Những năm tháng không quên

BPO - Mười lăm năm trước, tôi lúc đó vừa đôi mươi đã theo chồng về xứ khác. Nhà chồng tôi nằm sâu hút trong bưng rạch nước ròng nước lớn, cảnh buồn còn hơn bài hát, còn con đường dẫn vào xóm thì chiều ngang chỉ vừa một chiếc xe máy chạy qua.

Lạ nước lạ cái, chồng lại đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về, mà người nhà chồng lại khó gần nên tôi không thể trò chuyện được với ai. Cứ lủi thủi làm công việc nhà quần quật từ sáng đến chiều nhưng vì dâu mới nên không tránh khỏi vài lúc “cơm không lành, canh không ngọt”. Những lúc buồn tủi tôi chỉ biết vào phòng khóc thầm một mình.

Được một thời gian thì có Mỹ thường hay tới chơi. Mỹ là con dâu của bác hàng xóm nhà chồng tôi, cũng giống như tôi từ xứ khác gả về đây giờ đã có đứa con trai nhỏ. Những buổi trưa buồn tẻ trống trải, Mỹ thường dắt con trai đến nhà chồng tôi chơi. Chẳng biết có phải vì đồng cảnh ngộ lấy chồng xa xứ mà chúng tôi nói chuyện rất hợp, nhanh chóng quen thân. Những lần má chồng sai đi chợ, tôi thường nhờ Mỹ vì chưa biết chạy xe máy.

Mỹ dạy tôi nấu vài món ăn quê chồng và mách nhỏ tính cách từng người trong nhà chồng để tôi biết những chuyện nên làm, điều gì nên tránh. Mỹ bảo lúc mới gả về xứ này, Mỹ không khác tôi là bao. Cũng muôn thuở chuyện ba má chồng - nàng dâu và em chồng thì nặng nhẹ, khó dễ.

Có Mỹ bầu bạn, tôi cảm thấy những ngày làm dâu có chút khuây khỏa, nhẹ lòng. Ít nhất những lúc ấm ức, tủi thân có người đồng cảm với mình. Người ta thường nói khi nỗi buồn được chia sẻ thì nỗi buồn sẽ vơi đi.

Gần 1 năm sau ngày cưới thì tôi có thai. Mang con đầu lòng, tôi nghén rất khổ sở, gần như chẳng ăn uống được gì. Nhà mẹ đẻ ở xa nên không có ai chăm sóc, tôi xanh xao, yếu ớt mà vẫn phải đảm đương hết việc nhà.

Những lúc đó, sau khi làm xong việc nhà chồng, Mỹ ngày nào cũng dành thời gian qua thăm tôi. Mỹ kể, hồi mang thai thằng cu, Mỹ cũng vậy. Nghe mùi gì khó chịu là ói ra mật xanh mật vàng. Mỹ xuống bếp nấu cháo, tìm những món ít mùi và thanh đạm cho tôi ăn. Mỹ đã săn sóc tôi như một người chị gái.

Ngày tôi trở dạ được đưa đi viện, Mỹ cũng đi theo cùng để giữ đồ cho tôi lúc sinh. Sinh xong, nhà chồng không đồng ý cho tôi về nhà mẹ đẻ. Ngoài chồng mỗi tối chăm sóc, ban ngày tôi chỉ một thân một mình. Thời gian tôi ở cữ, má chồng nấu cơm, làm việc nhà nhưng quần áo, tã lót của con tôi phải tự giặt. Mỹ sang thăm tôi nhìn thấy, mau mau bảo tôi nằm nghỉ. Mỹ căn dặn rằng đàn bà mới sinh như con cua lột xác, bước xuống giường sớm làm việc sẽ dễ dẫn đến hậu sản. Một tay Mỹ giặt đồ rồi tắm cho con gái tôi. Thấy đồ ăn má chồng nấu đơn điệu, khô khan, Mỹ đi chợ mua xương, mua rau củ hầm cho tôi ăn có sữa mà cho con bú.

Với tôi, Mỹ vừa là bạn vừa là người tôi mang ơn. Từ bên cạnh chia sẻ những buồn vui, Mỹ còn tận tình chăm sóc khi tôi ở trong hoàn cảnh yếu ớt nhất. Cứ tưởng chúng tôi sẽ mãi ở cạnh nhau nhưng đời ai biết đâu chữ ngờ.

Hôn nhân tan vỡ, Mỹ về nhà mẹ đẻ rồi không biết đã trôi dạt phương nào. Tôi sau đó cũng ra ở riêng rồi nhiều lần thay đổi chỗ ở. Mỗi người đều có hoàn cảnh, ít nhiều bi đát nên chúng tôi không còn giữ được liên lạc để hỏi thăm cuộc sống của nhau. Nhưng dù thời gian đã qua bao lâu, Mỹ vẫn luôn là người bạn mà tôi không thể nào quên được. Dù không hẳn là cứu vớt nhưng Mỹ là một trong số ít người đã đưa tay nâng đỡ tôi vào những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời.

Kha Nguyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/155982/nhung-nam-thang-khong-quen