Những 'ngọn đèn' trên núi

PTĐT - Nhiệt tình, tâm huyết trong công việc của thôn, bản; nhẹ nhàng, khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và làm theo chủ trương của Đảng...

Xưởng chế biến gỗ bóc của gia đình Bí thư Chi bộ Đặng Đình Điện tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

PTĐT - Nhiệt tình, tâm huyết trong công việc của thôn, bản; nhẹ nhàng, khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và làm theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những đảng viên người Dao “hai giỏi” đã trở thành những cánh tay nối dài ở cơ sở, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, trở thành những “ngọn đèn” trên núi cao.

Rễ siêng nơi đất nghèo

Dáng người nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, giọng nói hoạt bát cùng nụ cười hiền từ là những ấn tượng đầu tiên về Bí thư Chi bộ Phùng Sinh Quyền ở khu Lóng, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn. Không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn năng nổ, nhiệt tình, đầu tàu gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động ở địa phương... những việc làm của ông Quyền đã góp phần không nhỏ làm thay đổi cả những suy nghĩ vốn cũ kỹ, lạc hậu, ăn sâu trong tiềm thức của người Dao nơi đây. Bằng nhiệt huyết của mình, ông đã vận động được các gia đình người Dao bỏ lối sống du canh du cư, chuyển về sinh sống tập trung ở khu tái định cư nơi thượng nguồn suối Lóng, đồng thời hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống.
Ông Quyền tâm sự: “Trong thực hiện các phong trào, không có cách tuyên truyền, vận động nào hiệu quả bằng đảng viên đi đầu, làm trước. Nếu mình không tạo được niềm tin cho người dân, không làm gương, nêu gương thì sẽ không thể nào lãnh đạo, chỉ đạo người khác được. Là đảng viên, Bí thư Chi bộ, tôi hiểu mình phải là hạt nhân gắn kết vừa tập hợp, đoàn kết được khối thống nhất trong nhân dân, vừa phải tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng chính sách, chủ trương, pháp luật, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên, nhân dân thực hiện nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội địa phương”.Theo lời kể của đồng chí Quyền, cùng với mấy hộ đồng bào dân tộc Dao, ông bà thân sinh ra ông hạ sơn về định cư nơi thung lũng thượng nguồn suối Lóng cách đây đã ngót thế kỷ. Thời điểm bấy giờ người Dao không mấy khi ở cố định lâu dài do cuộc sống chủ yếu dựa vào các hoạt động săn bắn, khai thác lâm sản theo cách “chặt gốc ăn ngọn” đến khi tài nguyên rừng khan hiếm, cạn kiệt thì lại chuyển sang khu vực khác. Sau năm 1980, đồng chí Quyền cùng gia đình dựng nhà lập nghiệp trên nền đất cũ ven suối Lóng. Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, thực hiện chủ trương giao đất giao rừng, cán bộ vào vận động người dân nhận đất lâm nghiệp để sản xuất, lúc bấy giờ khu Lóng mới có vỏn vẹn 10 gia đình đồng bào Dao sinh sống, bà con nghi ngại chẳng mấy người dám nhận. Dẫu chưa phải cán bộ nhưng khi đó ông Quyền là người có trình độ học vấn cao nhất, là đối tượng cảm tình Đảng nên gương mẫu đứng ra nhận 5ha. Thời gian đầu do chưa có định hướng và tìm hiểu phát triển kinh tế đồi rừng, đất nhận về chỉ để tỉa cây lấy củi và thu hoạch măng nứa. Đến năm 1997, sau nhiều lần về thăm quê Văn Chấn, thấy người quen giàu lên nhờ trồng quế, ông cũng mày mò học hỏi kinh nghiệm trồng quế rồi mua cây quế giống về trồng thử trên đất Thạch Kiệt. Không những thế, quyết chí làm giàu, ông làm thủ tục vay ngân hàng mua bò cái về chăm bẵm. 7 năm sau, ông đã có 15 con bò và 11 con trâu. Đồi quế sau nhà cũng đến kỳ cho thu hoạch, số tiền thu về cao hơn hẳn các loại cây trồng khác khiến ông quyết định bán toàn bộ trâu bò, chuyên tâm đầu tư mở rộng diện tích trồng quế. Vừa trồng quế vừa học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc, chặt tỉa bán đến đâu lại đầu tư mua thêm đất lâm nghiệp, mở rộng diện tích canh tác đến đấy. Đất không phụ công người, công sức vợ chồng ông bỏ ra suốt bao năm đã được đền đáp, hiện gia đình ông sở hữu gần 23ha quế, trong đó khoảng 40.000 cây có thể cho thu hoạch, số tiền bán quế thu về ước hơn 20 tỷ đồng/chu kỳ. Với người dân rẻo cao, không gì thuyết phục hơn thực tế mắt thấy, tai nghe. Cùng với Chi ủy điều hành, lãnh đạo thực hiện tốt các mặt công tác của Chi bộ, được cấp trên đánh giá cao, trong mọi công việc, Bí thư Quyền đều lên ý tưởng, đưa ra họp bàn dân chủ, công khai trước Chi bộ, trước dân bản để xin ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất. Cũng chính ông là người vận động cán bộ, đảng viên, người dân trong bản chuyển đổi đất rừng cây lâm nghiệp sang trồng quế. Học theo ông, giờ đây ở Lóng (nơi sinh sống tập trung của hơn 60 hộ đồng bào dân tộc Dao, Mường) gia đình nào cũng học hỏi nhau cách trồng quế, nhiều hộ có từ 3-5ha... Việc phát triển kinh tế đồi rừng từ trồng quế của Bí thư Quyền và bà con bản Dao, bản Mường nơi thượng nguồn suối Lóng còn được xã xây dựng, ban hành thành đề án phát triển, nhân rộng ra địa bàn toàn xã.

Bí thư Chi bộ Phùng Sinh Quyền (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với người dân kế hoạch trồng rừng đầu năm.

Người dẫn đường trên núi Đền

Cũng là một trong những điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế và vận động bà con làm theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Bí thư Chi bộ Đặng Đình Điện ở bản Hạ Thành, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn luôn được bà con địa phương quý mến, nể phục bởi là người hết lòng vì dân. Năm 1980, ông vinh dự là người Dao đầu tiên ở bản Hạ Thành được kết nạp Đảng, từ đó đến nay, Bí thư Đặng Đình Điện cùng với Chi bộ phát hiện, bồi dưỡng kết nạp thêm 17 đảng viên người Dao. Với vai trò là đảng viên, Bí thư Chi bộ, ông Điện không nề hà bất cứ việc gì. Dù công việc gia đình bề bộn nhưng đồng chí luôn dành phần lớn thời gian để giải quyết công việc trong làng, trong bản, từ việc ốm đau, bệnh tật, thiếu đói, thiếu đất sản xuất của các hộ dân đến hướng dẫn, đưa kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất; tuyên truyền người dân bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Dao; giữ vững an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa mới…

Bí thư Chi bộ Đặng Đình Điện

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng khang trang cạnh xưởng chế biến gỗ cùng khu trang trại trồng cây ăn quả, thả cá và hệ thống chuồng trại nuôi bò 3B theo hướng hiện đại của gia đình, Bí thư Điện không quên nhắc lại những ngày tháng đầy gian khó của hơn 50 năm về trước, khi gia đình ông cùng những hộ người Dao đầu tiên từ trên ngọn núi cao của dãy Lùng Bương (xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn) “hạ sơn” về lập bản Hạ Thành dưới chân núi Đền của xã Tân Lập. Theo ông Điện, hồi ấy khu vực này còn hoang vu lắm, từ trung tâm xã vào Hạ Thành phải đi bộ, lội suối, luồn rừng cả tiếng đồng hồ. Những năm 1980, đảng viên trẻ Đặng Đình Điện là người tiên phong phát động phong trào khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, chăn nuôi trâu bò, đồng thời cũng là người đầu tiên đưa giống lúa lai, mía tím, bưởi Diễn, chanh, cam Canh, ổi, đưa giống bò 3B… về nuôi, trồng trên đất bản Dao. Những việc đồng chí Điện làm đã kéo phong trào cấy 2 vụ lúa, trồng cây ăn quả, cây mía tím của Tân Lập đi lên. Bí thư Điện cho hay: Người Dao có câu “Chảm mài kềm lải mài miền” (ở đâu có rừng ở đó có người Dao), chính vì thế, rời xa những dãy núi cao, rời xa tập quán sống du canh, du cư với người Dao không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng với sự quyết đoán, từ những hộ đầu tiên hạ sơn ổn định sản xuất và an cư, sau hơn 50 năm, bản Dao Hạ Thành giờ đã có 117 nóc nhà với hơn 500 nhân khẩu. Từ chỗ năng suất lúa chỉ đạt 60kg/sào, đến nay đã tăng lên 200kg/sào. Giờ đây, ngoài giống lúa lai, người dân bản Dao bắt đầu đưa các giống lúa chất lượng cao, lúa nếp đặc sản vào gieo trồng; các đồi bưởi, vườn chanh, ruộng mía, rừng cây nguyên liệu, nuôi bò 3B… đến kỳ thu hoạch đã có hộ đứng ra thu mua đưa về Hà Nội tiêu thụ. Ngoài nhà ông Điện, bản Dao Hạ Thành có thêm nhiều nhà mở xưởng chế biến gỗ, chế biến tinh bột sắn, thu mua nông sản của người dân trong vùng xuất bán về xuôi.

Toàn tỉnh hiện có 562 người được bình bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó hơn 300 người là đảng viên, hiện đang giữ chức vụ Trưởng khu, Bí thư Chi bộ hoặc tương đương. Đồng bào nơi rẻo cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh luôn dành cho họ tình cảm yêu mến, kính trọng không chỉ vì họ là đảng viên gương mẫu, Bí thư Chi bộ mẫn cán, Trưởng thôn năng động, nhiệt tình mà họ còn là người bạn thân thiết, sẵn sàng chia sẻ với những vất vả của bà con...

Không chỉ nêu gương, dẫn dắt đồng bào làm kinh tế, Bí thư Đặng Đình Điện còn giỏi làm công tác dân vận. Để vận động người dân hưởng ứng phong trào nhà sạch - vườn đẹp, chính gia đình Bí thư Điện đi đầu, bản thân đồng chí còn đến tận từng hộ dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cùng với người dân trồng từng cây hoa, phát từng vườn tạp để trồng cây ăn quả. Bí thư cũng tiên phong vận động bà con xóa bỏ các tập tục không còn phù hợp để xây dựng nếp sống văn hóa mới, vận động người dân tự giác giao nộp súng săn tự chế; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Với sự khuyến khích, động viên của Bí thư Điện, nhiều đảng viên trong chi bộ đã làm gương trong các phong trào. “Tôi vẫn luôn tâm niệm “Phong trào quần chúng tốt hay không là ở người cán bộ”, vì vậy, mỗi người cán bộ, đảng viên càng phải gương mẫu, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy. Nêu gương phải từ chính hành động, ý thức của bản thân, gia đình đến các phong trào chung của xã hội. Đồng thời, phải sâu sát, minh bạch trong mọi việc; phát huy dân chủ, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” - Bí thư Điện bộc bạch.Trên đây chỉ là 2 con người cụ thể với những việc làm cụ thể, trên thực tế ở nhiều nơi khác vẫn còn biết bao tấm gương đi đầu của cán bộ, đảng viên đã thực sự trở thành những ngọn đèn trên đỉnh núi cao, là nguồn động lực khơi dậy tinh thần đoàn kết, sức mạnh cộng đồng, là sự thường xuyên trăn trở, nghĩ suy làm sao để góp phần đưa đời sống đồng bào ngày càng phát triển, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, hòa nhịp vào bước tiến chung của cộng đồng các dân tộc trên quê hương Đất Tổ. Chính sách cơ bản là giống nhau nhưng để tạo nên sự khác biệt thì điều quyết định chính là những con người, những đảng viên, những cán bộ ưu tú đầu tầu như thế.

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202105/nhung-ngon-den-tren-nui-176984