Những lý do khiến Chủ tịch Trung Quốc thăm Serbia và Hungary

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Serbia, trong khi Hungary được coi là cửa ngõ của Trung Quốc vào châu Âu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN

Theo mạng Tin tức châu Âu (euronews.com), sau khi dừng chân ở Paris (Pháp), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Serbia ngày 8/5. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào Serbia. Vốn của Trung Quốc đổ vào các nhà máy và hầm mỏ, xây dựng đường sá và nước này đang tài trợ cho việc xây dựng tuyến đường sắt giữa Belgrade và Budapest. Đầu máy xe lửa của Trung Quốc sẽ sớm thay thế các đoàn tàu cũ thời Xô Viết hiện đang chạy ở đó.

Bộ trưởng Tài chính Serbia Sinisa Mali nói với đài truyền hình nhà nước RTS rằng các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Serbia và Trung Quốc sẽ tập trung vào một dự án lớn.

“Chúng tôi đang hướng tới việc thu hút đầu tư lớn từ Trung Quốc vào một khu vực rất hứa hẹn. Tôi sẽ không tiết lộ các mục tiêu của mình vào lúc này”, ông Mali nói hôm 7/5.

Cùng ngày, ông Tập Cận Bình cũng ca ngợi “tình hữu nghị sắt đá” giữa Trung Quốc và Serbia, mà ông nói là “được rèn giũa bằng máu của người dân hai nước”.

Stefan Vladisavljev, Giám đốc chương trình của Quỹ BFPE nhận xét rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Serbia có tầm quan trọng mang tính biểu tượng. Theo ông Vladisavljev, trọng tâm dự kiến cũng sẽ là thúc đẩy hợp tác hiện có giữa hai nước và công bố các dự án mà họ có thể cùng nhau thực hiện trong tương lai.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Serbia, quốc gia không phải là thành viên EU, đã được củng cố dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, ngay cả khi mối quan hệ rộng lớn hơn của Bắc Kinh với châu Âu gặp trở ngại về các vấn đề nhân quyền và tranh chấp thương mại.

Cửa ngõ của Trung Quốc vào châu Âu

Điểm dừng chân tiếp theo của ông Tập Cận Bình là Hungary, nơi chính phủ nước này đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga.

Theo Nhật báo Hungary, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại nước này Péter Szijjártó cho biết, chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc có ý nghĩa lịch sử, lưu ý rằng chỉ có hai quốc gia thành viên EU là Hungary và Pháp tổ chức đón tiếp một phái đoàn đáng kể như vậy. Ông Szijjártó cũng bày tỏ sự lạc quan về tiềm năng của chuyến thăm trong việc đóng góp to lớn vào thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại, thậm chí có thể thúc đẩy các nỗ lực hòa bình.

Trong số các chủ đề chính được thảo luận trong chuyến thăm, hợp tác kinh tế là nổi bật. Đáng chú ý, Trung Quốc nổi lên là nhà đầu tư lớn nhất vào Hungary trong cả năm 2020 và 2023, củng cố vị thế của Hungary với tư cách là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ ngành ô tô.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các thỏa thuận sắp tới, Bộ trưởng Ngoại giao Szijjártó đã phác thảo các cuộc thảo luận về phát triển cơ sở hạ tầng ở Hungary liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, có thể bao gồm các dự án đường sắt, đường bộ và năng lượng. Ngoài ra, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác toàn diện trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và mở rộng cơ hội xuất khẩu nông sản Hungary sang Trung Quốc.

Ông Szijjártó cũng nhấn mạnh tiềm năng tăng cường quan hệ du lịch, nhờ vị thế vững chắc trong khu vực của Hungary với 19 chuyến bay hàng tuần từ tháng 7 tới. Do đó, duy trì chế độ miễn thị thực cho công dân Hungary là ưu tiên hàng đầu trong vấn đề này.

Ngoài các vấn đề kinh tế, các cuộc đàm phán sẽ giải quyết các mối quan ngại về địa chính trị, đặc biệt là cuộc xung đột ở Ukraine và kế hoạch hòa bình của Trung Quốc. Ngoại trưởng Szijjártó hoan nghênh cam kết hòa bình của Trung Quốc, phù hợp với lập trường của Hungary về tầm quan trọng của giải pháp hòa bình.

Hungary là thành viên đầu tiên của EU tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và được nhiều người ở châu Âu cũng như Trung Quốc coi là cửa ngõ của Bắc Kinh vào lục địa châu Âu.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhung-ly-do-khien-chu-tich-trung-quoc-tham-serbia-va-hungary-20240508153556370.htm