Những người có ngày sinh hiếm 29/2 sẽ tổ chức sinh nhật thế nào?

29/2 là ngày sinh hiếm hoi nhất, cứ sau 4 năm mới lại có ngày 29/2, vậy nên những người sinh vào ngày này rất thiệt thòi, họ thường tổ chức sinh nhật vào ngày 28/2 hoặc ngày 1/3.

Người sinh ngày 29/2 rất hiếm

Hiện tại, 29/2 là ngày sinh hiếm hoi nhất mà một người có thể có. Vì ngày 29/2 chỉ xảy ra một lần trong 1.461 ngày nên khả năng trẻ em được sinh ra vào ngày nhuận là khá thấp, với tỷ lệ khoảng 1/1.461.

Người sinh ngày 29/2 thường tổ chức sinh nhật vào ngày 28/2 hoặc ngày 1/3. Tuy nhiên, giấy tờ tùy thân và các tài liệu quan trọng vẫn tiếp tục liệt kê sinh nhật vào ngày 29/2.

Những người có ngày sinh đặc biệt này thường được gọi là "leap day babies" hoặc "leaplings" trong tiếng Anh.

Người sinh ngày 29/2 thường tổ chức sinh nhật vào ngày 28/2 hoặc ngày 1/3.

Ngày 29/2 là một ngày chỉ diễn ra 4 năm một lần, còn với những năm thông thường, tháng 2 chỉ có 28 ngày. Năm nhuận gần đây nhất là năm 2020, vì vậy năm 2024 cũng là năm nhuận và có ngày 29/2.

Ngày này được thêm vào để điều chỉnh sự chênh lệch giữa thời gian quay của Trái Đất quanh Mặt Trời và số ngày trong một năm.

Năm nhuận thường trùng với Thế vận hội mùa hè và năm nay Olympic sẽ diễn ra ở Paris, Pháp.

Năm 2024 cũng là một năm sôi động với hàng loạt sự kiện thiên văn. Mọi người sẽ được chứng kiến hiện tượng nhật thực toàn phần hiếm hoi khiến bầu trời tối đen. Trên hết, Mặt Trời cũng đang tiến gần đến đỉnh điểm của chu kỳ từ trường 11 năm (11-year magnetic cycle), làm tăng khả năng xảy ra bão Mặt Trời.

Tại sao cứ 4 năm lại có một năm nhuận?

Theo NASA, năm nhuận xảy ra do "sự không khớp giữa năm dương lịch và quỹ đạo Trái Đất".

Trái Đất phải mất 365,2422 ngày (365 ngày 5 giờ 49 phút và 12 giây) để hoàn thành một vòng quanh Mặt Trời. Điều đó có nghĩa là mỗi năm có 365 ngày thông thường sẽ thiếu khoảng một phần tư ngày so với quỹ đạo.

Năm nhuận gần đây nhất là năm 2020, vì vậy năm 2024 cũng là năm nhuận và có ngày 29/2.

Chúng ta không thể thêm một phần tư ngày này vào mỗi năm và Trái Đất đơn giản là không thể quay nhanh hơn nữa để bù đắp cho độ trễ của lịch, do đó, cần có năm nhuận.

Con người đã khám phá và giải thích sự khác biệt giữa quỹ đạo Trái Đất và độ dài của một năm từ thời Ai Cập cổ đại. Truyền thống về ngày nhuận hiện nay có thể bắt nguồn từ Giáo hoàng Gregory vào những năm 1500, người đã sửa lại nỗ lực trước đó về lịch năm nhuận do Julius Caesar thực hiện.

Thông thường cứ 4 năm lại có một năm nhuận. Thế nhưng, một quỹ đạo hoàn chỉnh quanh Mặt Trời mất 365,2422 ngày chứ không phải 365,25 ngày. Vì vậy, nếu cứ 4 năm chúng ta lại có năm nhuận thì lịch sẽ không ổn định trong một khoảng thời gian dài.

Điều này xảy ra với lịch của Julius Caesar, bộ lịch duy trì cứ 4 năm lại có một năm nhuận. Lịch này dường như hoạt động tốt trong vài thế kỷ, nhưng sau đó các mùa bắt đầu bị lệch so với ngày tháng dương lịch.

Giáo hoàng Gregory đã cố gắng khắc phục vấn đề này trong bộ lịch mới bằng cách tạo ra những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi.

National Geographic giải thích cách tính các trường hợp đặc biệt như sau: "Nếu năm chia hết cho 100 và không chia hết cho 400 thì không được tính là năm nhuận".

Vì vậy, năm 2000 là năm nhuận, nhưng 1900, 2100 không phải là năm nhuận.

Trần Huyền

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/nhung-nguoi-co-ngay-sinh-hiem-292-se-to-chuc-sinh-nhat-the-nao-20240229095132423.htm