Những người giữ rừng Đông Bắc

Trong những năm qua, những người 'lính canh rừng' ở xứ Lạng vẫn luôn nỗ lực, bám sát địa bàn bảo vệ rừng, góp phần cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường và an ninh biên giới.

Lạng Sơn có diện tích rừng lớn thứ 7 cả nước, trong đó tỉ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 63,7%, đứng thứ 4 cả nước. Giữ gìn, bảo vệ và phát triển những cánh rừng nơi đây luôn là thách thức đối với lực lượng cán bộ làm công tác bảo vệ rừng.

Cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đi tuần tra bảo vệ rừng

Tròn 20 năm công tác tại Ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên, anh Hoàng Hữu Phú đã thuộc từng con đường, gốc cây, phiến đá ở khu rừng này. Mấy hôm nay trời mưa, đường trơn trượt nhưng anh Liên vẫn bước đi thoăn thoắt làm những "lính mới" như chúng tôi, dù không phải lần đầu đi tác nghiệp ở rừng đặc dụng nhưng mũi miệng vẫn thi nhau thở. Anh Hoàng Hữu Phú kể, mỗi lần vào rừng lại thấy thêm yêu nghề hơn bởi những cánh rừng xanh tươi như tiếp thêm "năng lượng" cho anh và các đồng nghiệp.

“Quá trình tuần tra bảo vệ rừng của chúng tôi trong một ngày sẽ bắt đầu vào buổi sáng. Chúng tôi gói cơm cùng nước uống đi để ăn trong rừng, đến khoảng 5 giờ chiều thì chúng tôi mới về đến nơi. Rừng nơi chúng tôi công tác đặc trưng là địa hình cát tơ, chia cắt rất mạnh, khi đi tuần tra bảo vệ rừng sẽ phải qua những đèo, dốc, lân, lũng rất xa xôi và nguy hiểm. Tất cả các anh em ở đây đều ở xa gia đình, do tính chất công việc thì gia đình cũng động viên và thông cảm", anh Phú nói.

Là tỉnh miền núi có diện tích tự nhiên rất lớn 831.000 ha, việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển những cánh rừng nơi đây luôn là thách thức đối với lực lượng cán bộ làm công tác bảo vệ rừng

Khu rừng đặc dụng Hữu Liên nằm trong vùng núi đá vôi Cao Bằng - Lạng Sơn, thuộc địa phận các huyện Hữu Lũng, Văn Quan và Chi Lăng. Nơi đây như một thung lũng được bao bọc xung quanh là các đỉnh, các dãy núi trùng điệp, trung tâm là vùng đồi đất với các làng bản xa đường quốc lộ, giao thông đi lại khó khăn. Tài nguyên thực vật trong Khu rừng đặc dụng Hữu Liên rất phong phú và đa dạng; trong đó chủ yếu là kiểu thảm thực vật: “Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp”.

Hệ động vật gồm hơn 60 loài, trong đó có những loài có giá trị bảo tồn gen như: Hươu xạ, Voọc đen má trắng, Vượn đen Đông bắc... Ngoài ra, trong khu vực còn các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng ở mức độ toàn cầu như: Báo Gấm, Rắn Hổ chúa, Rùa hộp 3 vạch và nhiều loài động vật quý hiếm khác.

Nhiệm vụ của Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên là quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; tổ chức hoạt động giáo dục môi trường, tuyên truyền và nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu khoa học trong rừng đặc dụng và triển khai chương trình phát triển du lịch...

Khu rừng đặc dụng Hữu Liên nằm trong vùng núi đá vôi Cao Bằng - Lạng Sơn, thuộc địa phận các huyện Hữu Lũng, Văn Quan và Chi Lăng. với Hệ động vật gồm hơn 60 loài, trong đó có những loài có giá trị bảo tồn gen như: Hươu xạ, Voọc đen má trắng, Vượn đen Đông bắc...

Ông Phạm Văn Cấp, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: “Chúng tôi giao khoán cho người dân bảo vệ hơn 7.300 ha, các hộ dân tổ chức thành các nhóm bảo vệ rừng. Hàng tháng chúng tôi đều tổ chức đi kiểm tra kết quả bảo vệ rừng, do đó tất cả các hiện tượng vi phạm đều được người dân phát hiện, báo cáo kịp thời. Làm tốt công tác phối hợp như vậy và đặc biệt đối với những vùng khó khăn như ở Hữu Liên, với đồng bào dân tộc thiểu số cũng càng có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng”.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn cho biết: Lạng Sơn là tỉnh miền núi có diện tích tự nhiên rất lớn 831.000 ha, diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp chiếm gần 617.000 ha và chiếm đến 74% (trong đó diện tích có rừng chiếm đến 529.000ha).

Thời gian qua, để quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp, áp lực với kiểm lâm các địa bàn là không hề nhỏ. Hiện nay lực lượng Kiểm lâm Lạng Sơn chỉ có 185 biên chế, đã bố trí sắp xếp 85 công chức phụ trách kiểm lâm của 200 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Như vậy là rất mỏng so với thực tiễn trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, hầu hết 1 người phải phụ trách từ 2-3 xã, quản lý từ 5000 - 7000ha.

Ngày đêm thầm lặng cống hiến, nỗ lực của những “người lính giữ rừng" đã giúp cho những cánh rừng vùng cao biên giới ngày càng thêm xanh

“Chi cục luôn quan tâm đến đời sống người lao động để đội ngũ kiểm lâm an tâm công tác, gắn bó với nghề, luôn tạo mọi điều kiện để cán bộ được tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh hỗ trợ về nguồn lực, Chi cục cũng thường xuyên phối hợp với UBND các xã tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc của kiểm lâm địa bàn, đặc biệt đối với các địa phương biên giới, hay vùng sâu vùng xa, đi lại hiểm trở khó khăn”, ông Hưng nói.

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Những “người lính giữ rừng” đã sống cuộc đời gắn bó với màu xanh đại ngàn. Với họ, được nhìn thấy những cánh rừng xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống là niềm vui, niềm hạnh phúc. Tình yêu rừng giúp họ thêm yêu nghề, gắn bó với nghề dù cho còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Đều đặn len lỏi qua từng vệt rừng, ngày đêm thầm lặng cống hiến, nỗ lực của họ đã giúp cho những cánh rừng vùng cao biên giới ngày càng thêm xanh.

Duy Thái/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-nguoi-giu-rung-dong-bac-post1028180.vov