Những người giữ hồn tuồng cổ ở Hoàng Đan

Nghệ thuật tuồng cổ ở xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương đã được hình thành và phát triển mạnh ở thập niên 70 của thế kỷ XX. Trải qua những thăng trầm thời cuộc, đến nay, nghệ thuật này vẫn được những người yêu tuồng ở Hoàng Đan gìn giữ, phát huy, trở thành niềm tự hào của người dân trong xã.

Niềm đam mê tuồng cổ

Tối thứ 7 hằng tuần, các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) tuồng xã Hoàng Đan lại tập trung ở khoảng sân rộng trước căn nhà cổ 5 gian của bà Nguyễn Thị Liên, thôn Hóc để tập luyện.

Bà Nguyễn Thị Liên và chồng là ông Lê Văn Phúc nên duyên từ câu tuồng cổ khi hai ông bà sinh hoạt chung trong CLB tuồng xã Hoàng Đan cách đây hơn 40 năm. Hiện nay, dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, song ông bà còn khỏe mạnh, dẻo dai. Các con biết bố mẹ đam mê diễn tuồng nên đã dành không gian riêng để ông bà sinh hoạt cùng các thành viên trong CLB.

Thành viên CLB tuồng xã Hoàng Đan say mê luyện tập các vở tuồng cổ. Ảnh: Kim Ly

Thành viên CLB tuồng xã Hoàng Đan say mê luyện tập các vở tuồng cổ. Ảnh: Kim Ly

Vợ chồng bà Liên, ông Phúc rất nhiệt tình và hiếu khách. Có lần, CLB phải luyện tập ròng rã hàng tuần để tham gia hội diễn nghệ thuật, ông bà chuẩn bị cơm nước chu đáo cho mọi người, để rồi cả đoàn lại say sưa tập luyện đến đêm mới nghỉ.

Khi tiếng kèn, tiếng trống vang lên cũng là lúc các nghệ sĩ “không chuyên” của CLB tuồng Hoàng Đan vào vai các nhân vật trong trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh” (vở tuồng Trưng Nữ Vương đề cờ).

Dù là những nông dân “chân lấm tay bùn”, nhưng khi lên sân khấu, họ đã trở thành những diễn viên thực thụ khi lột tả đầy đủ vẻ oai hùng, bi tráng của những nữ tướng khởi binh đánh giặc trả nợ nước, thù nhà.

Bà Phan Thị Lương (thôn Cầu), Chủ nhiệm CLB tuồng xã Hoàng Đan vào vai Nữ tướng Trưng Nhị. Sự kết hợp linh hoạt giữa biểu cảm gương mặt, giọng hát và từng động tác tay, chân… giúp bà thể hiện thành công vai diễn.

Theo bà Lương, tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ điển mang tính bác học nên rất khó hát và kén khán giả. Đối với diễn viên tuồng, biểu cảm từ đôi mắt là chìa khóa để các diễn viên lột tả thần thái, cảm xúc của nhân vật. Cùng với sự kết hợp giữa các yếu tố ca, múa, nhạc và các trò diễn xướng dân gian tạo nên các trích đoạn tuồng mang đặc trưng riêng của nghệ thuật tuồng cổ.

Thuở thiếu thời, bà Lương bị bố mẹ ngăn cấm, không cho đi hát vì sợ con gái lớn lên theo nghiệp cầm ca sẽ khổ. Nhiều lần, bà trốn bố mẹ ra đình làng học hát tuồng với các cô, chú. Thế rồi, cái nghiệp cầm ca cứ thế đeo bám cuộc đời bà cho đến tận bây giờ và đã đem lại cho bà nhiều niềm vui, hạnh phúc. Bà chia sẻ: “Đối với tôi, tuồng đã thấm sâu trong máu, chỉ khi nào “nhắm mắt, xuôi tay” mới bỏ được”.

CLB tuồng xã Hoàng Đan hiện có 22 thành viên, hầu hết là những người cao tuổi. Cụ Phan Văn Hưởng, 89 tuổi là thành viên cao tuổi nhất CLB, song nếu chỉ nhìn qua dáng người và nghe tiếng kèn cụ thổi, hẳn không ai đoán được tuổi thật của cụ. Dù tuổi cao nhưng niềm say mê với tuồng đã giúp cụ Hưởng sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Khát vọng "ươm mầm" cho nghệ thuật truyền thống

Nghệ thuật tuồng cổ đã được hình thành và phát triển ở Hoàng Đan từ rất lâu. Năm 1964, Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt, Đoàn Nghệ thuật Bắc Trung ương (nay là Nhà hát tuồng Việt Nam) sơ tán về địa phương và kết nghĩa với đội văn nghệ xã Hoàng Đan.

Thời gian này, Đoàn Nghệ thuật Bắc Trung ương đã đặt vấn đề thành lập một đoàn tuồng ở địa phương. CLB tuồng xã Hoàng Đan ra đời từ đó. Các nghệ sĩ Nhà hát tuồng đã dạy cho các diễn viên không chuyên ở Hoàng Đan thời ấy cách hát và diễn các vở tuồng cổ. CLB phát triển nhanh chóng cả về chất lượng và số lượng.

Không chỉ phục vụ bà con địa phương, CLB còn đi lưu diễn khắp các tỉnh khu vực phía Bắc để động viên, cổ vũ tinh thần cho bộ đội chiến đấu. Sau này, theo dòng chảy của thời gian và những biến đổi của xã hội, nghệ thuật tuồng cổ dần bị mai một và không còn nhiều khán giả như trước.

Tuy vậy, các diễn viên không chuyên ở Hoàng Đan chưa bao giờ hết tình yêu, niềm đam mê với tuồng. Năm 2014, CLB tuồng xã Hoàng Đan được khôi phục nhằm góp phần bảo tồn di sản văn hóa cha ông để lại. Với mối lương duyên từ trước, Nhà hát tuồng Việt Nam nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ CLB về trang phục, đạo cụ biểu diễn, cử giáo viên về hướng dẫn kịch bản để phục dựng một số vở tuồng cổ như Đào Tam Xuân, Đề Thám, Trần Quốc Toản, Trưng Nữ Vương…

Thành viên trong CLB tích cực tham gia biểu diễn tại các hội nghị, ngày hội, ngày lễ lớn của địa phương, được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, ủng hộ.

Với sự cống hiến miệt mài cho nghệ thuật tuồng cổ, CLB tuồng xã Hoàng Đan đã đem về nhiều giải thưởng, thành tích cho tập thể và cá nhân.

Tại Hội diễn sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018, trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh” của CLB đã được Bộ VH-TT&DL trao tặng Huy chương Vàng, cá nhân bà Nguyễn Thị Liên được tặng Huy chương Bạc với vai diễn nữ tướng Trưng Trắc.

Không chỉ giữ gìn nghệ thuật tuồng cổ, các thành viên CLB còn tích cực truyền dạy bộ môn nghệ thuật này cho thế hệ trẻ. Vào buổi tối thứ 7 hằng tuần, các cháu nhỏ yêu thích hát tuồng lại tập trung ở nhà bà Liên để nghe các bà, các cô dạy hát tuồng.

Các cháu mong muốn lớn lên sẽ được đi biểu diễn tuồng ở nhiều nơi để giới thiệu, quảng bá tuồng cổ đến với đông đảo khán giả trong và ngoài nước, để nghệ thuật tuồng được lưu truyền mãi đến muôn đời sau.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/76700/nhung-nguoi-giu-hon-tuong-co-o-hoang-dan.html