'Những ngọn gió Hua Tát'

Hua Tát là một bản của xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn có 120 hộ, 681 nhân khẩu, nơi sinh sống chủ yếu của bà con đồng bào dân tộc Thái. Bản nhỏ nằm 'trong thung lũng hẹp và dài, ba bề bốn bên là núi cao bao bọc', thung lũng Hua Tát, nơi ông giáo Nguyễn Huy Thiệp từng giảng dạy khi lên Tây Bắc.

Lật lại từng trang sách trong tập truyện ngắn “Những ngọn gió Hua Tát” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi vẫn thấy hình ảnh bà con đồng bào dân tộc Thái bình dị, đời thường, nhưng Hua Tát giờ đã đổi khác khi có điện, đường giao thông đi lại thuận lợi hơn. Đặc biệt, những diện tích được quy hoạch trồng rừng tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã gieo niềm tin, hy vọng, tạo thêm nguồn sinh kế cho bà con địa phương và đây sẽ trở thành điểm du lịch tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, gắn với chuỗi du lịch Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi…

Huy động nhân dân tham gia trồng rừng tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại bản Hua Tát, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Sáng kiến trồng rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được khởi xướng bởi vợ chồng nhà giáo Nguyễn Nguyệt Cầm và Peter Zinoman, Giáo sư sử học tại Đại học Úc Berkeley, Hoa Kỳ. Chi phí thực hiện dự án đã gây quỹ được trên 100 triệu đồng qua việc bán đấu giá bản in đầu tiên cuốn sách đầu tay của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm "Tướng về hưu’’. Bản in còn lưu lại chữ ký từ tác giả lúc sinh thời, được quyên tặng bởi họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà sưu tập sách Nguyễn Duy Cường (Sách Vipen).

Với số tiền quyên góp ủng hộ của những người yêu văn chương, Công ty TNHH Xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với nhóm giảng viên bộ môn Ngữ văn, Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Tây Bắc đã quyết định chọn bản Hua Tát để thực hiện dự án này. Đây là nơi gắn liền sự nghiệp văn chương và cuộc đời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. 10 năm sinh sống tại đây, ông đã sáng tác nhiều truyện ngắn và sau này được tập hợp xuất bản dưới tên “Những ngọn gió Hua Tát’’.

Người dân bản Hua Tát, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn trồng rừng mắc ca tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Ông Phạm Bá Tính, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, cho biết: Ngay khi tiếp nhận thông tin dự án tài trợ trồng rừng tại bản Hua Tát, xã đã tuyên truyền, vận động các hộ tham gia dự án trồng tập trung, liền vùng, liền khoảnh để dễ chăm sóc, thu hái; áp dụng quy trình trồng chăm sóc an toàn, bảo vệ môi trường, sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Mắc ca là giống cây công nghiệp dài ngày, thời gian thu hoạch tới 45 năm, cây tếch và trám đen được trồng xen sẽ tạo lớp che chắn bảo vệ cây mắc ca khỏi gió, bão, sương muối... Các hộ tham gia dự án được tài trợ cây giống, hỗ trợ phân bón, được doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và tư vấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Dự án không chỉ tái tạo lại rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước cho bản, tạo thu nhập bền vững cho người dân từ rừng bằng cây lâm nghiệp đa mục tiêu.

Ông Lò Văn Phường, Phó trưởng bản Hua Tát, chia sẻ: Triển khai Dự án trồng rừng tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, bản đã họp dân, vận động 13 hộ đăng ký tham gia trồng 9,7 ha. Qua tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, các hộ dân trong bản đã đổi công, giúp đỡ nhau đào hố, hoàn thành trồng rừng xong trước mùa mưa, hiện nay cây trồng phát triển tốt, tỷ lệ sống gần như tuyệt đối.

Tham gia trồng gần 1,4 ha rừng sản xuất, gia đình ông Lò Văn Chanh là một trong những hộ có diện tích trồng rừng nhiều nhất bản. Ông Chanh cho biết: Qua tham quan học tập một số mô hình, gia đình tôi cũng muốn trồng cây mắc ca và được dự án kết nối với doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, ký hợp đồng dài hạn thu mua sản phẩm, gia đình rất phấn khởi, yên tâm sản xuất.

Còn ông Lò Văn Ùn trồng hơn 1,3 ha cây mắc ca, tỷ lệ sống đạt trên 95%. Ông Ùn cho biết: Nhờ được tập huấn, hướng dẫn chăm sóc mắc ca theo từng giai đoạn phát triển của cây. Mắc ca dễ sống, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện, mắc ca chưa khép tán, gia đình vẫn đang tận dụng trồng xen cây ngắn ngày như: Ngô, sắn để tăng nhu nhập cho gia đình.

Nhân dân bản Hua Tát kiểm tra rừng trồng mắc ca sau hơn 1 tháng trồng.

Từ những tấm lòng của các tổ chức, cá nhân và các hộ dân dành cho Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tin tưởng những cánh rừng ở bản Hua Tát sẽ ngày càng phát triển, góp phần bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho người dân và nâng cao giá trị du lịch văn hóa cho địa phương.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhung-ngon-gio-hua-tat-53942