Những lưu ý vàng khi gia đình có người mắc sốt xuất huyết

GiadinhNet – Luôn luôn ghi nhớ: Truyền dịch, cho dùng kháng sinh, hay dùng thuốc hạ sốt không đúng… có thể đe doạ tính mạng người thân của bạn.

Sai lầm chết người khi tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà

TS.BS. Đỗ Duy Cường - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ ra những sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà mà người dân cần tránh.

Đó là tự ý sử dụng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập. Do bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao, nên người nhà luôn tìm cách giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh này sốt do virus, nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục tăng cao.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: V.Thu

Người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em.

Để giảm sốt, người nhà nên cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm.

Người mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không dùng thuốc aspirin và ibuprofen, vì 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Thay vào đó, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol, tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ.

Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh, mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh người mắc sốt xuất huyết kiêng tắm, kiêng ăn sẽ khỏi bệnh. Vì vậy người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch.

Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều người cứ thấy sốt là mua kháng sinh sử dụng, nhưng với với bệnh sốt xuất huyết, dùng kháng sinh không khỏi bệnh.

Thiết lập đường dây nóng hỗ trợ tuyến dưới trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết

Theo đánh giá của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) sau khi kiểm tra bệnh án của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho thấy có nhiều ca bệnh thuộc tuyến điều trị tại bệnh viện tuyến quận, huyện, bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố. Cụ thể, trong 944 trường hợp mắc SXH, có 798 ca thuộc Hà Nội (chiếm 85%).

Vì thế, để tránh tình trạng quá tải SXH nội trú tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Cục đề nghị Bệnh viện tiếp tục củng cố, sắp xếp lại các khoa, phòng trong bệnh viện cho phù hợp, ngăn nắp, gọn gàng thuận tiện cho người bệnh khi đến khám, điều trị.

Xem xét, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh để sàng lọc, sắp xếp bệnh nhân điều trị ngoại trú, nội trú theo đúng phân tuyến điều trị bảo đảm tiếp nhận, điều trị người bệnh SXHD nặng kịp thời, giảm tử vong.

Tăng cường công tác tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải, cố gắng không để nằm ghép. Đối với người bệnh đã ổn định tư vấn, giải thích để người bệnh ra viện hoặc chuyển người bệnh về tuyến dưới để theo dõi, chăm sóc.

Thiết lập đường dây nóng hỗ trợ tuyến dưới trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh SXH. Sẵn sàng hỗ trợ tại chỗ cho tuyến dưới khi có yêu cầu, khi chuyển viện không an toàn.

Đặc biệt cần tăng cường công tác chỉ đạo tuyến về bệnh SXH đối với y tế các tỉnh theo khu vực đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phân công...

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, tổ chức phổ biến, tập huấn về hướng dẫn, điều trị SXH tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế quản lý.

Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bệnh viện trong hệ thống khám, chữa bệnh SXHD. Chỉ đạo các bệnh viện này bố trí khu vực dành cho điều trị SXHD, bảo đảm về nhân lực, trang thiết bị, thuốc dịch truyền theo dự báo tình hình dịch.

Chỉ đạo các Bệnh viện xem xét, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh SXH. Bố trí từng ca bệnh SXH nội trú tại khoa phù hợp với tình hình bệnh. Bảo đảm việc tiếp nhận, sàng lọc, phân loại, điều trị, chuyển tuyến đúng, kịp thời để giảm tai biến và giảm tử vong.

Đối với các trường hợp vượt khả năng của bệnh viện khi chuyển tuyến phải thông tin trước cho bệnh viện chuyển người bệnh đến để hội chẩn trước khi chuyển tuyến và ghi chép đầy đủ các thông tin về bệnh nhân theo quy định tại Giấy chuyển viện SXH bảo đảm việc chuyển tuyến an toàn...

Võ Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/nhung-luu-y-vang-khi-gia-dinh-co-nguoi-mac-sot-xuat-huyet-20170726130151323.htm