Những lớp xóa mù chữ bên trong 'song sắt'

Từ 'mù chữ', chỉ sau một thời gian ngắn, rất nhiều phạm nhân đã đọc thông, viết thạo, sẵn sàng cho hành trang để làm lại cuộc đời...

Sở GD&ĐT Điện Biên cùng Trại giam Nà Tấu khai giảng lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân dân tộc thiểu số.

Lớp học nhân văn...

Sau lầm lỗi, phạm nhân Vàng A Tính (Sn 1988) phải trả giá bằng những ngày dài cải tạo tại Trại giam Nà Tấu – Cục C10 (Bộ Công an), xã Nà Tấu, Tp. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đời sống khó khăn nên Tính không được học tập như bạn bè cùng trang lứa. Vì thế, Tính không biết chữ.

Khi nhận được thông tin trại giam mở lớp xóa mù chữ, Vàng A Tính lập tức đăng ký theo học. Đôi bàn tay chai sần, cứng nhắc chỉ biết cầm cuốc, cầm cày suốt bao năm, giờ phải nắn nót viết từng chữ cái thật sự không dễ dàng gì. Thế nhưng, dưới sự hướng dẫn của cán bộ quản giáo, sự cố gắng nỗ lực của bản thân, phạm nhân Vàng A Tính đã hoàn thiện lá thư đầu tay. Dù là những nét chữ nguyệch ngoạc viết lên song đã gửi gắm biết bao tâm tư, tình cảm về với người thân.

Những lớp học như trên được tổ chức là việc cụ thể hóa Chương trình phối hợp giữa Trại giam Nà Tấu với Sở GD&ĐT Điện Biên, Sở LĐTB&XH Điện Biên về việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân, giai đoạn 2023 - 2030. Lớp học mới đây nhất được khai giảng vào ngày 22/9 do Trại giam Nà Tấu - Cục C10 phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức. Lớp học xóa mù chữ này có 71 phạm nhân tham gia.

Trong lễ khai giảng, ông Lê Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên nhấn mạnh: “Công tác dạy xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho cộng đồng luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Trong môi trường trại giam, xóa mù chữ cho phạm nhân thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của Đảng, nhà nước, các cấp, các ngành đối với những người lầm lỡ”.

Theo ông Lê Quang Vinh, xóa mù chữ giúp phạm nhân được học tập, nâng cao nhận thức, hiểu biết. Đồng thời tạo cơ hội để họ được tiếp cận các loại hình giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác giáo dục cải tạo phạm nhân và giúp đỡ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân tốt có ích cho xã hội.

Đối tượng xóa mù chữ của Trại giam Nà Tấu phần lớn là người dân tộc thiểu số, đang ở trong độ tuổi lao động. Do đó, lớp xóa mù chữ được mở tại nơi đây sẽ góp phần quan trọng giúp phạm nhân tiếp thu kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu tốt hơn trong hướng nghiệp và học nghề.

Để thực hiện kế hoạch dạy xóa mù chữ cho phạm nhân, những năm qua, Sở GD&ĐT giao phòng GD&ĐT thành phố Điện Biên Phủ phối hợp với Trại giam Nà Tấu lựa chọn đội ngũ cán bộ, giáo viên có năng lực, kinh nghiệm về chuyên môn, nhiệt tình tham gia giảng dạy xóa mù chữ. Quá trình dạy học, các bên phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá học viên theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đảm bảo khi kết thúc khóa học, 100% học viên được xác nhận hoàn thành Chương trình xóa mù chữ theo từng giai đoạn và có thể tham gia học tập ở các trình độ cao hơn.

Ông Lê Quang Vinh phát biểu tại lễ khai giảng lớp xóa mù chữcho phạm nhân tại Trại giam Nà Tấu.

Tạo nghị lực hoàn lương...

Suốt bao năm qua, Đại úy Lò Minh Thắng được giao trực tiếp đứng lớp xóa mù chữ cho phạm nhân trong trại. Cũng bởi nhận thức của mỗi phạm nhân không đồng đều nên trong quá trình giảng dạy anh Thắng gặp không ít khó khăn.

Theo Đại úy Lò Minh Thắng chia sẻ, nhiều phạm nhân thậm chí chưa thành thạo trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Do đó, mỗi bài giảng anh đều phải dành nhiều thời gian, tâm huyết. Bởi thế, nhiều phạm nhân do anh dạy sau khi được xóa mù chữ đã biết đọc, biết viết.

Trại giam Nà Tấu hiện quản lý hơn 1.800 phạm nhân. Trong đó, gần 86% phạm nhân người dân tộc thiểu số, trên 28% không biết chữ hoặc tái mù chữ. Qua chương trình phối hợp thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Điện Biên giữa Trại giam Nà Tấu tổ chức ký kết với các Sở GD&ĐT, Sở LĐTB&XH để mở các lớp học xóa mù chữ, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân đã tạo điều kiện cho phạm nhân được tiếp cận các loại hình giáo dục. Từ đó, giúp phạm nhân có cơ hội lựa chọn ngành, nghề phù hợp để quyết tâm học tập, rèn luyện, tu dưỡng bản thân trở thành người có ích cho xã hội.

Những con chữ thắp sáng ý chí nghị lực trong học tập, rèn luyện cho phạm nhân chính là một thông điệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó góp phần tạo niềm tin để học viên yên tâm cải tạo, trở thành những công dân tốt. Với họ, việc biết chữ giống như việc đã tự tay mở ra cánh cửa tươi sáng để có thêm động lực trong hành trình hoàn lương.

Ngọc Diệp

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-lop-xoa-mu-chu-ben-trong-song-sat-post662676.html