Những mẩu truyện gia đình của cây bút hậu duệ Tự Lực Văn Đoàn

Sau hơn nửa thế kỷ, một tác phẩm gói gọn những hành xử, tương quan tốt đẹp, thân ái trong gia đình truyền thống Việt Nam, được viết bởi một cây bút hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn được tái bản.

Gia đình tôi (1962, 1970) của nhà văn Duy Lam là một tập tự truyện có màu sắc hài hước kể về sinh hoạt của một gia đình Việt Nam truyền thống, cấu trúc từ nhiều phân đoạn ngắn gọn, lối văn trong sáng và dung dị.

Tập truyện này gồm chín mẩu truyện, trong đó, có tám truyện nhất quán về mối quan hệ trong một gia đình với một người cha nghiêm khắc, một người mẹ chiều con và vị tha. Bọn trẻ mỗi đứa một tính cách vừa dị biệt vừa tượng trưng cho những nhóm tính cách, khuynh hướng phẩm chất cơ bản - có lãng mạn bay bổng, có nổi loạn, có trầm tĩnh nhưng cũng có sự năng động, lạc quan...

Trung tâm tự sự là “Tôi”, với tính cách kỳ khôi nhưng cũng rất giàu tưởng tượng, lãng mạn và đôi khi tự phụ.

Bìa cuốn Gia đình tôi. Ảnh: Phanbook

Gia đình tôi được kể bằng một giọng văn hóm hỉnh và đơn giản. Người đọc sẽ bắt gặp những tình huống hài hước, những sự cố, mâu thuẫn gợi nhắc không gian gia đình Việt Nam ngày hôm qua. Có thể nói, đọc Gia đình tôi là để một dịp sống lại, ôn lại chính chuyện gia đình mình, đặc biệt trong mùa đoàn viên, sum vầy cuối năm.

Về phong cách, giá trị văn chương cũng như trên phương diện xã hội học, ngày nay chúng ta có thể có những góc nhìn, nhãn quan khác biệt về các vấn đề gia đình, song nếu tiếp nhận như một văn bản tư liệu văn học, thì đây là một tác phẩm quan trọng, có tính then chốt đưa Duy Lam vào văn đàn và được công chúng nhiều thời kỳ đón nhận. Tác phẩm cũng phần nào hé mở câu chuyện của chính gia đình tác giả, một hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn.

Duy Lam là bút hiệu của Nguyễn Kim Tuấn. Ông sinh năm 1932 tại Hà Nội; con trai ông Nguyễn Kim Hoàn và bà Nguyễn Thị Thế. Bà Nguyễn Thị Thế là em ruột của Nhất Linh, Hoàng Đạo và là chị của nhà văn Thạch Lam. Bà Thế là người giữ gìn và kể lại cho chúng ta nhiều ký ức, tư liệu quý giá về gia đình Tự Lực Văn Đoàn.

Duy Lam đã chứng tỏ được bản lĩnh của một hậu duệ tiếp nhận công việc của Tự Lực Văn Đoàn khi nhiệt huyết tham gia nội dung và là cây bút chủ lực của báo Văn hóa Ngày nay tục bản do Nhất Linh chủ trương từ số 1 (ra ngày 17.6.1958) đến số 11 (ra ngày 21.4.1959) tại Sài Gòn.

PV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhung-mau-truyen-gia-dinh-cua-cay-but-hau-due-tu-luc-van-doan-42260.html