Những kỉ niệm của một đời người của đồng chí Phan Văn Trang (Kỳ 4)

Nhận công tác mới, đến một khu vực xa lạ để bắt đầu nhiệm vụ, bám dân để hoạt động, khó khăn nhiều vô kể, nhưng đồng chí Phan Văn Trang vẫn không hề nản lòng.

Ngược lại, khó khăn càng tôi luyện thêm cho ý chí ngoan cường của ông. Những năm này, ông vừa sống trong lòng địch, vừa tổ chức dân vận, thanh vận, đem hết nỗ lực và trí tuệ ra để cống hiến cho sự nghiệp cứu quốc của Đảng, của đồng bào ta…

Về chiến khu Bình Đa

Tác giả trong thời gian về Cù Lao Phố xây dựng cơ sở (năm 1958).

Năm 1956, Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Cửu quyết định để ông thôi làm công tác thanh vận để sang làm Trưởng văn phòng Huyện ủy. Văn phòng Huyện ủy đóng ở chân núi Châu Thới, thuộc ấp Tân Hóa, xã Hóa An, Biên Hòa. Ở đây, ông gặp được những người đồng chí, đồng đội thân thiết, bà con tốt với cách mạng. Những người có ruộng làm sát chân núi Châu Thới ngày nào ra làm ruộng là đều mang thức ăn cho Văn phòng Huyện ủy.

Đến tháng 3/1956, Văn phòng Huyện ủy chuyển ra căn cứ Bình Đa, Tân Hiệp. Căn cứ cách mạng thời gian này còn là rừng cây nguyên vẹn. Cập sát căn cứ Bình Đa là Sở cao su Suối Chùa, sát lộ 15 và sở cao su Mười Răng. Công nhân cạo mủ ai cũng tốt, thường mua gạo, thuốc trị bệnh cho văn phòng Huyện ủy.

Sát căn cứ Bình Đa còn có ấp Bình Đa và ấp An Hảo, ấp Bình Dương, dân trong ba ấp này gắn bó Cách mạng từ thời chống Pháp. Cơ quan, bộ đội đi tập kết hết, chỉ có cơ quan Huyện ủy đóng ở đây, mặc dù chưa hề quen biết hay gắn bó lâu dài, nhưng chỉ cần biết là cán bộ Cách mạng, họ đều ủng hộ, giúp đỡ và bảo vệ đồng chí Trang vô điều kiện. Khu căn cứ Bình Đa mênh mông mà chỉ có cơ quan Huyện ủy ở. Tuy vậy, nhưng khi ra vào vẫn phải nghiêm trang.

Đồng chí Trang bắt đầu công việc làm Trưởng Văn phòng Huyện Ủy, với sự tận tụy, luôn nắm tình hình đầy đủ, giúp tình hình chỉ đạo kịp thời nên ai ai cũng mến. Một huyện rộng bao la, nhiều xã có chi bộ chỉ có 3, 5 đồng chí, có xã chỉ có một vài đảng viên nhưng bị lộ phải ở sông rạch, ở rừng, số khác ở trong dân không được, phải sắm ghe thuyền ăn ở dưới sông Đồng Nai giả làm dân câu tôm, câu cá để che mắt địch.

Khó khăn là vậy, nhưng báo cáo về Văn phòng Huyện ủy luôn rất chặt chẽ. Xã nào cũng có cán bộ ta bám quần chúng, nhen nhóm xây dựng phong trào. Xây dựng từ người cốt cán quần chúng, xây dựng từ quần chúng cảm tình cách mạng, rồi nòng cốt tích cực, tổ chức xâu chuỗi, kiên trì xây dựng cơ sở cách mạng trong khi kẻ địch rêu rao nói xấu Cộng sản, tố cộng.

Khoảng thời gian đầy cam go thử thách ấy, chỉ có ý chí sắt đá, lòng yêu nước trung kiên với tổ quốc, với Đảng kính yêu mới có thể trụ vững và làm tốt, mới có thể đứng vững trong vòng vây của kẻ thù. Sau đó, vì một sự việc hiểu lầm mà người dân xã Long Bình Tân dẫn lính đến làm lộ căn cứ Huyện ủy, đồng chí Phan Văn Trang lúc ấy dưới tình thế nguy cấp đã xoay sở tình hình, thu dọn đồ đạc rời đi căn cứ Bình Đa mới có thể thoát được một nạn nguy hiểm. Ông dời văn phòng Huyện ủy về rừng Bình Ý. Các anh trong Huyện ủy Vĩnh Cửu ai cũng khen ngợi ông biết xoay sở tình thế, đối phó kịp thời, không gây ra thiệt hại.

Tháng 7/1956, đồng chí Phan Văn Trang nhận nhiệm vụ mới. Thường vụ Huyện ủy bàn rút ông ra khỏi Văn phòng Huyện ủy, làm công tác viên Huyện ủy, bố trí vào xã Hiệp Hòa trụ bám cho được, tạo thế hợp pháp vững, chỉ đạo Hiệp Hòa và các xã trong vùng. Nhiệm vụ mới, khó khăn mới, lòng ông lại thêm một nỗi lo nữa, nhưng dù vậy, ông luôn có lòng tin rằng mình sẽ làm được, làm tốt công tác cấp trên giao phó.

Hoạt động trong vòng vây

Hồi ấy, đồng chí Trang không chỉ công tác tại Cù Lao Phố - Hiệp Hòa mà còn phải công tác ở các xã Long Bình Tân, An Hòa, Bến Gỗ,… Ở các nơi đó, ban đầu, trở ngại lớn nhất là ông không hề quen biết bất cứ ai. Ông tìm đủ cách để bám dân xây dựng cơ sở, khó khăn nhiều, nhưng tinh thần lại càng hăng hái. Tháng 11/1957, Mĩ tiến hành ủi rừng Bình Đa, phá căn cứ cách mạng, làm xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa.

Tỉnh ủy Biên Hòa quyết định thành lập Ban chỉ đạo chống Mĩ làm xa lộ, đồng chí Phan Văn Trang làm ủy viên trong ban, được phân công trực tiếp chỉ đạo tại chỗ. Chỉ đạo chống Mĩ ủi rừng, ủi mồ mả, nhà cửa dân để làm xa lộ, ông giáo dục Đảng viên, nòng cốt quần chúng ở ấp An Hảo, Bình Đa và ấp Bình Dương.

Ông chỉ nắm cốt cán cơ sở mật chỉ đạo rồi cơ sở giáo dục nắm quần chúng. Để giáo dục căm thù Mĩ, ông hướng cho cơ sở lãnh đạo quần chúng mỗi gia đình cắm một đoạn cây trên mả, cột vải đỏ lên cây biểu thị lòng căm thù. Người dân hưởng ứng nhiều, không ai lùi bước. Khi phong trào quần chúng đã nổi dậy, ông hướng dẫn đảng viên mật, cơ sở mật lãnh đạo đấu tranh phải bình tĩnh, có lý, có lợi, không manh động, tránh bị đàn áp.

Một buổi sáng, mấy xe ủi của Mĩ đến ủi rừng, ủi mả, cơ sở đã vận động quần chúng ra gò mả An Hảo cả trăm người. Trước sự phản đối quyết liệt của người dân đối với hành động ủi rừng, ủi mả của Mĩ, tên Mĩ làm công việc giám sát cũng phải bỏ chạy.

Đồng chí Trang hướng dẫn bà con làm đơn ký tên tập thể, kiến nghị lên tỉnh trưởng Biên Hòa. Tỉnh trưởng Biên Hòa điều đình với Mĩ, ngưng được ba tháng và bồi thường mỗi ngôi mộ 3000 đồng (tiền ngụy hồi ấy) tiền bốc mộ.

Đồng chí Phan Văn Trang lúc ấy đã xác định rõ, Mĩ phóng đường, làm xa lộ từ Sài Gòn lên Biên Hòa và tập trung làm cầu qua sông Đồng Nai, không thể đòi Mĩ ngưng được, nhưng mình vẫn phải lãnh đạo tổ chức cho dân đấu tranh làm cho công việc đó trì trệ, làm cho dân ghét Mĩ, thù Mĩ. Cũng nhờ đấu tranh mà Mĩ nhượng bộ bồi thường, đó cũng là một bước thắng lợi trong công cuộc chống Mĩ, làm nhiệm vụ của ông.

Công tác mới nhiều khó khăn, mỗi một nhiệm vụ mới là một thử thách mới, nhưng bằng ý chi kiên cường, một tinh thần kiên trung với Đảng, với dân đã giúp đồng chí Phan Văn Trang vượt qua tất thảy, từng bước hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Nhóm PVMĐ/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/nhung-ki-niem-cua-mot-doi-nguoi-cua-dong-chi-phan-van-trang-ky-4-p41952.html