Những ngày tết xưa

Những ngày cuối năm, trời đã bắt đầu lạnh. Sáng sớm, sương mù giăng kín lối, giăng lên cả cánh đồng vừa mới gặt, trơ trọi gốc rạ. Con đường len lỏi uốn lượn xuyên qua đồng, như xuyên qua màn sương mù, mờ ảo.

Ở miền Tây quê tôi, nếu nói về Tết, trong lòng tôi luôn bắt đầu từ những ngày gió bấc về. Sự khác biệt rõ rệt về thời tiết như đặt một dấu mốc cho sự chuyển mình của đất trời. Mùa xuân chầm chậm đến. Trước khi rực rỡ hoa mai, hoa cúc, những khóm hoa dại ven đường được dịp rung rinh đùa vui trong gió, vươn mình đón nắng.

Nhà tôi sống gần sông cái, trên đầu Vàm, mặt sông rộng mênh mông là nước. Lấp lánh dưới ánh mặt trời, gợn đều theo từng cơn sóng nước là mấy cái phao người ta đặt lưới bắt cá. Đêm đến, gió thổi sau nhà, tàu lá chuối cọ vào nhau xào xạc. Phía dưới mặt sông cũng đẹp choáng ngợp không kém, người ta đặt lưới bắt cá ban đêm, lênh đênh trên những chiếc phao là những ánh đèn đầy màu sắc.

Con sông gắn với tuổi thơ của tác giả

Có nhiều lần, tôi tỉnh giấc vào lúc ba, bốn giờ sáng. Trong đêm tối vẫn còn tĩnh mịch, ánh mặt trời vẫn chưa thay thế các vì sao, tôi nghe được tiếng xuồng máy chạy. Âm thanh càng lúc càng nhỏ dần, chiếc xuồng mỗi lúc một đi ra xa. Người ta thức sớm đi kéo lưới hay giăng lưới bắt cá, để trời vừa sáng là kịp họp chợ. Tiếng xuồng máy, tiếng xe máy chạy lúc sáng tinh mơ, tiếng rao hàng lúc ban trưa….

Âm thanh chỉ vừa mới nghe đây thôi, cứ nhỏ dần, nhỏ dần, người cũng đi xa dần. Những âm thanh ấy cứ luôn làm tôi day dứt suy nghĩ mãi về việc mưu sinh. Những đứa trẻ xóm tôi trước đây rồi cũng trưởng thành, dần dần rời khỏi xóm nhỏ thân thương bên bờ sông ra "biển lớn", bước vào con đường mưu sinh ấy.

Có đứa ở quê làm việc, có đứa mỗi năm tết đến mới gặp lại được một lần. Có người con xa quê, mỗi cái tết đi qua, dường như cơ hội trở về nơi chốn cũ, trở về với gia đình mỗi lúc một ít lại. Không chỉ do hoàn cảnh khác nhau, mà cũng có thể do người nơi đó vốn không còn, có về cũng chẳng gặp.

Trở lại với cái chợ đầu sông quê tôi, mùa này cá nhiều. Những con cá đang quẫy mình hòa cùng tiếng người đang cười nói. Tranh thủ mua cá về ủ mắm thường là vào thời điểm này. Mẹ tôi cũng vậy, mẹ mua cả chục ký cá, bỏ hết chúng vào một cái thau to tướng, thêm muối vào rồi trộn đều.

Mùi của cá hòa với mùi của muối, bay nhè nhẹ trong không khí, có chút tanh nồng, có chút thơm thơm của mấy cái vảy cá. Thật khó để diễn tả, nhưng đó là một mùi vị thân thuộc, không dễ gì bây giờ có thể bắt gặp. Trộn lẫn trong đó có mấy con cá lớn, mẹ tôi mần sạch rồi đem phơi khô, để tết ăn dần.

Cái chợ tết ngày 28, 29 nhộn nhịp hẳn. Mẹ mua nào là trái cây, nào là bông cúc, vạn thọ, đầy cả giỏ, tôi khệ nệ ôm hai trái dưa hấu to tướng. Rồi mẹ mua thêm ít thịt heo, vài cái trứng đem về nấu nồi thịt kho hột vịt. Nồi thịt kho màu vàng ươm, thơm lừng khắp bếp. Kho thịt xong, sẵn còn củi lửa, mẹ sên thêm một chảo mứt dừa, rồi tôi phụ mẹ chưng mâm ngũ quả.

Tôi lấy bao lì xì, thiệp chúc tết, mấy đồ trang trí nho nhỏ đem treo lên bình bông mai đặt trên bàn. Cành mai được ba tôi chặt ở ngoài vườn đem vào. Tôi luôn dành cho bình mai đó một sự trang trọng, nâng niu nhất vì nó được đặt giữa nhà, khách đến chơi là sẽ gặp. Nhưng chỉ vài ngày sau, bông rụng hết, mấy đồ trang trí vẫn còn treo tòn ten.

Rồi thời gian cứ trôi, mọi thứ thay đổi, cuộc sống thì vẫn cứ tiếp diễn. Vì ở gần đầu sông lớn, đất lở, cái chợ lúc trước không còn, người cũng dần dần đi nơi khác sinh sống. Chợ bây giờ có quy mô nhỏ hơn, xa chỗ cũ, cũng ít người đi hơn, cá cũng không nhiều như trước, người ta cũng ít mua cá về ủ mắm.

Tôi cũng không còn ở nơi đó nữa, nơi đầu sông mặt nước lấp lánh, gần đó là cái chợ nhộn nhịp lao xao, nơi gắn bó với tôi cũng đã hơn hai mươi lăm năm trời.

Tuy không còn cái chợ tết ngày xưa, cảnh vật hay con người có ít nhiều đổi thay, có những thứ thậm chí đã không còn, nhưng tết vẫn là tết. Bao thế hệ qua đi, tết vốn là tết đoàn viên, con cháu tụ họp mừng tuổi ông bà cha mẹ, tưởng nhớ ơn trên đã cho một năm đủ đầy, êm ấm. Mọi người gặp nhau, vui vẻ nói cười, chúc nhau câu chúc đầu năm gặp nhiều may mắn, trẻ con mừng vui nhận lì xì, ăn bánh mứt. Đơn giản nhưng đủ đầy tình thân. Từ trước đến nay, tết đối với tôi như thế đã là đủ rồi.

Cho dù có ở nơi đâu, làm gì, trong tâm thức của mỗi người, tết vẫn luôn được mong chờ, mãi không thể nào thay thế được, có phải không?

TRẦN HUYỀN TRÂN

Email: traan8161@gmail.com

Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-ngay-tet-xua-post728484.html