Những hình ảnh ấm áp nơi đảo xa

Nhắc đến Trường Sa là gợi đến hình ảnh trùng dương sóng vỗ, nắng gió khắc nghiệt tác động trực tiếp tới đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống và làm việc trên các đảo, điểm đảo. Với tinh thần 'Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước', ngày nay Trường Sa đã có nhiều đổi thay...

Trong các ngày từ 20/4 đến 27/4, chuyến công tác của đoàn đại biểu thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Quang Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy dẫn đầu đã đến thăm các đảo, điểm đảo: Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, Đá Đông B, Trường Sa và điểm cuối là Nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Hải trình qua các điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa đã để lại nhiều tình cảm sâu lắng.

Ngày 20/4, ngay khi đến Cam Ranh, đoàn đã thực hiện dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ tù chính trị ở Cam Ranh; thăm Lữ đoàn 162, đơn vị tàu chiến đấu mặt nước hiện đại nhất Quân chủng Hải quân; tham quan Lữ đoàn tàu ngầm 189 Quân chủng Hải quân - nơi có Tàu ngầm 182 mang tên Hà Nội; Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân và dâng hương Đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại khu vực Cảng quân sự Cam Ranh…

Đảo Song Tử Tây, 1 trong 3 xã đảo của huyện đảo Trường Sa, là điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn công tác. Tại đây, sau khi thắp hương tại chùa Song Tử Tây, dâng hương tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đoàn đã thăm hỏi các gia đình đang sinh sống trên đảo cũng như các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đảo tiền tiêu Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Quang Đức, thay mặt Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô trao tặng lá cờ Tổ quốc cho cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây.

Đoàn công tác cũng đã trồng cây lưu niệm tại đảo Song Tử Tây.

Tiếp đó, Đoàn công tác lần lượt đến thăm đảo Đá Thị, Sinh Tồn Đông, Đá Đông B. Trong đó hai đảo Đá Thị và Đá Đông B là những đảo chìm, quanh năm phải đón sóng gió khắc nghiệt từ trùng khơi nhưng luôn vững vàng nơi tuyến đầu biển đảo Tổ quốc. Giờ đây, trên đảo đã được tô điểm bởi màu xanh cây lá và cả những sắc hoa rực rỡ.

Trước kia, nhắc đến Trường Sa là nghĩ đến những đảo xa chỉ có cát trắng, gió biển mặn mòi, khắc nghiệt. Nhưng ngày nay, trên hầu hết các đảo, kể cả các nhà giàn, luôn có những mảng xanh của rau, đủ đầy mùa nào thức ấy do chính những người lính đảo vất vả chăm sóc.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tình cảm sâu sắc gửi ra từ đất liền, các trường học trên các đảo, điểm đảo của quần đảo Trường Sa ngày càng khang trang. Sau mỗi giờ học, lũ trẻ đều có chỗ vui chơi thỏa thích.

Thành viên trong đoàn công tác của thành phố Hà Nội thăm hỏi, chia sẻ với các hộ dân, động viên các gia đình vượt qua khó khăn; khẳng định những trái tim đồng bào từ đất liền luôn luôn hướng về biển đảo Tổ quốc.

Trong điều kiện sóng điện thoại còn hạn chế thì những lá thư có ý nghĩa vô cùng để nối gần đất liền với các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa. Những lá thư đến với các chiến sĩ trẻ có thể là của người yêu phương xa, của gia đình, của những người mẹ, nhưng cũng có thể là của những em nhỏ, những học sinh từ đất liền gửi ra. Nhưng tất cả đều mang lại những cảm xúc đặc biệt cho những người chiến sĩ trẻ.

Trường Sa hôm nay cũng đã gần hơn với đất liền khi thông tin được cập nhật qua truyền hình, phát thanh, nhưng những tờ báo được các đoàn công tác mang ra tận đảo vẫn luôn là những nhịp cầu ý nghĩa nối những bờ vui. Bởi rằng, qua các nhà báo, những chiến sĩ từ đảo xa lại gửi gắm tình cảm sâu lắng về đất liền.

Nữ Quỳnh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-hinh-anh-am-ap-noi-dao-xa-155238.html