sống bền vững hơn cho cộng đồng.

Nhân rộng mô hình

Hoạt động của Tagom tập trung vào rác và phân loại rác tại nguồn. Thùy Linh và một thành viên của Tagom là Vũ Đức Chung, tư vấn chiến lược và điều hành dự án, hiểu rõ rằng hiện Hà Nội đang hạn chế về nhóm rác thu gom, thậm chí các nhóm thu gom chỉ thu gom một số nhóm rác nhất định. Điều này gây bất tiện cho người tham gia khi phải di chuyển đến nhiều điểm mới gửi hết rác. Bên cạnh đó, các tổ chức thu gom chỉ nhận rác từ người tham gia chứ chưa có hướng dẫn người tham gia cách phân loại cụ thể, giúp họ hiểu rõ về từng nhóm rác và khả năng tái chế.

Vì thế, dù mới ra đời hơn một năm nhưng Tagom, với khoảng 15-16 thành viên, đang nỗ lực xây dựng mạng lưới các điểm thu gom rác, chủ yếu ở quận, huyện hay cụ thể là chương trình "Đổi rác lấy quà" hằng tháng tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall Hà Đông, quận Hà Đông. Tại đó, người dân sẽ được hướng dẫn và thực hành phân loại rác, từ đó giúp họ dần hình thành thói quen phân loại rác ở nhà như trường hợp của Gia Hưng, cậu con trai của anh bạn mà tôi đã gặp.

Chương trình “Đổi rác lấy quà” tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall Hà Đông, Hà Nội

Ngoài ra, Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết thêm, Tagom cũng kết hợp với các câu lạc bộ, đội nhóm môi trường của trường đại học, quận, huyện để tận dụng thế mạnh về con người và kinh nghiệm tổ chức, qua đó giúp nhân rộng mô hình tới nhiều địa điểm hơn.

Nhờ đó, các nhóm rác đã được Tagom thu gom và xử lý theo dạng dễ tái chế, tái sử dụng và khó tái chế. Với nhóm rác dễ tái chế như chai nhựa, vỏ hộp, giấy báo... họ gửi trực tiếp đến các nhà máy tái chế để tạo thành các sản phẩm tái chế.

Với nhóm rác tái sử dụng, họ gửi tặng các tổ chức thiện nguyện để trao tặng cho những khu vực khó khăn, trong khi với nhóm rác khó tái chế, họ gửi đến các nhà máy xử lý để rác được xử lý an toàn hoặc liên kết với đội, nhóm sáng tạo để tạo thành các sản phẩm có giá trị như viên đốt RPF - nhiên liệu tạo ra lượng nhiệt tương đương than đá, rẻ và thân thiện với môi trường.

Mục tiêu Tagom hướng đến như chia sẻ của Nguyễn Thị Thùy Linh và Vũ Đức Chung là xây dựng tổ chức trở thành một doanh nghiệp xã hội hoạt động chuyên nghiệp và uy tín trong lĩnh vực thu gom, phân loại rác thải tại nguồn.

Hiện còn gặp nhiều khó khăn như chưa có kho bãi diện tích lớn, mặc dù đã được nhà hảo tâm hỗ trợ mặt bằng đặt văn phòng và kho bãi rộng khoảng 100 m2, tài chính ổn định để bảo đảm hoạt động, niềm vui mỗi ngày của họ, những người yêu môi trường và hoạt động hết mình vì xã hội, là lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức của người dân, xây dựng thói quen phân loại rác và góp phần giảm ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Nỗ lực giải bài toán khó

So với con số 6.500-7.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày ở Hà Nội, những đóng góp của Tagom trong nỗ lực xử lý rác thải của thành phố còn rất nhỏ bé. Tuy vậy, bài toán khó của Hà Nội hay của nhiều địa phương, không chỉ nằm ở cơ sở hạ tầng xử lý rác thải mà còn phụ thuộc nhiều vào ý thức chấp hành và sự chung tay của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Vì thế, một mặt Tagom hướng đến việc tìm hiểu và thay đổi hành vi của người dân trong xả rác, phân loại rác, một mặt họ tập trung tìm kiếm đầu ra triệt để cho từng nhóm rác, có phương tiện thu gom và vận chuyển đến nhà máy tái chế, xử lý.

PHẠM MẠNH HÀO

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/cuoc-thi-viet-long-tot-quanh-ta-nhung-nguoi-gom-rac-20231013211900779.htm