Những kỷ niệm khó quên

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, hướng về kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp đến thăm ông Nguyễn Thanh Lâm, chiến sỹ giải phóng miền Nam năm xưa, hiện đang sống ở tiểu khu 19/8, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu.

Ông Nguyễn Thanh Lâm (người thứ 3 từ phải sang) kể về những năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Nam.

Ông Nguyễn Thanh Lâm (người thứ 3 từ phải sang) kể về những năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Nam.

Trong câu chuyện với ông Lâm chúng tôi được biết, ông quê ở xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Năm 1960, khi 19 tuổi ông xung phong lên làm công nhân Nông trường quốc doanh Mộc Châu. Tháng 8/1963, ông được đơn vị cử đi học cơ khí tại Trường trung cấp cơ khí của Bộ Nông trường tại Nghệ An, đến tháng 5/1965, ông Lâm nhập ngũ, được biên chế vào Trạm quân giới, Trung đoàn 812B, Sư đoàn 324 tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.

Với chuyên ngành học về cơ khí, ngày vào quân ngũ ông Lâm được phân công làm tại Trạm Quân giới, có nhiệm vụ cung cấp vũ khí, đạn dược cho bộ đội chiến đấu và sửa chữa, khắc phục vũ khí bị hỏng hóc. Tuy không cầm súng trực tiếp tham gia, nhưng công việc của ông luôn đi sát từng trận đánh.

Ông Lâm kể: Có lần bộ đội mất máy ngắm bắn của súng DKZ 75 không thể bắn trúng mục tiêu vào lô cốt địch. Trong tình thế đó, tôi đã hỗ trợ chiến sỹ bắn trúng mục tiêu mà không cần máy ngắm, bởi tôi nhận thấy trên nòng súng có chữ thập tôi chỉ cho bộ đội dùng sợi vải căng lên miệng nòng súng, rút kim hỏa, nhìn vào chữ thập và lô cốt tạo thành ba điểm thẳng hàng, sau đó lắp kim hỏa, lắp đạn vào, nhờ đó bắn trúng mục tiêu. Sáng kiến lấy thước ngắm qua nòng súng này sau đó được nhiều đơn vị áp dụng, góp phần vào chiến thắng chung.

Ngoài ra, ông Lâm cùng đồng đội nghiên cứu chế tạo ra bom, mìn định hướng giúp quân ta có thêm các hỏa lực mạnh phục vụ các trận đánh lớn. Trong những lần tham gia hỗ trợ chiến đấu, ông Lâm đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc, may mắn là 2 lần bị mảnh đạn pháo găm vào chân và tay. Ngay sau khi được điều trị khỏi, ông Lâm trở lại thực hiện nhiệm vụ của mình. Với kinh nghiệm, đóng góp của mình ông Lâm được phân công làm Trạm trưởng Trạm quân giới, rồi Phó ban Quân giới Sư đoàn 324.

Sau thời gian chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, đơn vị của ông Lâm tiếp tục tham gia Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế toàn thắng vào ngày 26/3/1975. Sau đó, đơn vị của ông tiếp tục tham gia vào Chiến dịch Phan Rang - Xuân Lộc, đây là chiến dịch quyết định trước cửa ngõ Sài Gòn trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Thời điểm đó, đơn vị ông có nhiệm vụ nghi binh, hàng đêm bí mật chở các chiến sỹ ngược ra Nha Trang, ban ngày lại đưa chiến sỹ ngược lại để địch không thể đoán được số lượng quân ta vào giải phóng miền Nam.

Cùng với đó, đơn vị của ông còn là lực lượng quân dự bị ở Xuân Lộc, sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh của cấp trên. Với thế mạnh của quân giải phóng, ngày 30/4/1975, quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi và anh em trong đơn vị ai nấy đều mừng vui khôn xiết, mừng vì đất nước đã hoàn toàn giải phóng.

Sau khi giải phóng, ông Lâm cùng đơn vị tiếp tục tham gia ở chiến trường Lào. Năm 1983, ông ra quân với cấp bậc Đại úy, thương binh hạng ¾, bị ảnh hưởng chất độc màu da cam 61%. Trở về thị trấn Nông trường Mộc Châu, ông cùng gia đình tích cực khai hoang, phát triển sản xuất, chăn nuôi. Năm 1990, ông Lâm giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường, năm 2000 ông nghỉ hưu. Trong 5 người con của ông, hiện 4 người đã trưởng thành lập gia đình và có công việc khác nhau, riêng người con gái út bị ảnh hưởng của chất độc da cam nên vợ chồng ông phải thay nhau chăm sóc. Đối với ông, được sống trong thời bình, chứng kiến quê hương đất nước đổi thay là niềm hạnh phúc, dẫu vậy, ông luôn đau đáu tưởng nhớ nhiều đồng đội đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc thân yêu.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhung-ky-niem-kho-quen-49696