Những hành vi kệch cỡm

Từ trước đến nay, hành khách di chuyển bằng đường hàng không mặc nhiên được xếp vào diện 'có điều kiện' về nhiều thứ so với hành khách đi bằng ô-tô hay tàu hỏa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều hành khách đi máy bay, kể cả khách VIP đã có những hành vi, thái độ cư xử không đúng mực, gây bức xúc trong dư luận.

Từ trước đến nay, hành khách di chuyển bằng đường hàng không mặc nhiên được xếp vào diện “có điều kiện” về nhiều thứ so với hành khách đi bằng ô-tô hay tàu hỏa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều hành khách đi máy bay, kể cả khách VIP đã có những hành vi, thái độ cư xử không đúng mực, gây bức xúc trong dư luận.

Nhiều hành khách cùng chuyến và dư luận chắc vẫn chưa quên chuyện hai hành khách là giám đốc công ty tư nhân ở TP Hồ Chí Minh “thản nhiên” bật máy tính xem phim không lành mạnh trên chuyến bay của Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines (VNA) từ Hà Nội đi Pa-ri. Âm thanh “nhạy cảm” cùng những hình ảnh mát mẻ đã khiến một số hành khách ngồi cạnh hết sức bực mình, khó chịu. Khi bị nhắc nhở, hai vị giám đốc này vẫn tiếp tục xem khiến một nữ hành khách người Pháp ngồi cạnh gần như bật khóc. Cách đây ít lâu, nhiều người cũng hết sức bức xúc với hành khách M.T.B, (SN 1970, trú tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), đã có hành vi tát vào mặt nữ tiếp viên C.T.T của VNA chỉ vì không tìm thấy điện thoại. Sau khi tát chị T, ông B. còn lớn tiếng dọa đánh cả tiếp viên trưởng. Ông này sau đó đã bị nhà chức trách ra quyết định xử phạt hành chính và cấm bay sáu tháng. Một trường hợp khác, cũng trên chuyến bay của VNA, khi máy bay đang giảm độ cao để hạ cánh, một hành khách là ca sĩ khá nổi tiếng đã để cho con trai bốn tuổi tiểu tiện vào túi nôn trang bị trên tàu bay,… Năm 2015, trên tàu bay, một giám đốc doanh nghiệp đã có hành vi sàm sỡ bốn nữ tiếp viên, trong đó có một tiếp viên người nước ngoài. Mới đây nhất, Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm bay 12 tháng (kể từ ngày 21-5) đối với bà T, 44 tuổi (trú tại Hà Nội) do vi phạm quy định về an ninh hàng không. Vì bị thay đổi cửa ra máy bay, bà T đã bức xúc, chửi bới phi hành đoàn, làm náo loạn trên máy bay, khiến chuyến bay bị chậm 50 phút so với thời gian khởi hành. Lệnh cấm bay đối với bà T đã được thông báo đến tất cả các sân bay, hãng hàng không và lực lượng công an, hải quan cửa khẩu để phối hợp thực hiện, ngăn chặn bà T đi lại bằng đường hàng không trong thời gian quyết định này có hiệu lực.

Thời gian qua, quyết định cấm bay đối với hành khách được ban hành có xu hướng tăng mạnh so với trước đây. Hình phạt cấm bay được cho là nặng nhất trong lĩnh vực hàng không, các hành vi vi phạm dẫn đến hình phạt này cũng khá đa dạng, trong đó, phổ biến là hành vi gây rối trật tự công cộng tại sân bay và trên máy bay, hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo để đi máy bay. Chính phủ đã ra nghị định, một hình thức văn bản pháp quy ở mức cao, quy định về an ninh hàng không, nhằm ngăn ngừa các hành vi gây rối, có nguy cơ gây mất an toàn, an ninh hàng không. Trong vài năm trở lại đây, thị trường chứng kiến sự “bùng nổ” tăng trưởng của ngành hàng không, tạo nhiều cơ hội cho người dân làm quen với việc đi lại bằng máy bay. Nghề tiếp viên hàng không là “làm dâu trăm họ”, luôn phải tươi cười lịch thiệp với mọi hành khách. Một số tiếp viên tâm sự, nhiều người dân lên sân bay vẫn đội nón lá, mũ cối, tay xách nách mang, bao ni-lông, túi dứa như đi xe đò. Tuy chưa hiểu hết các quy định khi đi máy bay, nhưng khi được tiếp viên nhắc nhở, họ đều rất vui vẻ lắng nghe và tuân thủ mọi chỉ dẫn. Trên những chuyến bay, nỗi lo ngại nhất là phục vụ những hành khách có hơi men, say xỉn, hoặc một số “thiếu gia”, giám đốc doanh nghiệp,… mới nổi, thích “chơi trội”. Những hành vi gây rối, làm mất an ninh trật tự ngành hàng không thời gian qua cho thấy sự kệch cỡm, lố bịch, thiếu văn hóa trong ứng xử của một bộ phận những người được coi là “sang trọng, đẳng cấp”, rất cần bị lên án, chấn chỉnh kịp thời.

XÍCH TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/32975402-nhung-hanh-vi-kech-com.html