Những lời hứa dang dở

Nếu như đi tìm điểm chung của nhiều sự kiện trong tuần qua thì đó là: những lời hứa chưa trọn. Nước Ý “thất hứa” trong việc tái thiết. Thổ Nhĩ Kỳ “thất hứa” trong việc “san phẳng” IS. Nước Pháp suýt nợ một câu trả lời về tự do “mặc gì”.

Rung chấn không lớn, nhưng thương vong lớn

Ít nhất 250 người đã thiệt mạng trong một trận động đất ở Ý vào hôm thứ Tư (24/8), phá hủy nhiều tòa nhà và thị trấn.

Trận động đất này là tương đối yếu, chỉ khoảng 6.2 độ Richter, nhưng lại bắt đầu tương đối gần bề mặt Trái Đất. Đây không phải hiện tượng bất thường trong vùng núi Apennines, nơi hàng ngàn người đã chết vì các cơn rung chấn qua nhiều thế kỷ.

Nhưng số lượng thương vong vẫn là quá lớn so với cường độ của trận động đất. Để so sánh, một trận động đất mạnh 6,8 độ Richter ở Myanmar gây ra 3 thương vong (dù làm thiệt hại khoảng 170 ngôi chùa, phần lớn là chùa cổ). Các tòa nhà ở những vùng như Amatrice đã có hàng trăm năm tuổi, được xây dựng từ rất lâu trước khi các nhà khoa học tìm ra được cấu trúc an toàn với các trận động đất. Có vẻ như hệ thống quy định của Italy vẫn đang bỏ qua những ngôi nhà như vậy.

Ý cũng không phải là một nhà xử lý thảm họa và hậu thảm họa giỏi. Những nỗ lực tái thiết trong lịch sử cho thấy điều đó. Theo New York Times, đất nước này đã giảm một lượng lớn thuế cho các công ty để họ giúp tái thiết lại những vùng bị ảnh hưởng, nhưng chỉ cần một trận động đất không quá lớn cũng có thể khiến dân cư mắc kẹt và hàng trăm người chết.

Ngày vui thành đám tang

Theo AP đưa tin hôm 23/8, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ phải bới tung hồ sơ để nhận dạng các nạn nhân của một vụ đánh bom tự sát đã giết chết ít nhất 54 người tham dự đám cưới vào hôm thứ Bảy (20/8) ở Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ), gần biên giới với Syria. Rất nhiều trong số đó là trẻ em. Theo The Guardian, những người tham dự là người Kurd và ủng hộ Đảng Lao động (vốn ủng hộ người Kurd).

AFP / Ilyas Akengin via Getty

Chính phủ đổ lỗi cho IS phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công. IS đã không, nhưng chiến thuật tương tự đã từng được IS sử dụng ở những nơi khác của Thổ Nhĩ Kỳ. Và IS cũng nhắm thẳng vào các mục tiêu của người Kurd, gia tăng căng thẳng cho các nhóm người ở đất nước này.

Tuy nhiên, theo BBC, Thổ Nhĩ Kỳ có “thói quen” nôn nóng trong việc đổ lỗi, và cũng quá mau chóng trong việc đưa ra lời hứa hẹn. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã từng hứa sẽ “ quét sạch ” vùng đất của IS, và bảo vệ cho các lực lượng phiến quân “ôn hòa”. Cuối cùng, thì chỉ thấy toàn những vụ tấn công xuyên biên giới của IS, cũng như nhằm cả vào những người Kurd chống lại IS.

Tình hình trong khu vực sẽ còn diễn biến phức tạp, khi lực lượng người Kurd ở Syria cũng đang tìm đồng minh trong Chính phủ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công xuyên biên giới dưới sự hỗ trợ của Mỹ - vừa trả đũa IS vừa ngăn chặn ý đồ thống nhất lãnh thổ của người Kurd đối địch, càng thêm xáo trộn cho một trong những khu vực phức tạp nhất trên thế giới.

Quyền “kín” của phụ nữ

Nước Pháp phải tiến hành xem xét lại lệnh cấm phụ nữ mặc burkini (đồ bơi kín của những phụ nữ Hồi giáo) sau khi dư luận phẫn nộ trước việc nhiều cảnh sát đã buộc họ phải cởi đồ ngay giữa bãi biển. Lệnh cấm này đã bị biến tấu tới mức có những trường hợp phụ nữ không mặc burkini nhưng mặc đồ trùm kín cũng bị phạt.

Một người phụ nữ bị buộc cởi áo vì mặc burkini. Ảnh: Vantage

Thủ tướng Manuel Valls hôm thứ Năm (25/8) đã phát biểu rằng burkini là biểu tượng “nô dịch những người phụ nữ”, và rằng ông ủng hộ các địa phương cấm Burkini. Song nữ Bộ trưởng Bộ Giáo dục Najat Vallaud-Belkacem tuyên bố rằng: Dù cô không thích burkini, nhưng lệnh cấm này mang màu sắc chính trị và phân biệt chủng tộc cũng như tự do tín ngưỡng. “Ước mơ của tôi là một thế giới mà phụ nữ được tự do và tự hào về cơ thể mình. Chúng ta không nên đổ dầu vào lửa.”

Vào hôm thứ Sáu (26/8), Tòa án Tối cao đã bác bỏ lệnh cấm gây chia rẽ này, vì đã xâm phạm đến các quyền tự do căn bản như tự do đến và đi, tự do lương tâm và tự do cá nhân.

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/nhung-loi-hua-dang-do