Những kỷ niệm không quên về họa sĩ Nguyễn Sáng

Nhân 100 năm ngày sinh của cố họa sĩ Nguyễn Sáng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức buổi trò chuyện nghệ thuật với chủ đề: 'Những kỷ niệm về họa sĩ Nguyễn Sáng'.

Nguyễn Sáng là một trong những họa sĩ Việt Nam sử dụng thành thạo nhiều chất liệu hội họa, trong đó có những chất liệu quan trọng như: sơn mài, sơn dầu, lụa… Và hầu như ở chất liệu nào ông cũng đều để lại những dấu ấn tài hoa. Bằng trái tim chân thành của người nghệ sĩ, họa sĩ Nguyễn Sáng đã làm lay động người xem bằng những nét vẽ, hình họa, màu sắc hiện đại mà giản dị nhưng không hề khô khan, sáo rỗng.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn và họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ những kỉ niệm về họa sĩ Nguyễn Sáng.

Tại buổi nói chuyện, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, đến hiện tại, những bài học lớn mà họa sĩ Nguyễn Sáng để lại cho thế hệ sau vẫn còn nguyên vẹn, mãi là những ảnh hưởng lớn cho sự phát triển đa dạng của nền nghệ thuật đương đại nước nhà.

“Cuộc đời của danh họa Nguyễn Sáng đẹp đẽ từ khi ông có mặt ở Hà Nội cho đến khi ông qua đời. Chúng tôi vẫn thường nhắc nhớ ông về bài học phải biết tự bảo trọng phẩm cách nghệ sĩ. Nếu không bảo trọng phẩm cách nghệ sĩ thì không bao giờ có thể bảo đảm được tài năng nghệ thuật của cá nhân. Cuộc đời ông ở Hà Nội cũng rất bình dị và thầm lặng, gần như chỉ là những tác phẩm của ông lên tiếng thôi. Ông biết cách chia sẻ trong cái yên lặng của một tính cách nghệ sĩ lớn”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Toàn cảnh buổi nói chuyện nghệ thuật “Những kỷ niệm về họa sĩ Nguyễn Sáng”

Từng có khoảng thời gian làm việc và gắn bó với họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Đặng Thị Khuê cho rằng: “Trong 10 năm cùng sinh hoạt với họa sĩ Nguyễn Sáng ở một tập thể thì khó có thể chọn ra được một cái gì đặc sắc nhất ở ông. Nhưng có lẽ tôi hạnh phúc vì được ông coi như là em gái nên tất cả vui buồn, tất cả nỗi niềm của ông, tôi đều được ông chia sẻ. Tôi nghĩ rằng, hãy nhìn Nguyễn Sáng với một con người cụ thể, một nỗ lực cụ thể và khi đặt ông trong một bối cảnh của hàng ngàn vạn khó khăn khi đó, chúng ta càng thấy ông lớn lao gấp bội phần”.

Tác phẩm Nghỉ trưa của họa sĩ Nguyễn Sáng tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Sáng để lại cho nền mỹ thuật Việt Nam rất nhiều tác phẩm, với nhiều đề tài và nhiều chất liệu khác nhau. Ngôn ngữ hội họa của ông có tầm khái quát cao, kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật truyền thống với thành tựu nghệ thuật hiện đại thế giới, đóng góp vào việc cách tân hội họa hiện đại Việt Nam.

Tác phẩm Chùa tháp Phổ Minh

Tác phẩm Trú mưa

Nguyễn Sáng (1923-1988) là một danh họa có nhiều đóng góp tiêu biểu cho hội họa hiện đại Việt Nam. Ông là một trong "Tứ kiệt" của làng hội họa Việt Nam: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái.

Từ năm 1936 đến năm 1938, Nguyễn Sáng học Trường Mỹ thuật Gia Định. Từ năm 1941 đến năm 1945 học tiếp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa XIV. Tháng 8/1945, ông tham gia cách mạng ở Hà Nội. Đến cuối tháng 12/1946, ông lên chiến khu Việt Bắc, dùng nét vẽ của mình để phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc.

Cùng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, ông là cây đại thụ của sơn mài Việt Nam. Những tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Sáng ở thể loại sơn mài: Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Thanh niên thành đồng...

Thanh Huyền - Quốc Toản/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nhung-ky-niem-khong-quen-ve-hoa-si-nguyen-sang-post1036090.vov