Những người Afghanistan sơ tán đầu tiên đến Đức

Những người Afghanistan sơ tán đầu tiên đã đến căn cứ không quân Ramstein ở Đức, sau một tuần chìm trong hỗn loạn tại sân bay thủ đô Kabul.

Một bé gái mặc váy đính kim sa, đi đôi giày thể thao nở nụ cười rạng rỡ khi máy bay đáp xuống căn cứ không quân Mỹ Ramstein, ở tây nam nước Đức, hôm 20/8.

Cô bé là một trong số hơn 2.000 người may mắn, được sơ tán từ sân bay Kabul giữa lúc đám đông chen lấn xô đẩy để tìm cách thoát khỏi Afghanistan sau khi Taliban tái chiếm.

Trong vòng 10 phút sau khi chiếc máy bay khổng lồ C-17 Globemaster hạ cánh xuống Ramstein, dù mệt mỏi, nhiều hành khách không giấu được sự vui mừng, bước lên xe buýt để đi đến trung tâm căn cứ.

Giờ đây, họ chính thức vào một thế giới mới, cách xa khung cảnh hỗn loạn và bạo lực tại sân bay Kabul, CNN đưa tin.

Hôm 19/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này đang thực hiện "một trong những vụ vận chuyển hàng không lớn nhất, khó khăn nhất trong lịch sử". Ông cũng thừa nhận rằng bất chấp sự hiện diện của hàng nghìn lính Mỹ tại sân bay Kabul, tình hình vẫn rất nguy hiểm.

Quân đội Mỹ hy vọng sẽ sơ tán 5.000 đến 9.000 người mỗi ngày, nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa đạt được mục tiêu đó.

Một nhóm người Afghanistan rời máy bay C-17 Globemaster đến trung tâm căn cứ không quân Ramstein, Đức. Ảnh: Không quân Mỹ.

Nơi trú tạm thời

Ramstein là một trong những căn cứ hàng không lớn nhất của Mỹ bên ngoài nước này, và hiện được chuyển thành điểm trung chuyển tạm thời cho những người sơ tán.

Tại căn cứ không quân Ramstein, người sơ tán sẽ ở lại khoảng 48-72 giờ, Chuẩn tướng Josh Olson nói với CNN. Ông cho biết thêm theo thỏa thuận giữa Mỹ - Đức, họ sẽ không ở lại quá 10 ngày.

Ramstein có sức chứa 5.000 người. Tuy nhiên, với tần suất cứ 90 phút có một chuyến bay đến, không gian căn cứ đang ngày càng chật hẹp. Ông Olson cho biết các binh sĩ đang dựng thêm lều để làm nơi ở 2.500 người di tản khác.

Tại đây, các khu sinh hoạt sẽ được phân tách theo giới tính. Phụ nữ và trẻ em ở khu lều dựng bên trong nhà chứa máy bay, trong khi nam giới ở bên ngoài. Một số nhà thờ Hồi giáo sẽ được dựng tạm với lối vào riêng biệt cho nam và nữ.

Bên trong lều có dây cáp điện màu vàng, cho phép người sơ tán sạc điện thoại của mình. Những người mới đến sẽ thường tụ tập quanh các ổ điện này và kiểm tra di động, gọi điện cho người thân sau những ngày tháng kinh hoàng ở Afghanistan.

Trong số những người di tản, Hammed Kamal (31 tuổi) là người Mỹ đến Kabul để làm công việc phiên dịch và kết hôn.

Mới chỉ trước đó một tuần, hôm 14/8, Kamal còn tận hưởng hạnh phúc trong đám cưới của mình. Thế nhưng, niềm vui chưa kịp trọn vẹn, anh đã phải cấp tốc đưa vợ và gia đình đến sân bay.

Họ bị tách khỏi nhau trong đám đông chen lấn giữa lúc hỗn loạn. “Tôi chỉ có thể kéo cha và em gái mình qua cổng", anh nói với CNN.

Vợ và những thành viên khác trong gia đình Kamal vẫn đang mắc kẹt tại Kabul. “Họ an toàn, nhưng sợ hãi”, Kamal nói và cho biết anh đã liên lạc được với họ khi máy bay hạ cánh xuống Ramstein.

Binh lính hỗ trợ người sơ tán ổn định tại căn cứ không quân Ramstein, Đức. Ảnh: PA.

Cả Kamal và anh trai đều làm công việc phiên dịch, còn cha anh là đại tá trong quân đội Afghanistan. Họ sợ Taliban sẽ nhắm vào họ. Và mặc dù biết ơn nỗ lực sơ tán của chính phủ, anh cho biết tiến độ sơ tán vẫn còn quá chậm.

Tại Kabul, vẫn còn hàng nghìn người đang sống trong cảnh thấp thỏm, hy vọng tìm kiếm được một chỗ ngồi trên chuyến bay như Kamal.

Biến động tại sân bay Kabul

Chính quyền các nước cùng tổ chức phi chính phủ đã chạy đua với thời gian để đưa người đang gặp nguy hiểm rời khỏi Afghanistan. Thế nhưng, bất chấp nỗ lực ấy, nhiều người vẫn đang kẹt lại tại Kabul cùng với nỗi thất vọng.

Tệ hơn nữa, một số người còn bị Taliban đánh đập khi cố gắng chạy trốn khỏi Afghanistan. Các báo cáo cho biết các tay súng đã lập trạm kiểm soát và chốt chặn bên ngoài sân bay khiến hàng nghìn người không thể vào bên trong.

Thậm chí cho dù đã vào tới nhà ga, sự hỗn loạn khiến họ có rất ít cơ hội được lên máy bay.

Một số vụ đối đầu bạo lực đã xảy ra bên ngoài sân bay giữa binh lính Taliban và dân thường.

Trong khi đó, Mullah Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập phong trào Taliban, đã đến Kabul từ Kandahar ở miền Nam Afghanistan, theo bài đăng trên Twitter hôm 21/8.

Trong bối cảnh các thủ lĩnh Taliban lần đầu tập hợp tại thủ đô Afghanistan, Đại sứ quán Mỹ đã cảnh báo công dân nước này nên tránh xa sân bay ở thủ đô vì "các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn bên ngoài".

Tất cả cổng dẫn vào sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul - nơi đang diễn ra các hoạt động di tản của nước ngoài - sau đó bị đóng cửa vì "tình hình nguy hiểm", New York Times đưa tin.

Người dân Afghanistan tập trung trên một đoạn đường gần khu vực quân sự của sân bay ở Kabul vào ngày 20/8, với hy vọng chạy trốn khỏi đất nước sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan. Ảnh: AFP.

Theo CNN, một nguồn thạo tin cho biết số lượng người tại sân bay là 14.000 người. Tuy nhiên, con số do các nhân viên quản lý mặt đất đưa ra có thể thường xuyên thay đổi giữa lúc hỗn loạn như hiện nay.

Nguồn tin cho biết thêm các máy bay đang đến Qatar và có thể là Hungary. Kuwait cũng đã đồng ý chấp nhận những người xin thị thực nhập cư đặc biệt, miễn đích đến cuối cùng của họ là Mỹ.

Trong hôm 20/8, quân đội Mỹ đã sơ tán khoảng 3.800 người trên 6 máy bay C-17 và 32 máy bay thuê từ sân bay Kabul, Tướng Hank Taylor, phó giám đốc tham mưu liên quân phụ trách các hoạt động khu vực, cho biết

Kể từ ngày 14/8, 17.000 người đã được sơ tán, trong số đó, 2.500 là công dân Mỹ, ông Taylor nói. Ông cho biết thêm các máy bay quân sự C-17 hiện "di chuyển giữa Qatar và Đức".

Bé gái được bế qua bức tường để vào sân bay Kabul Từ đám đông đang chen lấn bên ngoài sân bay Kabul hôm 19/8, một bé gái được nhấc lên qua bức tường cao và được một người lính Mỹ đỡ lấy.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-afghanistan-so-tan-dau-tien-den-duc-post1253831.html