Những 'mảng màu sáng' trên vùng cao Đak Pơ

Đak Pơ là huyện thuần nông của tỉnh Gia Lai, đời sống của 90% dân số phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao đời sống cho người dân, huyện đã triển khai đồng loạt nhiều chương trình, dự án hỗ trợ, phát huy hiệu quả của khu vực HTX nhằm phát triển các vùng nông nghiệp tập trung, quy mô lớn trên địa bàn.

Ông Đinh Klen, người dân tộc Banah, xã Tân An chia sẻ trước đây, gia đình ông sống chủ yếu dựa vào việc canh tác lúa trên rẫy (1 vụ), hết vụ lại đi làm thuê, nên kinh tế gia đình luôn thiếu trước hụt sau, cái nghèo cứ đeo bám mãi.

Phát triển sản phẩm thế mạnh

Cách đây 3 năm, được hỗ trợ từ nguồn vốn giảm nghèo của địa phương, ông Đinh Klen chuyển đổi 100% diện tích giống cũ sang trồng lúa An Sinh 1399, đồng thời ứng dụng kỹ thuật mới vào canh tác, giúp nâng cao đáng kể nguồn thu nhập.

“Triển khai giống mới trên cánh đồng lớn đòi hỏi ít phân bón, ít bị nhiễm sâu bệnh mà hiệu quả đạt cao. Điển hình với 1,8 ha lúa ĐV108 sẽ cho khoảng 25 bao lúa, trong khi giống An Sinh 1399 sẽ cho khoảng 33 bao”, ông Klen phấn khởi nói.

Theo lãnh đạo phòng NN&PTNT huyện Đak Pơ, mô hình trồng lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa được huyện triển khai quy mô lớn từ năm 2015. Đến nay, chỉ riêng giống lúa An Sinh 1399, toàn huyện có tổng diện tích gần 100 ha, với các cánh đồng lớn thuộc thôn Tân Hội, Tân Phong (xã Tân An) diện tích 82 ha; cánh đồng Tròn (xã Phú An) diện tích 15 ha…

Mô hình trồng lúa trên cánh đồng lớn ở Đak Pơ đang cho hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh cây lúa truyền thống, huyện Đak Pơ cũng đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, qua đó hình thành các vùng canh tác hiệu quả cao, trong đó có các vùng trồng rau an toàn cho giá trị kinh tế vượt trội.

Hiện tại, diện tích rau xanh của huyện tập trung tại các xã Tân An, Cư An, Phú An và thị trấn Đak Pơ, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho hàng trăm hộ nông dân, trong đó có nhiều gia đình người Banah, Gia Rai, Tày và H’Mông.

Sản lượng rau bình quân toàn huyện đạt hơn 100.000 tấn/năm, với các sản phẩm chính như bắp cải, cải xanh, cải ngọt, súp lơ, xà lách, dưa leo, khổ qua, bí đỏ, dưa hấu, ớt và các loại rau gia vị…

Nhằm nâng cao giá trị canh tác, những năm qua, huyện đã chủ động thực hiện các phương án để nâng tầm quy mô, hình các vùng sản xuất rau an toàn sinh thái quy mô lớn, theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP. Mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện sẽ có 300 ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao.

Liên kết cùng làm giàu

Không chỉ có trồng trọt, các sản phẩm từ chăn nuôi trên địa bàn huyện Đak Pơ cũng đang ngày càng được nâng tầm và khẳng định giá trị, trở thành những sản phẩm thế mạnh tại các địa phương.

Một trong những mô hình chăn nuôi cho giá trị cao tại Đak Pơ, mở ra cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số, là mô hình nuôi gà đen của người Mông (di cư từ Cao Bằng vào làm kinh tế mới).

Ông Đào Văn Dinh, làng Mông, xã Ya Hội, cho hay gà đen thích sống trong môi trường tự nhiên, do đó khi đưa vào rẫy, đàn gà thích ứng và sinh sản, phát triển tốt.

“Trong những năm gần đây, giống gà đen được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết, giá bán bình quân đạt trên 120.000 đồng/kg. Gia trại của tôi hiện nuôi mỗi lứa gần 100 con, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt trên 30 triệu đồng/năm (mỗi năm 3 lứa)”, ông Dinh phấn khởi nói.

Có thể thấy, nhờ phát huy tốt các nguồn lực chính sách, xây dựng thành công các mô hình cây trồng, vật nuôi thế mạnh, diện mạo nông nghiệp huyện Đak Pơ đang có những đổi thay toàn diện, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Đáng chú ý, trong quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp ở Đak Pơ, khu vực kinh tế hợp tác, HTX ghi dấu ấn vô cùng đậm nét. Thống kê cho thấy, toàn huyện Đak Pơ đang có gần 20 HTX nông nghiệp, cùng hàng chục tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.

Kể từ năm 2018 đến nay, quá trình sản xuất của gia đình ông Đặng Văn Minh, dân tộc Tày, xã Tân An, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ luôn có sự đồng hành của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát. Với sự đồng hành của HTX, thu nhập từ việc trồng rau xanh của gia đình ông tăng gấp 2 - 3 lần so với thời còn làm riêng lẻ.

Ông Minh chia sẻ: “Vào HTX, tôi được tập huấn nâng cao kỹ thuật, đặc biệt là sản xuất dưới sự định hướng, theo nhu cầu của thị trường. Đầu vào, đầu ra thuận lợi, bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu nhập 70 – 90 triệu đồng”.

Các HTX đang có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Đak Pơ.

Bà Nguyễn Tuyết Hoa, Giám đốc HTX An Trường Phát, cho hay đơn vị được thành lập vào cuối năm 2017, hoạt động theo Luật HTX năm 2012, chuyên sản xuất, thu mua các loại rau củ quả an toàn do các thành viên sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Các sản phẩm của HTX có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cạnh tranh tốt nhất cho người sản xuất và người tiêu dùng. Ngoài ra, HTX còn thực hiện cung ứng giống, phân bón, chế phẩm sinh học cho các thành viên và người dân địa phương.

Nhờ được các phòng chuyên môn của huyện tích cực hỗ trợ, hiện nay, HTX đã cung ứng 17 loại rau củ quả an toàn cho 7 công ty ngoài tỉnh. Thương hiệu rau an toàn của HTX ngày càng có tiếng, sức cạnh tranh, thị trường rộng mở hơn.

Bước chuyển mình ở vùng đất khó

Có thể thấy, ngành nông nghiệp huyện Đak Pơ đang có những bước tiến đầy tích cực. Đây là kết quả của các chính sách hỗ trợ đi đúng hướng, cùng sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các HTX, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân trên địa bàn.

Gần 10 năm qua, cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế.

Bên cạnh sự hỗ trợ về vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng, công tác tập huấn, dạy nghề, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cũng được huyện Đak Pơ đặc biệt chú trọng.

Đơn cử, tại xã Yang Bắc, với hơn 90% là đồng bào dân tộc Banah sinh sống. Trong những năm qua, người dân trên địa bàn xã đã đoàn kết đồng lòng, cùng với sự hỗ trợ của các cấp các ngành triển khai nhiều chương trình mục tiêu phát triển kinh tế.

Tổng diện tích đất sản xuất hàng năm của xã hiện đạt gần 3.000 ha, trong đó gần 50% diện tích trồng mía, còn lại sản xuất lúa, mỳ, ngô lai và các hoa màu khác. Đàn bò hiện đạt gần 3.000 con.

Tại hội nghị tổng kết công tác phụ trách, giúp đỡ các làng dân tộc thiểu số năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, tổ chức hồi trung tuần tháng 5/2023, Bí thư Huyện ủy Đak Pơ Lê Thị Thanh Mai cho hay trong những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp được huyện chú trọng, hướng tới mục tiêu cốt lõi là nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhằm giúp các làng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Huyện ủy Đak Pơ đã phân công 66 cơ quan, đơn vị, trường học phụ trách, giúp đỡ 20 làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; chi tiêu tiết kiệm, có tích lũy. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị theo dõi giúp đỡ các làng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị ở các làng xây dựng kế hoạch, chương trình nội dung hỗ trợ theo từng phần việc cụ thể…

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/nhung-mang-mau-sang-tren-vung-cao-dak-po-1093012.html