Những ký ức không bao giờ quên

Trong tình cảm ruột thịt, đoàn kết Bắc - Nam, mối lương duyên giữa Hoằng Hóa - Điện Bàn đã thấm sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Hoằng Hóa. Để rồi mỗi khi đến cuộc hẹn của những ngày tháng 7, những người dân Hoằng Hóa nói chung, người Hoằng Hóa từng sống, làm việc, chiến đấu ở Điện Bàn nói riêng lại thêm một lần nao nao xúc động khi nhắc nhớ về những ký ức một thời khói lửa không bao giờ quên.

Cựu chiến binh Hoàng Khắc Vang, xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) kể chuyện về những người lính tham gia Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn.

Được sự giới thiệu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoằng Hóa, chúng tôi về xã Hoằng Trinh để gặp ông Trịnh Ngọc Hưởng - một người lính năm xưa của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn - Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Mỹ, từ tình cảm kết nghĩa giữa 2 tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam, tháng 8-1967, Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa đã thành lập tiểu đoàn bộ đội địa phương mang tên Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn để chi viện cho chiến trường Quảng Nam. Những người con ưu tú của quê hương Thanh Hóa mang trên mình sứ mệnh vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam anh em đã cùng quân và dân Quảng Nam chiến đấu và chiến thắng quân thù. Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn ngày ấy gồm 500 người lính thì có 175 chiến sĩ là người Hoằng Hóa. Người lính trẻ Trịnh Ngọc Hưởng là một trong số 500 chiến sĩ của tiểu đoàn trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam thời bấy giờ.

Ông kể, ngày ấy, khi chưa tròn 18 tuổi, mặc dù thuộc diện ưu tiên không phải nhập ngũ, nhưng ông đã viết đơn xin tình nguyện và hăng hái lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, ông vui mừng khi biết tin mình được chọn vào Tiểu đoàn Lam Sơn - Thanh Hóa để chi viện cho chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi có cái tên quen thuộc: Điện Bàn - đơn vị kết nghĩa với huyện Hoằng Hóa.

Ông còn nhớ như in lễ xuất quân hào khí của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn ngày ấy, hình ảnh đồng chí Ngô Thuyền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa giao nhiệm vụ và trao lá cờ quyết thắng cho tiểu đoàn. Rồi kỷ niệm về những ngày hành quân thần tốc, lội suối, băng rừng với ý chí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” lại như ùa về trong tâm trí của người cựu chiến binh đã ở tuổi xế chiều.

Ông Hưởng kể: “Nơi đầu tiên đoàn quân đặt chân đến với chiến trường Quảng Nam là ở xã Lộc Tân, huyện Đại Lộc. Tại đây, chúng tôi được học cách sinh hoạt của Nhân dân từng vùng, được nghe thông tin về tình hình địch và âm mưu của chúng. Sau khi sắp xếp tổ chức, tiểu đoàn được giao nhiệm vụ đánh vào cứ điểm Cồn Khe, thuộc xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn. Ở cứ điểm này, địch có 3 tiểu đoàn, gần 1.000 tên với nhiều trang bị vũ khí hiện đại, phòng thủ kiên cố. Được sự chỉ đạo của Tỉnh đội Quảng Nam, tiểu đoàn tổ chức 10 đồng chí chia làm 2 tổ tiền trạm để nắm tình hình hoạt động của địch. Tôi tham gia vào đội hình tiền trạm đó. Đó là những ngày phải nói là cực kỳ khó khăn. 7 ngày nằm hầm bí mật, chúng tôi được các o du kích, dân quân Điện Bàn dẫn đường, che chở, đưa cơm như những người thân trong gia đình. Đến ngày thứ 7, chúng tôi đã hoàn chỉnh được hồ sơ cứ điểm Cồn Khe, lập sa bàn, lên kế hoạch chiến đấu. Tối ngày 21-2, rạng sáng 22-2-1969, tiểu đoàn bí mật hành động. Tôi được giao nhiệm vụ đánh 1 ụ pháo và 1 hầm ngay cạnh ụ pháo. Cứ điểm có 11 hàng rào, trong hàng rào, địch treo ống bơ, cài nhiều loại mìn. Song với tinh thần dũng cảm, sáng tạo của chiến sĩ đặc công, đúng 1 giờ đêm chúng tôi đã luồn sâu, lót sẵn vào các mục tiêu đã giao. Lúc đó, một tiếng nổ long trời của quả bộc phá 20 kg do tổ thọc sâu của ta đã nổ, phát sáng một vùng rộng lớn. Tiếng súng hỏa lực của B40, B41, tiếng AK, tiếng thủ pháo của quân ta làm cho mặt đất rung lên bần bật, quân địch trở tay không kịp. Chúng rú còi báo động, xe tăng, xe bọc thép chạy quanh cứ điểm để chặn đường rút của quân ta. Trên vọng lâu, chúng ném lựu đạn xuống như mưa, song bằng sự mưu trí, dũng cảm, quân ta đã nhanh chóng rút ra bằng cửa chính cứ điểm. Trong trận đánh này, quân ta đã tiêu diệt được 205 tên địch, diệt 2 trận địa pháo, phá hủy 7 xe M113, phá sập 8 lô cốt, 16 trại lính, diệt 2 sở chỉ huy... Phía tiểu đoàn của ta, tổ thọc sâu không ra được, các đặc công phải nằm lại ở các nhà bị sập, địch đã bao vây bắt 6 đồng chí. 6 chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh, 4 đồng chí bị thương, trong đó có tôi".

"Bị thương nặng, tôi được đồng đội đưa về trạm tiền tiêu, sau đó đưa vào hầm bí mật. Một lần nữa, hơn lúc nào hết, giữa lằn ranh sinh tử, tôi lại cảm nhận được tình cảm đặc biệt của người dân Điện Bàn” ông Hưởng xúc động nói.

Một điều đặc biệt, dù thời gian đã trôi qua rất lâu, cuộc sống đã có rất nhiều thay đổi, song ông Hưởng vẫn còn lưu giữ bên mình nhiều kỷ vật đã theo ông trên những nẻo đường hành quân chiến đấu. Đó là chiếc ba lô con cóc, chiếc mũ giải phóng, võng dù, màn tuyn, la bàn, ăng-gô Liên Xô, xẻng đào công sự và cả chiếc dây lưng chiến lợi phẩm. Tháng 5-2023, ông đã tặng lại những kỷ vật thiêng liêng ấy cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Hoằng Hóa để phục vụ cho công tác trưng bày tại Nhà Truyền thống huyện Hoằng Hóa. Những ngày tháng 7 này, những kỷ vật ấy đã thay ông “hành quân” vào thăm lại chiến trường xưa và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng thị xã Điện Bàn nhân sự kiện kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Hoằng Hóa - Điện Bàn.

Cũng như ông Hưởng và nhiều người lính khác, người đảng viên Hoàng Khắc Vang với 55 năm tuổi Đảng, 78 năm tuổi đời, quê ở xã Hoằng Thắng cũng là một chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn năm xưa, một người có nhiều “duyên nợ” với đất Quảng Nam, với Điện Bàn.

Theo lời kể của ông Vang, có thể nói, kể từ khi kết nghĩa năm 1963, ở hậu phương Hoằng Hóa bắt đầu xuất hiện các phong trào thi đua sản xuất với tinh thần vì Điện Bàn anh em. Đâu đâu cũng có những phong trào lao động sản xuất gắn liền với tên gọi Điện Bàn, từ “Cánh đồng Điện Bàn”, “Vườn cây Điện Bàn”, “Đội cấy Điện Bàn”, “Công trình Điện Bàn”... Hướng ra tiền tuyến, ông Vang cũng như hàng ngàn thanh niên Hoằng Hóa ở tuổi mười chín, đôi mươi thời bấy giờ nối tiếp nhau vượt ngàn dặm Trường Sơn đầy gian khổ, hiểm nguy vào chi viện chiến trường Quảng Nam.

“Trên mảnh đất đầy máu lửa của Điện Bàn ở giai đoạn cam go nhất, các chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn đã luôn “kề vai, sát cánh” với quân và dân Điện Bàn, đồng cam cộng khổ, chiến đấu anh dũng và lập nên những chiến công vẻ vang. Nhiều người con của Hoằng Hóa đã anh dũng hy sinh hoặc đã đóng góp một phần xương máu cho đến ngày toàn thắng. Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn có 175 chiến sĩ là người Hoằng Hóa; sau ngày giải phóng năm 1975, chỉ còn 33 đồng chí trở về”, ông Vang xúc động nói.

Trở lại quê hương Hoằng Hóa những năm đổi mới, người lính đặc công năm xưa trở thành một cán bộ

Nhà nước và may mắn được công tác tại Văn phòng UBND huyện Hoằng Hóa rồi về nghỉ chế độ và gắn bó với phong trào của địa phương. Những năm tháng ấy, ông Vang tiếp tục được chứng kiến mối quan hệ kết nghĩa đặc biệt giữa hai đơn vị ngày càng được kế thừa trên nền tảng của những năm kháng chiến. Cứ vào mỗi dịp sự kiện lịch sử của mỗi địa phương, ngày thương binh, liệt sĩ, đoàn công tác của huyện Điện Bàn lại ra thăm Hoằng Hóa, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có những cuộc gặp gỡ, cái bắt tay, cái ôm thật chặt của những người con Điện Bàn hôm nay dành tặng cho những chiến sĩ đặc công Lam Sơn năm xưa. Huyện Điện Bàn đã đầu tư hàng tỷ đồng xây tặng trường học ở Hoằng Hóa, hỗ trợ kinh phí làm nhà tình nghĩa cho những người lính từng chiến đấu ở Điện Bàn có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Riêng đối với những người lính Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn năm xưa, thị xã Điện Bàn đã hỗ trợ 4 gia đình với số tiền 250 triệu đồng để cải tạo, xây dựng nhà ở.

Hai huyện còn thống nhất, kỷ niệm trọng thể sự kiện kết nghĩa luân phiên được tổ chức 5 năm một lần, năm chẵn được tổ chức ở Điện Bàn, năm lẻ tổ chức tại huyện Hoằng Hóa. Ông Vang chia sẻ: “Tôi may mắn có 5 lần được trở lại Điện Bàn, trong đó có 2 lần vinh dự được tham dự các sự kiện kỷ niệm ngày kết nghĩa của hai địa phương. Những lần được trở lại Điện Bàn, thăm lại chiến trường xưa là một lần xúc động, tự hào khi được trở về với nơi từng gắn bó để nhớ lại một thời gian khổ mà hào hùng của tuổi trẻ, để được thắp cho đồng chí, đồng đội còn nằm lại nơi ấy nén hương tưởng nhớ...”.

Khép lại câu chuyện của những người chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn - Thanh Hóa ngày ấy, bây giờ, sâu thẳm trong trái tim họ vẫn luôn sâu nặng tình cảm đoàn kết, thủy chung, son sắt giữa Hoằng Hóa anh hùng với Điện Bàn kiên trung, bất khuất. Đó là những giá trị nhân văn cao đẹp và thiêng liêng được xây nên bằng máu, mồ hôi và nước mắt của đồng bào, chiến sĩ hai địa phương. Đúng như lời ngân nga trong bài hát “Hoằng Hóa - Điện Bàn một khúc ca” đã viết:

"Sắt son lòng dạ trung trinh

60 năm ấy có mình, có ta”.

Bài và ảnh: Việt Hương

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Kỷ yếu 55 năm Hoằng Hóa - Điện Bàn, NXB Hồng Đức).

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/nhung-ky-uc-khong-bao-gio-quen/191008.htm