Những 'hóa thạch' đẹp đẽ

Một thời hào hùng của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến đã được 'hóa thạch' đẹp đẽ trên các tác phẩm nghệ thuật bằng nhiều chất liệu. Ở đó, hình tượng các mẹ Việt Nam anh hùng, chiến sĩ bộ đội cụ Hồ, những người lặng lẽ dâng hiến tuổi thanh xuân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc được khắc họa sống động.

Còn mãi với thời gian

Qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, nhiều thế hệ họa sĩ đã trở thành chiến sĩ, tham gia chiến đấu ngoài mặt trận, trong đó có người mãi nằm lại, hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Không ít nghệ sĩ - chiến sĩ đã ghi lại những khoảnh khắc chân thật và sống động về hình ảnh bộ đội cụ Hồ; thể hiện tình cảm, lòng tri ân đối với mẹ Việt Nam anh hùng, dân quân, y sĩ, bác sĩ và nhiều tấm gương bình dị đã lặng lẽ dâng hiến tuổi thanh xuân vì độc lập dân tộc.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022), 69 tác phẩm của 62 tác giả, trong đó có 17 họa sĩ - chiến sĩ, lựa chọn từ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, được giới thiệu tới công chúng trong triển lãm Còn mãi với thời gian, khai mạc sáng 20.7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

Trong không gian trưng bày, hình ảnh người lính anh dũng, kiên cường trong chiến đấu được khắc họa sống động trong các ký họa: Đồng chí Trung Kiên Đồng chí Khương y tá trong trận Bình Giã (họa sĩ Cổ Tấn Long Châu), hay các lực lượng đã chung sức làm nên những chiến công như Mở đường thắng lợi (Ngô Mạnh Lân), Nuôi quân (Nguyễn Trọng Hợp), Rừng cười (Nguyễn Trường Linh)… Các anh hùng đã hy sinh quên mình song còn lưu danh mãi mãi qua các tác phẩm: Nguyễn Văn Trỗi (Đạo Khánh), Tô Vĩnh Diện chèn pháo (Dương Hướng Minh), Phan Đình Giót (Huy Toàn).

Nhiều tác phẩm cũng đặc tả sự đau khổ, mất mát hy sinh, sức chịu đựng của con người trong chiến tranh: Anh thương binh (nhà điêu khắc Phạm Mười), Ca mổ trong hang sơ tán (họa sĩ Trần Ngọc Hải)… và cả nỗi đau sau cuộc chiến như các tác phẩm Không trở về, Sau cuộc chiến, DIOXIN… Bên cạnh đó, không thể không kể đến những tác phẩm thể hiện tình cảm chân thành, thân thuộc, tình quân - dân gắn kết, như: Bà má miền Trung (Nguyễn Văn Chư), Đón anh về (nhà điêu khắc Lê Thược), Nuôi giấu thương binh (Thọ), Giã gạo nuôi quân (Phạm Việt)...

Truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, tri ân tấm lòng những người mẹ, người vợ nơi hậu phương được thể hiện qua các tác phẩm: Mẹ Thứ - Mẹ Việt Nam anh hùng (nhà điêu khắc Nguyễn Minh Đỉnh), Bài ca người mẹ (nhà điêu khắc Lê Duy Ứng)…

Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, dưới góc nhìn của các nghệ sĩ - chiến sĩ, Còn mãi với thời gian bày tỏ sự trân trọng hòa bình, nhớ ơn những người đã anh dũng hy sinh để mang đến cuộc sống bình yên, tươi đẹp cho chúng ta hôm nay. Đây cũng là dịp để tri ân những thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc đã tham gia kháng chiến. Với sự đa dạng về bút pháp, thể loại và chất liệu, triển lãm mong muốn đưa người xem hồi tưởng về một thời quá khứ hào hùng mãi được trân trọng và ghi nhớ.

Một góc triển lãm
Ảnh: Ng. Phương

Đề tài chưa bao giờ cũ

Theo tiếng gọi non sông lên đường nhập ngũ tháng 9.1971, cùng đơn vị hành quân chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị, rồi thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng xúc động cho biết: “Nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh, ngã xuống tại các chiến trường, còn bị bom cày xới nhiều lần. May mắn được toàn vẹn trở về, tôi nghĩ phải tri ân với đồng đội của mình bằng các tác phẩm và quyết tâm sáng tạo nghệ thuật, dù đôi mắt đã bị ảnh hưởng nặng nề do bị thương năm 1975”.

Đưa đôi tay cảm nhận lại từng nét khắc quen thuộc của bức tượng gỗ Bài ca người mẹ (sáng tác năm 1993), nhà điêu khắc cho biết ông khắc họa chính người mẹ của mình, người mẹ khoác súng trên vai sẵn sàng đánh giặc bảo vệ quê hương, nhưng cũng là người mẹ yêu hòa bình, yêu văn hóa nghệ thuật gửi gắm qua hình tượng cánh chim và cây đàn...

Chưa từng đi qua chiến tranh cũng chưa trải qua mất mát, họa sĩ Nguyễn Trường Linh cho biết anh cảm nhận chiến tranh qua sách báo, nghe kể từ người đã qua cuộc chiến, và thấy thấm thía, xúc động. Bằng nhãn quan của họa sĩ, những điều ấy được anh dựng lại trong tác phẩm tạo hình. Rừng cười trưng bày lần này được họa sĩ sáng tác trên chất liệu sơn mài, lấy cảm hứng từ câu chuyện về những người lính hành quân qua Trường Sơn vẫn thường nghe văng vẳng trong vòm cây, bóng lá tiếng cười, tiếng hát trong trẻo của các cô gái thanh niên xung phong hy sinh máu thịt và cả cuộc đời để ở lại trong rừng trông coi, bảo vệ binh trạm bị bỏ quên...

Tham quan, nhìn lại dấu ấn của nhiều thế hệ họa sĩ trong triển lãm, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn chia sẻ:75 năm qua, hình tượng người chiến sĩ vẫn đẹp đẽ trong ngôi đền nghệ thuật với các chất liệu khác nhau. Từ họa sĩ - chiến sĩ đầu tiên là danh họa Tô Ngọc Vân đã ngã xuống trong mặt trận Điện Biên Phủ, tới các nghệ sĩ đã ra chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, đã thể hiện tiếng nói, tiếng lòng của mình qua các tác phẩm, từ ký họa nhỏ ở mặt trận, cho tới tác phẩm được nuôi dưỡng, ấp ủ, thai nghén đầy giá trị mà hai bảo tàng đang lưu giữ. Các họa sĩ còn rất trẻ ngày hôm nay cũng tiếp tục thể hiện đề tài này trong các tác phẩm của mình. Điều đó cho thấy, đề tài chiến tranh cách mạng, hình tượng chiến sĩ bộ đội cụ Hồ trong nghệ thuật vẫn chưa bao giờ cũ.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/nhung-hoa-thach-dep-de-i295932/