Những loài cá độc lạ nhất thế giới có ở Việt Nam

Nhiều loài cá độc lạ, to bằng cả cái xe buýt, hay được ví như 'hóa thạch sống'... đều có mặt ở các vùng biển Việt Nam, tuy nhiên, có nguy cơ tuyệt chủng vì bị săn bắt quá nhiều.

Cá mặt trăng (Mola mola) là một trong những loài cá được cho là độc lạ nhất trên thế giới. Cả thân hình của chúng tròn, dẹp như một cái đầu khổng lồ bơi vật vờ trong đại dương. Cá trưởng thành có thể dài tới 5,5 m, nặng 1.400 kg.

Cá mặt trăng sống tại vùng biển nhiệt đới, trong đó có Biển Đông của Việt Nam. Cá mặt trăng có trong Sách Đỏ Việt Nam, là loài cá quý hiếm, cần phải được bảo vệ đặc biệt.

Rùa da (tên khoa học là Dermochelys coriacea) là loài rùa biển lớn nhất thế giới, rùa da trưởng thành có thể dài hơn 2 m, nặng đến 700 kg.

Ở Việt Nam, rùa da xuất hiện tại các vùng biển của Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng hiện gần như tuyệt chủng. Ảnh: Ổ trứng rùa da tại khu vực biển Bãi Dài (xã Cam Hải Đông, H.Cam Lâm, Khánh Hòa). Nguồn: Thanh Niên.

Cá mập voi, còn gọi là cá nhám voi (Rhincodon typus) là loài cá mập lớn nhất còn tồn tại trên thế giới. Khi trưởng thành, cá mập voi có thể dài từ 12 - 18m, hơn cả một chiếc xe buýt cỡ lớn.

Tuy thân hình to lớn, nhưng cá mập voi lại chỉ ăn các loại sinh vật phù du, tảo, động vật thân mềm và cá nhỏ, được hút vào qua cái miệng rộng ngoác của mình. Cá mập voi có mặt trong Sách Đỏ của Việt Nam.

Nghêu khổng lồ phương Nam (Tridacna derasa), còn được gọi là trai tượng, là một trong những loài động vật thân mềm lớn nhất thế giới với chiều dài có thể lên tới 60cm.

Nghêu khổng lồ phương Nam sinh sống chủ yếu ở vùng biển nhiệt đới ở Đông Nam châu Á và phía Nam Australia, trong đó có khu vực Biển Đông của Việt Nam. Nghêu khổng lồ phương Nam đã được đưa vào danh mục những loài sinh vật biển quý hiếm, được bảo vệ đặc biệt ở Việt Nam.

Cá nhà táng (Physeter macrocephalus) là một loài động vật có vú trong môi trường nước biển thuộc bộ cá voi. Chúng tồn tại trong các đại dương và là động vật có răng lớn nhất hành tinh.

Chiều dài của những con trưởng thành có thể lên tới hơn 20m, nặng 60 tấn. Tại Việt Nam, thi thoảng có những xác cá nhà táng dạt vào bờ biển và được ngư dân chôn cất.

Cá mập trắng lớn (Carcharodon carcharias) là loài cá ăn thịt lớn nhất thế giới với chiều dài 6m, nặng hơn 2 tấn. Đây là một kẻ săn mồi đáng sợ, đã gây ra cái chết của rất nhiều người.

Ở Việt Nam, có hàng loạt vụ cá mập tấn công người trên vùng biển Quy Nhơn những năm gần đây, và đương nhiên, cá mập trắng lớn là nghi phạm hàng đầu.

Cua huỳnh đế (Ranina ranina) là loài cua biển khổng lồ xuất hiện ở một số vùng biển phía Nam của Việt Nam. Loài cua này có thân mình khum tròn như mai rùa, màu sắc rực rỡ, bắt mắt. Những con cua huỳnh đế sống tại vùng biển nước sâu có thể nặng hơn 1kg.

Ốc anh vũ (Nautilus pompilus) được giới khoa học coi là một “hóa thạch sống” trong thiên nhiên, vì chúng thay đổi rất ít so với tổ tiên cách đây 400-500 triệu năm. Tại Việt Nam, sinh vật này được ghi nhận tại vùng biển Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, số lượng ngày càng hiếm do bị khai thác quá mức.

Mời quý độc giả xem video: "Kỳ lạ loài cá có khả năng tàng hình, chỉ xuất hiện ở Nha Trang".

Hoàng Mai (T/H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nhung-loai-ca-doc-la-nhat-the-gioi-co-o-viet-nam-1976451.html