Những khó khăn trong việc bảo tồn nền y dược học dân tộc

Việc khai thác nhưng không chú trọng bảo tồn, khai thác không đúng quy định dẫn tới các nguồn dược liệu quý đang có nguy cơ tuyệt chủng nhiều hơn. Bên cạnh đó, thiên tai cũng là một vấn đề ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo tồn nguồn dược liệu tại các vùng đồng bào dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Duy Thuần – Nguyên PGĐ Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam nhận định trong dân gian có rất nhiều các cây thuốc, bài thuốc cổ truyền. Đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại càng sử dụng nhiều vị thuốc hay, như dân tộc người Mông, người Dao đỏ, Tày, Nùng, Mường… Những cây thuốc, bài thuốc cổ truyền là một kho tàng lớn.

PGS.TS Nguyễn Duy Thuần – Nguyên PGĐ Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam.

Công tác bảo tồn dược liệu cũng như bài thuốc dân tộc đã được cơ quan quản lý quan tâm từ rất lâu. Từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, các cơ quan quản lý đã có những dự án sưu tầm, bảo tồn và kế thừa lại những bài thuốc cổ truyền của các dân tộc, của các "ông lang, bà mế". Hàng chục nghìn bài thuốc đã được tập hợp và nghiên cứu chứng minh dần để đưa ra cách sử dụng tốt hơn. Tuy nhiên sau đó, do nhiều yếu tố khách quan, dự án cũng dần mai một đi.

Thời gian gần đây, công tác bảo tồn các cây thuốc luôn được Nhà nước và ngành y tế quan tâm. Cụ thể, từ những năm 2000, trong các chương trình bảo tồn nói chung về đa dạng sinh học đã có Dự án bảo tồn và phát triển thuốc y học cổ truyền. PGS.TS Nguyễn Duy Thuần với vai trò chủ nhiệm dự án đã cùng đoàn công tác đi đến tất cả các dân tộc, mỗi dân tộc đều có vườn bảo tồn dược liệu. Đoàn đã sưu tầm lại các kiến thức sử dụng thuốc của từng dân tộc đó. Việc bảo tồn y dược học cổ truyền đang được làm rất tốt và nhận được sự tạo điều kiện, quan tâm của các cấp các ngành. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn.

Đầu tiên, là khó khăn do liên quan đến thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Trong quá trình khảo sát, nhận thấy có những vùng trồng dược liệu thời gian trước vẫn duy trì tốt, nhưng chỉ sau một năm do lũ lụt, sạt lở, mưa… lại bị hư hại thậm chí mất trắng.

Bà con dân tộc tại tỉnh Hà Giang tham gia vào dự án trồng và phát triển dược liệu.

Khó khăn thứ 2 là ý thức người dân trong vấn đề bảo tồn. Trong vấn đề bảo tồn dược liệu có những quy định như thu hái nhưng không tận diệt. Tuy nhiên với những cây thuốc có giá trị thường sẽ bị người dân thu hái tận diệt. Mặc dù có hướng dẫn và tuyên truyền của các cấp các ngành nhưng chưa đạt hiệu quả. Do vậy, cần có phương án nghiên cứu để trồng. Còn nếu chỉ bảo tồn thì không thể duy trì được các loài thuốc quý.

Bên cạnh việc phát hiện ra những cây thuốc mới thì tỷ lệ mất đi các dược liệu cũng rất nhiều. Ví dụ như cây vàng đằng (một trong những chất để chiết xuất ra hoạt chất berberin) sau khi giải phóng miền Nam toàn bộ các tỉnh miền Nam và phía tây nguyên nhiều tới mức khai thác không hết. Nhưng chỉ trong vòng 10-20 năm khai thác vừa để sử dụng trong nước vừa để xuất khẩu, loài cây này dần không còn nữa. Trước đây, vàng đằng là những cây dây leo hàng trăm năm to bằng bắp đùi người, nhưng giờ chỉ là những dây leo bé tí. Hiện tại, cây vàng đằng phải bảo tồn với nguy cơ tuyệt chủng.

Vườn ươm cây mô dược liệu tại xã Hoàng Su Phì - Hà Giang.

Việc khai thác liên tục nhiều năm, không chú ý bảo vệ tái sinh và nhiều nguyên nhân tác động khác đã làm cho nguồn cây thuốc tự nhiên nước ta suy giảm nghiêm trọng. Hầu hết các cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao bị khai thác cạn kiệt. Nhiều năm qua, các nhà khoa học đã nỗ lực bảo tồn bằng nhiều cách để giữ nguồn gien và giống cây thuốc cho mục đích nghiên cứu và đưa vào khai thác phát triển, thương mại hóa.

Công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây thuốc đã được nhiều cơ quan trong và ngoài ngành y tế tham gia thực hiện trong suốt hơn 30 năm qua. Tính đến tháng 12/2021, hệ thống năm vườn bảo tồn của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đang bảo tồn và lưu giữ 1.180 nguồn gen cây thuốc, trong đó có 66 loài cây thuốc thuộc diện có nguy cơ bị tuyệt chủng. Đây là những nguồn vật liệu quan trọng cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, khai thác và phát triển nguồn gen, tạo nhiều giống dược liệu quý, có năng suất và chất lượng cao.

Bên cạnh đó, với Quyết định 1719/QĐ-TTg Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 với Tiểu dự án phát triển dược liệu với dự kiến vài trăm nghìn hecta dược liệu dùng cho trong nước và xuất khẩu sẽ góp phần bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu y học cổ truyền của nước ta.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-kho-khan-trong-viec-bao-ton-nen-y-duoc-hoc-dan-toc-169230915214504076.htm