Những người 'gieo chữ' ở Tân Xuân

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi về bản Cột Mốc, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, chứng kiến các thầy cô giáo nơi đây miệt mài 'gieo chữ', thắp sáng ước mơ đến trường của các em học sinh nơi vùng biên giới.

Điểm trường tiểu học Cột Mốc, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ.

Điểm trường tiểu học Cột Mốc, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ.

Bản Cột Mốc có 100% hộ dân là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, trồng các loại cây lương thực ngắn ngày trên nương, đời sống còn nhiều khó khăn nên việc giành thời gian hướng dẫn ôn bài ở nhà của các em nhỏ chưa được phụ huynh quan tâm, việc học tập của các em đều phụ thuộc vào các thầy, cô giáo.

Điểm trường tiểu học Cột Mốc cách trung tâm xã Tân Xuân khoảng 20 km, hiện có trên 50 em học sinh. Trước đây, con đường đến bản Cột Mốc và điểm trường là con đường độc đạo, đất đỏ trơn trượt, nay đã được thay bằng con đường tuần tra biên giới do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đầu tư xây dựng và hoàn thành từ năm 2016, tạo thuận lợi cho các thầy cô đến điểm trường. Cùng với đó, điểm trường được đầu tư xây dựng khang trang, gồm 1 dãy nhà cấp 4, với 5 phòng học, cùng các công trình phụ, nhà ở cho giáo viên.

Giờ học của học sinh lớp 3 tại Điểm trường tiểu học Cột Mốc.

Giờ học của học sinh lớp 3 tại Điểm trường tiểu học Cột Mốc.

Năm học 2022-2023 là lần thứ 5 cô giáo Nguyễn Thị Vinh, Trường tiểu học và THCS Tân Xuân được phân công nhiệm vụ giảng dạy tại Điểm trường tiểu học Cột Mốc. Cô Vinh chia sẻ: Điều khó nhất khi dạy ở đây là vấn đề giao tiếp với học sinh. Các em khi bắt đầu vào lớp 1 thường xấu hổ, ngại nói nên tôi cũng như nhiều giáo viên khác ngoài việc tự học tiếng Mông để hỗ trợ giảng dạy còn phải sử dụng nhiều phương pháp khuyến khích, gần gũi với học sinh.

Trong giảng dạy, các thầy cô giáo tại Điểm trường tiểu học Cột Mốc đã chọn những phương pháp truyền thụ kiến thức dễ hiểu nhất để giảng bài cho các em học sinh. Đặc biệt, đối với học sinh lớp 1, khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn hạn chế, nên cô giáo phụ trách lớp vừa sử dụng tiếng phổ thông, vừa nói bằng tiếng dân tộc Mông để hướng dẫn các em tập đọc, tập viết. Các em học cả ngày vào thứ 2, thứ 4 và thứ 5, tăng số giờ học tiếng phổ thông, giúp các em tiếp thu kiến thức tốt hơn và thành thạo hơn trong giao tiếp. Bên cạnh đó, các thầy cô còn yêu cầu học sinh tăng cường nói tiếng phổ thông trong các giờ học, luyện tập cách phát âm, giúp các em từng bước tiến bộ và thu hẹp khoảng cách với giáo viên về rào cản ngôn ngữ.

Là giáo viên trẻ, năm đầu tiên nhận nhiệm vụ dạy học tại Điểm trường tiểu học Cột Mốc, cô giáo Hà Thị Hân tâm sự: Khi mới vào điểm trường, tôi rất lo lắng bởi mình là giáo viên trẻ, kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều, nên việc truyền đạt kiến thức hay giao tiếp với học sinh gặp khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp có kinh nghiệm, tôi đã khắc phục được những hạn chế của bản thân. Đồng thời, tự học thêm tiếng dân tộc Mông để sử dụng trong giờ giảng và trò chuyện với học sinh, tạo sự gần gũi giữa cô với trò. Các em học sinh rất ngoan, chăm chỉ, chịu khó học tập.

Giờ ngoại khóa của các em học sinh Điểm trường tiểu học Cột Mốc.

Giờ ngoại khóa của các em học sinh Điểm trường tiểu học Cột Mốc.

Với sự quan tâm của các thầy cô giáo đã góp phần nâng cao kết quả giáo dục trên địa bàn với tỷ lệ huy động học sinh đến lớp đạt 100%; 100% học sinh bậc tiểu học được lên lớp và 95% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học tiếp tục theo học bậc THCS tại điểm trường trung tâm xã.

Cùng với vận động học sinh đến trường, các thầy cô giáo cũng kết hợp việc rà soát, lập danh sách học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn để hỗ trợ sách, vở và đồ dùng học tập cho các em. Đối với những ngày học hai buổi, các em ở xa điểm trường thường mang sẵn cơm và ở lại trường buổi trưa, cặp lồng cơm mà gia đình chuẩn bị cho các em chỉ có ít cơm trắng, vài cọng rau và muối, vì vậy, các thầy cô thường nấu dư thức ăn để san sẻ cho các em nhỏ.

Là người con sinh ra và lớn lên tại xã Tân Xuân, thầy giáo Vì Văn Chỉm luôn mong muốn các em nhỏ trong xã được đến trường học chữ để sau này góp sức giúp quê hương phát triển. Thầy giáo Chỉm chia sẻ: Trong những năm tháng dạy học ở Điểm trường tiểu học Cột Mốc, tôi đã chứng kiến nhiều học trò phải nghỉ học để phụ giúp gia đình làm việc nhà hoặc trông em để bố mẹ đi làm nương. Chúng tôi đã tích cực vận động, thuyết phục phụ huynh tầm quan trọng của việc cho con cái đi học chữ. Bây giờ, nhận thức của người dân đã được nâng lên, việc học của con em cũng được quan tâm hơn trước.

Học sinh Điểm trường tiểu học Cột Mốc trong giờ giải lao.

Học sinh Điểm trường tiểu học Cột Mốc trong giờ giải lao.

Chúng tôi xin mượn lời của anh Thào A Lông, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cột Mốc, xã Tân Xuân, để nói về tình cảm của người dân đối với những "người lái đò" nơi đây: Vào đầu mỗi năm học, theo các thầy cô giáo đến từng nhà vận động học sinh đến trường, tôi đã cảm nhận rất rõ nỗ lực và mong muốn mang "con chữ" đến cho học sinh ở bản vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn này. Các hộ dân ở đây luôn quý mến và biết ơn các thầy cô giáo rất nhiều.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhung-nguoi-gieo-chu-o-tan-xuan-54756