Những loại vitamin nào nên bổ sung bằng thuốc

Trong thời đại sức khỏe luôn được ưu tiên hàng đầu thì hàng ngàn loại thuốc bổ trợ xuất hiện. Nhưng nên bổ sung vitamin như thế nào cho hợp lý?

Bộ Y tế của Anh đưa ra lời khuyên trẻ em bú sữa mẹ từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi nên uống bổ sung vitamin D với liều lượng 8,5-10 microgram mỗi ngày. Đối với trẻ bú sữa công thức chỉ đủ vitamin D nếu uống khoảng 500ml sữa công thức mỗi ngày. Sau đó từ 1 đến 4 tuổi trẻ nên được cho uống thêm 10 microgram mỗi ngày, đặc biệt là trong những tháng mùa đông.

Cơ thể hấp thu rất ít vitamin D từ thức ăn. Khi cơ thể thiếu vitamin D, không thể tổng hợp được canxi có trong thức ăn dẫn đến trẻ phát triển xương kém và bị còi xương đồng thời làm tăng nguy cơ bị chứng nhuyễn xương khi lớn lên.

Nếu bạn đang mang thai, đang muốn có con hoặc dù chỉ là có một cơ hội nhỏ nhất bạn sẽ mang thai ngoài ý muốn, bạn nên bổ sung 400 microgram axit folic mỗi ngày. Axit folic là tối quan trọng trong 12 tuần đầu mang thai khi bào thai nhỏ xíu đã đang tạo một lớp tế bào mỏng, sau này sẽ uốn cong và hợp nhất lại thành cột sống.

Quá trình này có thể sẽ không được hoàn thiện nếu thiếu axit folic, dẫn đến dị tật bẩm sinh ở hệ thần kinh trung ương như nứt đốt sống. Nếu trong gia đình có tiền sử dị tật ống thần kinh như nứt đốt sống thì bác sĩ cần cho uống bổ sung 5mg axit folic/ngày (tương đương 5.000 microgram). Phụ nữ bị tiểu đường hoặc đang uống thuốc chống động kinh thì cần bổ sung thêm nhiều axit folic.

Nhiều người cho rằng khi bước vào độ tuổi 50, càng sớm uống thuốc bổ trợ có chứa lutein và zeaxanthin thì càng tốt. Nguyên nhân là vì khi già đi, mắt dễ bị quá khô hoặc quá ướt do thoái hóa điểm và có thể gây mù. Khi bổ sung đủ lutein và zeaxanthin thì nguy cơ này giảm đi tận 35%.

Omega 3 tốt cho sự phát triển của não, bảo vệ trí nhớ và chống suy sụp. Để bổ sung đủ axit béo omega-3 qua thực phẩm không đơn giản chút nào đặc biệt là trẻ em vì chúng thường không thích dầu cá – nguồn cung omega 3 chủ yếu.

Tuy vậy, nếu bổ sung axit béo này thì nên chọn dầu omega-3 thay vì chọn dầu gan cá. Cũng có thể dùng dầu hạt lanh nhưng dầu thực vật thì khó hấp thu hơn dầu cá. Liều lượng cho người lớn là khoảng 450 EPA và DHA mỗi ngày. Trẻ em cần ít omega-3 hơn người lớn nên tốt hơn nên chọn các nhãn hiệu dành cho trẻ em.

Các bé gái ở độ tuổi dậy thì rất hay bị thiếu sắt vì mất máu dẫn đến mất sắt qua các kỳ kinh nguyệt. Sắt rất quan trọng vì cơ thể cần sắt để tái tạo các tế bào máu cung cấp oxy cho cơ thể. Thiếu sắt lâu dài còn có thể dẫn đến thiếu máu trầm trọng, mệt mỏi, stress, kém tập trung.

Có thể bổ sung sắt bằng vitamin tổng hợp có chứa khoảng 7mg sắt – tức một nửa lượng cần cho cơ thể mỗi ngày, phần còn lại sẽ được bổ sung qua thực phẩm.

Trang Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/nhung-loai-vitamin-nao-nen-bo-sung-bang-thuoc-760117.html