Những kẻ u mê, lạc lối

Ngày 30-8, tại H. Chư Pưh, TAND tỉnh Gia Lai mở phiên tòa xét xử lưu động đối với Ksor Phit và Siu Đik (cùng 1970, trú xã Ia Hla, Chư Pưh) về tội 'Phá hoại chính sách đoàn kết'. Đây là các đối tượng tham gia hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia nhằm tập hợp thành lập cái gọi là 'nhà nước Đề-ga'.

Ngày 30-8, tại H. Chư Pưh, TAND tỉnh Gia Lai mở phiên tòa xét xử lưu động đối với Ksor Phit và Siu Đik (cùng 1970, trú xã Ia Hla, Chư Pưh) về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”. Đây là các đối tượng tham gia hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia nhằm tập hợp thành lập cái gọi là “nhà nước Đề-ga”.

Theo cáo trạng công bố tại phiên tòa, tháng 9-2015, Siu Đik (thường gọi Ama Mập) đến nhà bà Kpuih Proanh (thường gọi Amí Sôl, là mẹ của Kpuih Duin, một đối tượng FULRO lưu vong ở nước ngoài) ở làng Tai Pêr, xã Ia Hla để xin số điện thoại của Duin. Vài ngày sau, Siu Đik gọi điện thoại thì được Duin tuyên truyền là: “Sắp tới, nhà nước Đề-ga được thành lập”. 2 tuần sau, Ksor Phit (thường gọi Ama Yem) đến nhà Siu Đik chơi thì Đik kể lại việc được Duin tuyên truyền với những nội dung trên. Sau đó, cả hai hẹn nhau cùng lên núi Chư Gố (thuộc địa bàn xã Ia Hla) để Phit gọi điện thoại gặp Duin để hỏi chuyện cho rõ. Lần này, ngoài việc cho biết “nhà nước Đề-ga sắp được thành lập, Duin còn rủ rê, chỉ đạo Ksor Phit và Siu Đik đi tuyên truyền cho các hộ dân trong xã Ia Hla đang theo “tin lành Đề-ga” là không được từ bỏ, mà chỉ cầu nguyện tại nhà và phải cầu nguyện cho “nhà nước Đề-ga” sớm được thành lập. Đồng thời, Ksor Phit và Siu Đik phải nắm danh sách số hộ trên địa bàn xã Ia Hla còn theo “tin lành Đề-ga” để báo lại cho Duin biết.

Từ tháng 9-2015 đến khi bị bắt (ngày 11-3-2016), Ksor Phit và Siu Đik đã liên lạc với Kpuih Duin 8 lần, nội dung các lần liên lạc chủ yếu là nghe Duin tuyên truyền về “nhà nước Đề-ga” và chỉ “đường đi nước bước” cho Ksor Phit và Siu Đik hoạt động. Ban đầu, Kpuih Duin chỉ định Siu Đik làm xã trưởng FULRO kiêm chấp sự trưởng “tin lành Đề-ga” và Ksor Phit làm xã phó FULRO kiêm chấp sự phó “tin lành Đề-ga” xã Ia Hla. Do Siu Đik không biết chữ nên sau đó giữa Đik và Phit thống nhất là phải bầu lại chức danh xã trưởng, xã phó FULRO xã Ia Hla. Kết quả, Ksor Phit được làm xã trưởng, còn Siu Đik làm xã phó FULRO xã Ia Hla.

Siu Đik (trái) và Ksor Phit trước vành móng ngựa.

Do không có tiền và phương tiện đi lại hoạt động nên Ksor Phit đã gọi điện cho Kpuih Duin để xin. Duin liền chỉ đạo 2 đối tượng này đi thu tiền của những hộ theo “tin lành Đề-ga” ở địa bàn xã Ia Hla và hứa rằng khi “nhà nước Đề-ga” thành công thì sẽ trả lại số tiền đó, người nào đóng góp nhiều thì sau này sẽ được hưởng lương hằng tháng. Nghe vậy, từ tháng 9-2015 đến khi bị bắt, Ksor Phit và Siu Đik đã vận động thu được của 11 hộ trên địa bàn xã Ia Hla tổng cộng 25,5 triệu đồng. Tất cả số tiền thu được do Ksor Phit cất giữ và chi phí cho hoạt động. Cụ thể, Ksor Phit đã mua 1 xe máy 16 triệu đồng đồng, số còn lại dùng chi phí để mua sim, card, sửa chữa điện thoại, đổ xăng, ăn uống đi lại.

Khi nhận sự chỉ đạo của Kpuih Duin, Ksor Phit và Siu Đik đã họp bàn thống nhất mỗi người phụ trách 3 làng của xã Ia Hla. Theo đó, Siu Đik phụ trách làng Tai Pêr, Mung và Su B, còn Ksor Phit phụ trách làng Hra, Dư Keo và Tông Ket. Ngoài ra, Phit còn phụ trách làng Tai Glai thuộc xã Ia Ko (H. Chư Sê, Gia Lai). Mỗi người có nhiệm vụ đi tuyên truyền cho số hộ đang theo “tin lành Đề-ga” biết là “nhà nước Đề-ga” sắp thành công, động viên họ không được từ bỏ “tin lành Đề-ga”, không được quay lại đạo Tin lành Miền Nam Việt Nam, phải duy trì sinh hoạt “tin lành Đề-ga”, cầu nguyện tại nhà. Đồng thời, 2 đối tượng lập danh sách số hộ theo “tin lành Đề-ga” ở các làng do mình phụ trách và gọi điện báo cho Duin. Kpuih Duin đã khen ngợi, động viên, đồng thời yêu cầu Phit và Đik tiếp tục đi tuyên truyền cho các hộ ở các làng khác nữa để mở rộng phát triển lực lượng.

Dưới sự chỉ đạo của Duin qua điện thoại, từ tháng 9-2015 đến tháng 2-2016, Ksor Phit và Siu Đik đã tổ chức họp bầu và tìm chọn, chỉ định thành lập ra bộ khung tổ chức FULRO cấp làng trên địa bàn xã Ia Hla và làng Tai Glai (xã Ia Ko) gồm 17 đối tượng. Tuy nhiên, hoạt động của hai đối tượng này đã bị Cơ quan ANĐT CA tỉnh Gia Lai nắm rõ. Sau khi củng cố chứng cứ, ngày 8-3, Cơ quan ANĐT CA tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phit và Đik về hành vi “Phá hoại chính sách đoàn kết”. Đến ngày 11-3, hai đối tượng này bị bắt. Được biết, Ksor Phit từng tham gia biểu tình tại TP Pleiku năm 2001 và năm 2004 bị tuyên phạt 8 năm tù về tội “Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”. Siu Đik cũng từng bị bắt tạm giam 7 tháng về việc nuôi giấu, tiếp tế cho số đối tượng cầm đầu FULRO năm 2005 khi chúng lẩn trốn trong rừng. Năm 2015, cả Phit và Đik bị cơ quan CA phát hiện và ngăn chặn khi đang trên đường trốn sang nước ngoài.

Sau khi xem xét, HĐXX TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt Ksor Phit 11 năm tù và Siu Đik 8 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”.

M.T - B.T

Trước đó, tại xã H’ra, H. Mang Yang, tỉnh Gia Lai, TAND tỉnh đã mở phiên tòa lưu động xét xử 5 đối tượng gồm A Jen (32 tuổi), A Tik (64 tuổi, cùng trú xã Đăk Tơre, H. Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), Thin (37 tuổi), Gyưn (36 tuổi, cùng trú xã H’ra, H. Mang Yang) và Đinh Kữ (44 tuổi, trú xã An Thành, H. Đăk Pơ, Gia Lai) về hành vi “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”. Theo cáo trạng, giữa năm 2012 đến đầu năm 2013, lực lượng chức năng đã đấu tranh xóa bỏ “tà đạo Hà Mòn” (tà đạo mà các đối tượng FULRO lợi dụng để hoạt động chống phá chính quyền), bắt giữ và đưa ra xét xử các đối tượng cầm đầu. 5 bị cáo trên đã trốn vào rừng tiếp tục móc nối với các đối tượng FULRO lưu vong, nhận chỉ đạo để hoạt động. Chúng tuyên truyền luận điệu “Nhà nước riêng của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sắp thành công”. Chúng vận động một số bà con tại một số làng thuộc các huyện Mang Yang, Đăk Pơ (Gia Lai) và H. Kon Rẫy (Kon Tum) duy trì nhóm họp, góp tiền, gạo để tiếp tế cho những đối tượng lẩn trốn ngoài rừng. Đồng thời, lén lút hoạt động tuyên truyền, chia rẽ khối đoàn kết trong nhân dân.

Các đối tượng tại phiên xét xử.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội. Xét thấy các bị cáo hạn chế hiểu biết về pháp luật nên tòa áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt A Jen 9 năm tù; ATik 8 năm tù; Đinh Kữ 7 năm tù; Thin 6 năm tù và Gyưn cùng 5 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”.

P.V

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/78_154073_nhu-ng-ke-u-me-la-c-lo-i.aspx