Những lưu ý để bảo quản bánh chưng sau Tết

Chuyên gia lưu ý, bảo quản bánh chưng không nên chờ bánh có dấu hiệu hỏng hoặc sắp hỏng mới cho vào tủ lạnh để bảo quản. Cần phải cân đối số lượng bánh có thể ăn hết ngay và số bánh chưa ăn đến.

Tủ lạnh là nơi bảo quản bánh chưng lý tưởng

Mỗi dịp Tết đến, các gia đình Việt lại giữ thói quen gói bánh chưng với số lượng lớn sau đó bảo quản bánh trong môi trường bình thường; hoặc cẩn thận hơn thì cho bánh vào ngăn đông đá tủ lạnh, khi dùng chỉ cần mang ra rã đông. Theo chuyên gia, bánh chưng ăn ngon nhất trong khoảng 1 tuần trở lại, tùy vào điều kiện bảo quản. Khi bảo quản bánh trong tủ lạnh phải để ở mức nhiệt 5-10 độ C ở ngăn mát.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, khi bánh có các dấu hiệu như chảy nước, có mùi ôi, xuất hiện nhớt ở vỏ bánh… thì không nên luộc lại nữa mà phải bỏ đi do lúc này vi khuẩn đã xâm nhập, làm hỏng bánh. Ăn vào rất dễ ngộ độc.

Bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh là cách tốt nhất giúp bánh lâu hỏng trong suốt những ngày Tết vì thời gian này thời tiết thường nóng, ẩm, dễ khiến bánh bị mốc, thiu khi để bên ngoài. Tuy nhiên, cách bảo quản này sẽ làm cho bánh chưng nhanh bị lại gạo hơn, khi sử dụng phải hấp hoặc rán lại. Có thể bảo quản bánh chưng ngày Tết trong ngăn mát tủ lạnh vào khoảng 5 – 10 độ C. Nếu không thể ăn hết một cái bánh, bạn chỉ nên bóc vỏ phần bánh có thể ăn, phần còn lại bọc kĩ bằng màng bọc thực phẩm.

Bánh chưng nếu được bảo quản đúng cách có thể thơm ngon cả tháng.

Tránh bóc hết bánh mà không ăn hết, để bánh trần như thế sẽ nhanh cứng lại và bị ám mùi các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh. Bánh chưng lấy ra từ tủ lạnh nên hấp lại trước khi ăn để bánh nóng, mềm và ngon hơn.

Chuyên gia lưu ý, không nên chờ bánh có dấu hiệu hỏng hoặc sắp hỏng mới cho vào tủ lạnh để bảo quản. Cần phải cân đối số lượng bánh có thể ăn hết ngay và số bánh chưa ăn đến. Đưa ngay bánh chưa ăn đến vào tủ lạnh, vì bảo quản càng sớm thì bánh càng giữ được chất lượng thơm ngon. Nếu cần thì ngay khi bánh được luộc xong, rửa, ép và để nguội, đưa vào tủ lạnh bảo quản, có thể giữ cho bánh thơm ngon đến 20 ngày mà vẫn giữ được dinh dưỡng.

Khi sắp xếp bánh chưng vào tủ hết sức lưu ý không làm bánh rách lá vì có thể khiến mốc ăn sâu vào bánh, lên men chua cục bộ. Trong quá trình bảo quản bánh, cần thường xuyên kiểm tra. Nếu thấy có hiện tượng bánh bị mốc (mảng nấm mốc màu trắng, xanh) cần xử lý ngay bằng cách hơ bánh trên lửa của bếp gas hoặc luộc lại. Bánh để trong tủ lạnh có thể dùng đến đâu bóc vỏ và cắt bánh đến đó. Phần còn lại chưa dùng đến bọc lại bằng màng bọc thực phẩm, tránh để trần bánh sẽ nhanh cứng và có mùi thức ăn trong tủ ám vào mất ngon.

Bánh chưng cất trong tủ lạnh 3-4 tuần vẫn có thể ăn nếu bạn bảo quản đúng cách. Nếu để ngăn mát, nhiệt độ cần duy trì là 4 độ, hoặc bạn có thể bảo quản trong ngăn đá. Khi lấy ra, bánh không có hiện tượng mốc, chua mà vẫn bình thường, chỉ đông cứng, vẫn có thể rã đông và ăn.

Bánh bị mốc thì nên vứt bỏ

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, dịp Tết, các gia đình gói bánh số lượng nhiều, để trong thời gian dài bánh sẽ dễ bị mốc ở phần góc cạnh, không lan rộng ra cả bánh.Nhiều gia đình có thói quen cắt bỏ phần mốc ở bánh chưng và sử dụng phần còn lại. Thực tế các chuyên gia đều khuyến cáo tốt nhất không nên ăn thực phẩm đã bị mốc vì sẽ sinh ra độc tố.

Nấm mốc xuất hiện ở một góc bánh, nhưng một số chủng nấm mốc khả năng lên men làm bánh bị chua. Với loại thực phẩm có tính mao mạch dẫn như hoa quả, bánh chưng thì khi có một phần bị hỏng, các mao mạch đã dẫn vi khuẩn sang phần lành khác. Do vậy dù cắt phần hỏng nhưng thực ra phần lành cũng đã bị nhiễm nấm mốc.

VÌ thế, với bánh chưng bị mốc lá hoặc mới bị mốc một góc thì không nên ăn vì độc tố aflatoxin do nấm mốc sinh ra vẫn có thể xâm nhập vào bên trong bánh gây ngộ độc. Thêm vào đó, một số loại vi khuẩn, nấm mốc sau khi chết vẫn tiết ra độc tố gây ra ngộ độc cho người sử dụng. Nếu ăn bánh chưng bị thiu, chua, mốc có thể bị đau bụng, tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm gây hại cho sức khỏe. Vì vậy để đảm bảo an toàn thực phẩm khi bánh chưng có dấu hiệu bị mốc nên bỏ cả bánh.

Để bánh không bị mốc, bạn nên gói lượng bánh vừa đủ để ăn trong những ngày Tết. Bảo quản bánh bằng cách để nguyên lá gói và cho vào tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần mặt cắt lấy giấy nilon bao kín lại. Trước khi cho bánh vào trong tủ lạnh, nên dùng màng bọc thực phẩm quấn quanh bánh để hạn chế tiếp xúc với hơi nước trong tủ lạnh, khiến bánh bị ẩm và dễ sinh ra mốc.

Nếu bánh có hiện tượng lại gạo (bánh cứng), nên luộc, chiên hoặc hấp lại và tiếp tục dùng. Bánh chưng để vào ngăn mát tủ lạnh có thể bảo quản 7-10 ngày. Để bảo quản bánh chưng tránh bị mốc và ôi thiu, các gia đình cần cất bánh ở nơi khô ráo, thoáng gió tránh cho bánh bị ẩm mốc. Ngoài ra, hiện nay phương pháp hút chân không để bảo quản bánh chưng cũng rất phổ biến, phương pháp này không chỉ giúp cất trữ bánh hợp vệ sinh mà còn hạn chế côn trùng, bụi bẩn.

Theo chuyên gia, nếu không kịp tiêu thụ lượng bánh chưng, các gia đình có thể bảo quản trong ngăn đá, tuy nhiên khi rã đông nên rã đông từ từ trong ngăn mát và sau đó có thể luộc, hấp lại để bánh đỡ sượng.

Để bảo quản bánh phải chú ý từ khâu chế biến. Ví dụ như lá dong gói bánh cần phải rửa kĩ và để ráo nước hoặc luộc qua nước nóng, bánh sẽ để được lâu hơn; khi đã luộc chín, rửa sạch phần nhớt trên bánh rồi ép chặt... Trong khi gói bánh, không nên gói bánh quá chặt tay hoặc quá lỏng. Nếu gói bánh quá chặt sẽ làm bánh dễ bị lại gạo. Còn nếu gói bánh quá lỏng, thì bánh khi nấu sẽ rời rạc và dễ bị hỏng hơn.

Sau khi nấu chín bánh chưng, dùng nước sạch rửa lại bánh, để loại bỏ các chất nhựa có trong lá. Sau đó, treo bánh tại nơi thoáng mát, giúp bánh khô ráo hoàn toàn. Cuối cùng đặt bánh lên một tấm bìa và dùng vật nặng ép bánh chặt lại hơn....

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-luu-y-de-bao-quan-banh-chung-sau-tet-169240214162306524.htm