Những kỷ niệm một đời người của đồng chí Phan Văn Trang (Kỳ 3)

Thời gian còn ở trong nhà dân, đồng chí Trang luôn tự giác giúp đỡ dân, tìm việc để làm, không có kiểu “ăn trên ngồi trốc” trong nhà dân nên luôn nhận được sự yêu quý đi dân nhớ, ở dân thương.

Năm đầu tiên sau hiệp định Gionevo 1954, đồng chí Trang về trình giấy giới thiệu với chi bộ Mĩ Hiệp (xã Tân Hiệp, Tân Mĩ hợp lại). Ông được bí thư chi bộ phân công công tác vận động quần chúng ấp Tân Mĩ, thuộc xã An Thành.

Miếu thờ Thần nông ở đình làng Tân Phước, nơi tác giả lúc còn hoạt động được dân tiếp tế hàng ngày.

Đối mặt với công tác mới mẻ và bỡ ngỡ, ông bám vài gia đình yêu mến Cách mạng trước đây sống trong vòng kiểm soát của địch, từ đó hỏi phân ra được gia đình nào tốt, gia đình nào chưa giác ngộ Cách mạng. Cách làm việc của ông chính là phải bám được gia đình tốt, từ đó tiến đến giáo dục xây dựng cốt cán quần chúng, dùng quần chúng tốt đi vận động quần chúng khác xung quanh.

Sau vụ việc cướp đánh vào nhà dân nhưng người dân không có biện pháp chống trả, đồng chí Trang nghĩ ngay đến việc phải tổ chức quần chúng lại để bảo vệ đồng bào. Ông đưa ra việc làm đơn kí tên xin đồn lính Tân Ba, xin bọn tề xã cho tổ chức đội canh tuần chống bọn cướp, dân chúng kí tên cả trăm người. Một số người dân cầm đơn ra làng, ra bót xin, đơn có lý, bọn chúng chấp thuận kí đơn cho phép.

Ngay sau đó, ông tổ chức ngay đội canh tuần, đưa đảng viên, đoàn viên hợp pháp vào đội và xây dựng số cốt cán quần chúng. Đội canh tuần rất hợp pháp, số trung niên và thanh niên vào đội phân ra ba đội, mỗi đội đi tuần một đêm, có cây, mõ tre đem theo.

Thanh niên hăng hái, Đảng viên, đoàn viên nòng cốt, mỗi lần lính vào đi ruồng ban đêm phải quan hệ đội canh tuần dẫn đường. Quần chúng phấn khởi trước hiệu quả này, những gia đình khá giả còn góp tiền cho đội canh tuần mỗi tối đi tuần nấu cháo ăn. Cũng từ tổ canh tuần mà giải quyết được, thắt chặt tình đoàn kết trong xóm.

Từ ở trong căn cứ chiến khu mới ra dân công tác, không quen biết cách công tác quần chúng ở vùng địch kiểm soát, Đảng dạy phải nắm nguyên tắc bí mật, công khai, bán công khai, thực tế ông chỉ hiểu qua qua vậy thôi. Đến khi đụng việc, nảy ra sáng kiến tổ chức, tập hợp lực lượng thanh niên đôn đảo và hoạt động tốt.

Ông nhận ra rằng, vừa làm vừa học, rồi trong công tác sẽ dạy mình, chứ không có thầy nào và cũng chẳng có mô hình làm sẵn. Đồng chí Phan Văn trang làm Bí thư chi bộ như chuyên nghiệp, bị bọn giặc phát hiện, lùng bắt, phải ở bất hợp pháp, bán hợp pháp. Lo giáo dục và đào tạo nhiệm vụ cho Đảng viên ở hợp pháp công tác rồi kiểm tra, uốn nắn.

Ông tổ chức được chi đoàn Thanh niên Lao động, phát triển thêm được đảng viên hợp pháp, chi bộ được 23 Đảng viên và chi ủy có 3 người. Chi bộ hoạt động theo phương châm bí mật, công khai không bị lộ. Rút kinh nghiệm từ việc tổ chức đội canh tuần ở Tân Mĩ, Đảng viên dựa vào tổ chức hợp pháp hoạt động.

Ở đây, vận động tổ chức được nông dân vào hội vần đổi công cấy, công cày tương trợ nhau. Tổ chức được hội vần đổi công, xây dựng tình đoàn kết giữa người có trâu cày và người có trâu. Người có trâu cày một công, thì người bỏ công bù lại, từ đó tình đoàn kết gắn bó.

Bám dân để hoàn thành công tác

Lúc này, Ngô Đình Diệm bày ra tổ chức chính trị phản động mang tên “Phong trào cách mạng quốc gia”. Hội vần đổi công bàn nhau công khai chống lại không vào, viện lý do làm ăn ngày mùa không họp được, dần dần vô hiệu hóa, tổ chức có hình thức mà không có hoạt động.

Dân làng Tân Hiệp thuần hậu vì hầu hết sống ở đây từ đời này sang đời khác, quen biết thân thiện nhau, ai quan hệ với giặc là dân biết và cô lập. Đặc biệt, dân làng Tân Hiệp như hạt gạo cội, nhà nào cũng tốt với cách mạng, suốt 9 năm chống Pháp rồi đến 21 năm chống Mỹ vẫn một lòng sắt son với cách mạng, bảo vệ, nuôi giấu cách mạng đến cùng. Dân ấp Tân Phước cũng vậy, ở sát đồn bót giặc nhưng luôn tin tưởng và ủng hộ cách mạng, Cách mạng cần là dân lo liệu không một người từ chối.

Đến gần cuối năm 1955, Thường vụ Huyện ủy quyết định rút ông về huyện làm Trưởng ban Thanh vận. Công tác vận động thanh niên trong vùng địch chiếm đóng là cả một vấn đề khó, khiến ông phải suy nghĩ phải làm như thế nào mới có thể đạt được hiệu quả như mong muốn.

Ban đầu, ông chọn xã Tân Vạn làm điểm công tác vận động thanh niên. Thanh niên ở đây cả nam lẫn nữ hầu hết đều làm lò gạch, lò lu, sống tập thể. Ở đây, ông tạo thế hợp pháp vì không ai biết ông là người Cách mạng. Nhờ có sự giúp đỡ của một gia đình được chi bộ giáo dục, hiểu biết cách mạng, ông làm giấy tờ giả và an toàn ở lại làm Cách mạng mà không bị lộ thân phận. Từ đó, ông bắt đầu những ngày giả làm người mua bán gạch, bắt đầu vận động thanh niên.

Ông bắt đầu chọn lọc thanh niên tốt, xây dựng phát triển Đoàn. Thời kì còn đơn thuần đấu tranh chính trị, việc bám dân tạo thế hợp pháp qua mắt địch là vô cùng khó khăn. Nhưng nhờ có quyết tâm, có nhiệt tình Cách mạng, mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

Ở với dân, để được dân thương và đùm bọc không phải là chuyện dễ, phải tự coi mình như con em trong nhà, hòa hợp với dân. Thời gian còn ở trong nhà dân, đồng chí Trang luôn tự giác giúp đỡ dân, tìm việc để làm, không có kiểu “ăn trên ngồi trốc” trong nhà dân. Cũng vì vậy, mà ông luôn nhận được sự yêu quý của người dân vùng công tác, đi dân nhớ, ở dân thương. Lúc đi, người dân lưu luyến, bịn rịn không rứt.

Nhóm PVMĐ/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/nhung-ki-niem-mot-doi-nguoi-cu%cc%89a-do%cc%80ng-chi%cc%81-phan-van-trang-ky%cc%80-3-p41866.html