Những hành lang pháp lý nào bảo vệ bác sĩ?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu về chống bạo hành nhân viên y tế đồng ý bổ sung điều 134 về tình tiết tăng nặng khi hành hung người đang chăm sóc sức khỏe cho mình.

Ảnh minh họa.

Bác sĩ có được bảo vệ?

Việc thông qua bổ sung điều luật này đã nhận được sự ủng hộ của dư luận, đặc biệt là những người làm nghề y. Đây sẽ là cơ sở, là khung pháp lý đầu tiên giúp cho những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực y tế cảm thấy được bảo vệ, được có một môi trường làm việc an toàn.

TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, việc Quốc hội thông qua điều luật liên quan đến tình tiết tăng nặng với người có hành vi bạo hành thầy thuốc và nhân viên y tế trong lúc chăm sóc và cứu chữa người bệnh thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Bạo hành nhân viên y tế cũng là hành vi đánh người gây thương tích nhưng trong trường hợp đánh bác sĩ và nhân viên y tế đang thực hiện nhiệm vụ của mình với hình thức tăng nặng thể hiện quan điểm nhất quán trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi xâm hại tới sức khỏe, tính mạng của người thầy thuốc.

TS Quang cho rằng, từ trước tới nay hành lang pháp lý để bảo vệ thầy thuốc, nhân viên y tế đã có khá đầy đủ, thể hiện qua quy định của Luật Khám chữa bệnh. Tại đây đã quy định quyền của người thầy thuốc được pháp luật bảo vệ khi đang thực hiện nhiệm vụ của mình. Nghĩa vụ của người bệnh và thân nhân người bệnh là tuân thủ phác đồ điều trị của người thấy thuốc, có nghĩa vụ bảo vệ, không được lăng mạ, xâm hại sức khỏe, tính mạng người thầy thuốc.

Ngoài ra, quy định của Luật Hình sự đã có các quy định mang tính chất răn đe đối với các hành vi giết người, gây rối trật tự công cộng trong đó có cả các quy định đối tượng thầy thuốc và nhân viên y tế.

Các quy định về gây rối trật tự nếu chưa đến mức phải xử lý hình sự cũng đã xử lý hành chính. Trong chừng mực gây hại cho nhân viên y tế và tài sản của bệnh viện đã có quy định của Bộ Luật Dân sự có trách nhiệm bồi thường thiệt hại này.

Không những thế, TS Quang cho biết, hiện nay chúng ta còn có các hội như Tổng hội Y học, Hội Tim mạch học, Hội Điều dưỡng… những hội này cũng có trách nhiệm bảo vệ hội viên của mình. Theo TS Quang, như vậy đã khá đầy đủ với hành lang pháp lý để bảo vệ người thầy thuốc và nhân viên y tế làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, khi vấn nạn tăng lên, mức độ xâm hại tăng lên, Quốc hội bổ sung điều khoản liên quan tới tình tiết tăng nặng hình phạt cũng là thêm công cụ bảo vệ người thầy thuốc và nhân viên y tế. TS Quang cho rằng ngành y tế cảm ơn đề xuất của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đã được Quốc hội chấp nhận.

Các hội nghề nghiệp chưa lên tiếng

Theo TS Quang, có 3 trường hợp hành hung thầy thuốc và nhân viên y tế:

Thứ nhất: Do tính chất bức xúc của việc nào đó người ta sẵn sàng lăng mạ, đánh đập, phá hoại chủ yếu là thân nhân, bạn bè người bệnh.

Thứ 2: Không mâu thuẫn với nhân viên y tế nhưng lại mâu thuẫn với nạn nhân khi thù hằn đánh nhau ở ngoài đưa vào cấp cứu trong bệnh viện và trực tiếp đánh bệnh nhân khi đang cấp cứu, bác sĩ nói thêm vào có thể bác sĩ sẽ bị đánh luôn.

Thứ 3: Họ đã có sẵn thù hằn ở ngoài xã hội, lợi dụng bác sĩ đang cứu chữa người bệnh họ vào hành hung bác sĩ.

Nhưng nguyên nhân đầu tiên nhiều hơn, những hành vi này cần lên án mạnh mẽ, quyết liệt bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế trong lúc hành nghề của mình.

Tại Việt Nam, đã có rất nhiều hội, đây là cơ quan bảo vệ nhưng các trường hợp vừa rồi xảy ra nhưng chưa có đại diện của cơ quan đó lên tiếng. Sự bức xúc chỉ có bác sĩ lên tiếng, nhà báo lên tiếng, dư luận tỏ quan điểm.

“Chúng ta đã có cơ quan, tổ chức nhưng liệu tổ chức đó đã đủ nhiệt huyết để bảo vệ hay không? Tổng hội và các hội đó bảo vệ, nhưng họ bảo vệ bằng cơ chế nào?” – TS Quang nhấn mạnh.

Ngoài ra, khi có bạo hành y tế cần xem thái độ, tinh thần phục vụ của nhân viên y tế đảm bảo về quy định chuyên môn chưa, đảm bảo về mặt y đức chưa nên Bộ Y tế đưa ra chủ trương thay đổi thái độ phục vụ người bệnh. Cơ sở khám chữa bệnh nào cũng thực hiện tốt như vậy, tinh thần thái độ tốt như vậy thì đó là công cụ bảo vệ mình đầu tiên. Nếu vẫn còn có xâm hại thì có các quy định pháp chế để xử lý.

Thực tế, TS Quang cho biết, qua theo dõi các vụ hành hung bác sĩ đều thấy các bác sĩ khác không đứng ra can thiệp bảo vệ đồng nghiệp, bảo vệ của bệnh viện cũng không có kỹ năng can thiệp. Lúc đó không thể có Bộ Y tế, Sở Y tế, công an đến ngay mà lúc đó họ phải có can thiệp đầu tiên từ bảo vệ bệnh viện...

Ví dụ: Khi xuất hiện nhân vật đem hung khí, say rượu thì bảo vệ phải gọi điện ngay cho công an vùng sở tại để họ đến can thiệp kịp thời để bảo vệ nhân viên y tế. Sự vào cuộc của cơ quan chức năng, hội nghề nghiệp cần đồng lòng lên tiếng ngay nếu ta thực hiện các biện pháp đồng bộ thì việc chống bạo hành giảm hơn.

Một điểm đáng chú ý, TS Quang cho rằng, vấn đề hiện nay khi các vụ việc xảy ra, cơ quan công an vào cuộc bắt tạm giam nghi phạm nhưng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm lại thả ra và xử hành chính. Lý do, khi đánh bác sĩ thì bác sĩ phải bị quá 11 % thương tích mới truy cứu trách nhiệm hình sự, dưới 11% truy cứu trách nhiệm hành chính vì thế cơ quan công an thả nghi phạm.

Ngoài ra, các bác sĩ rất bức xúc có những trường hợp vào bệnh viện chỉ chửi không thể xử phạt hành chính được, kể cả ở nước ngoài. Ở đây là vấn đề đạo đức xã hội, thậm chí có những trường hợp họ chỉ chửi không phạt được. TS Quang cho rằng, cần giáo dục ý thức đạo đức kể cả khi ở ngoài xã hội nếu họ chửi có người nhắc ngay thì nó sẽ giảm.

Khánh Ngọc

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nhung-hanh-lang-phap-ly-nao-bao-ve-bac-si-post230481.info