Những mối tình trong truyện Stefan Zweig lên màn bạc

Nhiều độc giả rơi nước mắt khi đọc 'Trái tim nôn nóng', 'Bức thư của người đàn bà không quen' hoặc xem phim chuyển thể từ những tác phẩm này.

Bữa tiệc thị giác

Nhà văn Áo Stefan Zweig (1881-1942) là một trong những tác giả có nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn được chuyển thể thành phim điện ảnh và truyền hình nhất thế giới với hơn 20 tác phẩm.

Các mô tả của Stefan Zweig rất phong phú về mặt hình ảnh thị giác và hầu hết xung đột kịch tính trong tác phẩm dường như được viết đặc biệt cho màn bạc. Trong cuốn tự truyện của mình, ông viết: “Thời gian cung cấp hình ảnh, tôi chỉ thêm từ ngữ”.

Trong những năm 1920 và 1930, Zweig là một trong những nhà văn nổi tiếng và có nhiều tác phẩm được dịch nhất trên thế giới. Tự truyện The World from Yesterday: Memories of a European (tạm dịch: Thế giới hôm qua: Hồi ức của một người châu Âu) được đánh giá là cuốn sách quan trọng bậc nhất về châu Âu trước chiến tranh.

Tiểu thuyết 'Letter from an Unknown Woman' của Stefan Zweig được xuất bản ở Việt Nam

Những tác phẩm được yêu thích khác của ông đã xuất bản ở Việt Nam bao gồm: Letter from an Unknown Woman (Bức thư của người đàn bà không quen), The Royal Game (Thiên truyện cờ vua), Beware of Pity (Trái tim nôn nóng)…

'The Royal Game' (còn gọi là Chess Story) được xuất bản ở Việt Nam với tựa đề 'Thiên truyện cờ vua'.

Tiểu thuyết 'Beware of Pity' của Stefan Zweig được NXB Phụ nữ xuất bản với tựa đề 'Trái tim nôn nóng'. Truyện về mối tình giữa viên trung úy và cô gái bị liệt đã lấy đi nhiều nước mắt của bạn đọc Việt Nam.

Năm 1935, thất vọng với các nhà sản xuất Hollywood sau một vòng đàm phán ở New York - Mỹ, Stefan Zweig tuyên bố rút khỏi thế giới điện ảnh. Tuy nhiên, sau đó ông lại tham gia những cuộc phiêu lưu về việc chuyển thể tác phẩm của mình như Burning Secret (tạm dịch: Bí mật nóng bỏng)…

Zweig viết nhiều kịch bản phim gốc. Trong số dự án của ông có một bộ phim lấy cảm hứng từ vụ bê bối trên sàn giao dịch chứng khoán khi xây dựng Kênh đào Panama. Ngay trước chuyến thăm thứ hai của Zweig tới Brazil vào năm 1940, ông ký hợp đồng cho phép làm phim dựa trên cuốn tiểu thuyết chưa hoàn thành - The Post Office Girl (Cô bưu tá). Tiểu thuyết này được xuất bản sau khi ông qua đời. Một thập kỷ sau, dự án làm phim đó mới hoàn thành với tựa đề The Stolen Year (Năm bị đánh cắp).

Cùng năm 1940, tại Argentina, Zweig ký hợp đồng cho phép chuyển thể tác phẩm Ewe Lamb (tạm dịch: Cừu cái). Ở Brazil, từ tháng 8/1941 đến tháng 2/1942, trước khi tự sát, Zweig viết kịch bản về Marquesa de Santos - người yêu của hoàng đế Brazil đầu tiên – Dom Pedro I.

Năm 2016, đạo diễn người Đức Maria Schrader làm bộ phim tài liệu Stefan Zweig: Farewell to Europe (Stefan Zweig: Giã từ châu Âu), kể về những năm nhà văn Áo sống lưu vong ở Brazil.

Zweig rời Vienna năm 1934 sau khi trùm phát xít Adolf Hitler nắm quyền ở Đức và những cuốn sách của ông bị cấm. Nhà văn sống vài năm ở London, chuyển đến New York và dừng chân ở Brazil vào năm 1941. Tại Brazil, ông phải vật lộn với cảm giác cô đơn và tuyệt vọng ngày càng tăng, tự kết thúc cuộc đời vào năm 1942 cùng với người vợ thứ hai.

Những bộ phim chuyển thể nổi tiếng

Hơn 80 năm kể từ khi Stefan Zweig qua đời, nhiều tác phẩm của ông vẫn tiếp tục thu hút các nhà làm phim.

Tháng 1/2023, bộ phim Chess Story của đạo diễn Đức Philipp Stölzl khởi chiếu tại Mỹ và sau đó được chiếu rộng rãi ở nhiều nước. Chess Story được chuyển thể từ tiểu thuyết The Royal Game của Zweig.

Một cảnh trong phim 'Chess Story' (Thiên truyện cờ vua) được chuyển thể từ 'The Royal Game' của Stefan Zweig

Trên thực tế, khi Zweig viết xong The Royal Game vào năm 1941, ông không biết rằng tự do sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Ông hoàn tất bản thảo, gửi qua bưu điện và rời khỏi quê hương, không biết sự chiếm đóng của Đức Quốc xã ở phần lớn Đông Âu sắp chấm dứt.

Cho dù đó là bi kịch hôn nhân Fear (được dựng thành phim năm 1928 và 1954), nỗi ám ảnh trữ tình Letter from an Unknown Woman (1948), hay sự tra tấn tâm lý Brainwashed (1960), những câu chuyện của Zweig tựa tiếp tục thu hút các nhà biên kịch. Việc The Grand Budapest Hotel (tựa việt là Khách sạn đế vương) được chuyển thể thành phim năm 2014 đã biến Zweig thành một nhân vật trên màn bạc (do tài tử Jude Law thủ vai) và trở thành cái tên quen thuộc với khán giả đương đại.

Letter from an Unknown Woman (1948) là phim tình cảm Mỹ do Universal-International phát hành và Max Ophüls đạo diễn. Năm 1992, phim được Thư viện Quốc hội Mỹ chọn để lưu giữ trong Cơ quan Đăng ký phim quốc gia Mỹ vì “có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mỹ”. Tháng 7/2021, phim được chiếu trong hạng mục Cannes Classics (tác phẩm kinh điển) tại Liên hoan phim Cannes 2021.

Phim có bối cảnh đầu thế kỷ 20 ở Vienna. Stefan Brand sắp rời khỏi thành phố vì muốn tránh một cuộc đấu tay đôi thì nhận được một bức thư ẩn danh rất cảm động. Anh không nhận ra rằng người viết là cô gái trẻ Lisa Berndle mình quen biết nhưng không quan tâm. Cuối cùng khi Stefan tìm ra người yêu mình thực sự là ai có thể đã quá muộn để ngăn chặn một thảm kịch.

Fear (tiếng Ý: La Paura, tiếng Đức: Angst) dựa trên tác phẩm cùng tên của của Stefan Zweig. Phim kể về Irene - người vợ đáng kính của một nhà khoa học nổi tiếng. Khi Irene bị bạn gái của người yêu cũ tống tiền, sự sợ hãi, xấu hổ và cơn thịnh nộ khiến cô ra những quyết định không ngờ. Irene làm mọi thứ hòng che giấu sự thật, mà không biết rằng chồng mình đã biết mọi chuyện và đang tận hưởng điều đó.

Một cảnh trong phim 'The Grand Budapest Hotel' (Khách sạn đế vương) dựa trên 'Beware of Pity' (Trái tim nôn nóng) và 'The World from Yesterday' (Thế giới hôm qua) của Stefan Zweign.

The Grand Budapest Hotel (2014) của Wes Anderson được truyền cảm hứng từ hai tác phẩm của Zweig là Beware of PityThe World from Yesterday. Bộ phim lấy bối cảnh châu Âu tàn tạ vì chiến tranh trong thế kỷ 20. Đó là một câu chuyện trong một câu chuyện - một nhà văn kể về tâm trạng và sự kiện 20 năm trước. Phim đầy chất hoài niệm về cuộc sống và thế giới đã mất ở Vienna sau Thế chiến I.

The Grand Budapest Hotel có kinh phí sản xuất 25 triệu USD, mang về doanh thu phòng vé 173 triệu USD. Bộ phim được đề cử 9 giải thưởng Oscar, bao gồm Phim hay nhất và giành được 4 giải thưởng.

Trong những năm cuối đời, Stefan Zweig tuyên bố mình yêu Brazil, viết về đất nước này trong cuốn Brazil, Land of the Future (tạm dịch: Brazil – Miền đất tương lai). Tuy nhiên, Zweig càng lúc càng tuyệt vọng về tương lai của châu Âu; vợ chồng ông được phát hiện đã chết vì dùng thuốc an thần quá liều trong căn nhà ở thành phố Petrópolis của Brazil ngày 23/2/1942. Họ cùng lìa đời một ngày trước đó.

Linh Nhi

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nha-van-ao-stefan-zweig-co-nhieu-tac-pham-chuyen-the-thanh-phim-dien-anh-2152092.html